Vào thời điểm lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nhậm chức (tháng 5-2016), số lượng các quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan là 22, trong đó hầu hết là nước nhỏ ở Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Caribe.
Tuy nhiên mới đây, với sự kiện chính phủ Nicaragua ngày 9-12-2021 tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan chuyển sang công nhận chính sách “một Trung Quốc” đã để lại cho hòn đảo chỉ còn 14 đồng minh.
Đài Bắc cáo buộc Trung Quốc đã tăng cường gây sức ép lên các đồng minh ít ỏi của hòn đảo thông qua các công cụ kinh tế, thường được biết tới với tên chính sách “Ngoại giao đồng đô-la”, nhằm thuyết phục các quốc gia này cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Phó lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức và Tổng thống Honduras Xiomara Castro. Ảnh: CNA
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành trong một sự kiện tổ chức tại Bắc Kinh nhấn mạnh rằng “sẽ chỉ là vấn đề thời gian” trước khi số lượng đồng minh của Đài Loan về con số không.
Điều đó cho thấy rằng dưới ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc và căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan, Đài Bắc có nguy cơ đánh mất thêm đồng minh về Bắc Kinh. Trường hợp của Honduras gióng lên hồi chuông như vậy.
Honduras “quay xe”?
Mối quan hệ đồng minh ngoại giao giữa Đài Loan và Honduras trong hơn 80 năm qua đã gặp thách thức nghiêm trọng khi Tổng thống Honduras Xiomara Castro trong suốt chiến dịch tranh cử của bà đã đưa ra ý tưởng từ bỏ Đài Bắc để chuyển sang thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Bà Castro - vợ của cựu Tổng thống Manuel Zelaya, người bị lật đổ hồi năm 2009 - trong thời gian chạy đua chức Tổng thống Hondurus đã nói rằng nếu chiến thắng, bà sẽ “ngay lập tức thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với Trung Quốc”.
Và ngày 27-1 bà Castro đã tuyên thệ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Honduras. Điều này làm dấy lên lo ngại Đài Loan có nguy cơ đánh mất thêm một đồng minh ngoại giao.
Ông Lại Thanh Đức tới Honduras. Ảnh: CNA
Trước mối lo trên, Đài Loan và Mỹ đã có những phản ứng trong nỗ lực "cứu vãn" quan hệ Đài Loan-Honduras. Phía Đài Bắc cảnh báo Honduras rằng “những lời hứa từ phía Trung Quốc thường hào nhoáng và giả dối, và chúng là những mưu đồ nhất quán để phá hoại quan hệ ngoại giao của Đài Loan với các đồng minh”.
Trong khi đó, nhằm ngăn cản ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Trung Quốc tại khu vực Mỹ La-tinh, vốn được Washington xem là “sân sau”, Mỹ đã cử một đoàn ngoại giao tới Honduras để làm rõ Mỹ muốn quốc gia Trung Mỹ này duy trì mối quan hệ với Đài Loan, theo hãng tin Reuters.
Kết quả là sau khi bà Castro đắc cử trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Honduras, đã có một số tín hiệu lạc quan hơn cho quan hệ giữa Đài Bắc và Tegucigalpa.
Vào tháng 12-2021, ông Gerardo Torres, thư ký quan hệ quốc tế đảng Tự do và Tái thiết của bà Castro cho biết chính phủ Honduras chưa có ý định phá vỡ quan hệ với Đài Loan.
“Chính phủ mới sẽ tiếp tục quan hệ với Đài Loan. Tổng thống đắc cử Xiomara Castro đã nói rõ quan hệ này sẽ được duy trì. Không một ai trong đảng muốn ở trong một chính phủ xa cách với Mỹ” - ông Torres nói.
Đáng chú ý hơn, vào ngày 27-1, hãng tin Reuters đưa tin, theo lời mời từ phía Honduras, phó lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức đã có chuyến công du tới quốc gia Trung Mỹ này để dự lễ nhậm chức Tổng thống của bà Castro.
Sau cuộc gặp với ông Lại, bà Castro bày tỏ biết ơn đối với sự hỗ trợ của Đài Loan và hy vọng rằng sẽ tếp tục duy trì mối quan hệ hai bên trong tương lai. Trong khi đó, ông Lại cho biết Đài Loan sẽ tăng cường hợp tác với Honduras và thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai bên.
Những chỉ dấu trên cho thấy chính quyền mới của bà Castro vẫn coi trọng mối quan hệ với Mỹ và do đó, ít nhất trong tương lai gần, Honduras tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng minh ngoại giao với Đài Loan.
Đồng minh ngoại giao chính thức có còn quan trọng với Đài Loan?
Việc Đài Loan dần đánh mất những đồng minh ngoại giao về Trung Quốc đã dẫn tới một số lời kêu gọi Đài Loan không nên dành nhiều nguồn lực để duy trì quan hệ với 14 nước đồng minh.
Nhà phân tích quân sự Derek Grossman đề xuất rằng Đài Loan có thể xem xét việc đơn phương cắt đứt quan hệ với các đồng minh còn lại, vốn là các nước nhỏ và có giá trị địa chiến lược hạn chế, để dành thời gian và nguồn lực nhằm đa dạng các mối quan hệ kinh tế với các cường quốc để ngăn cản ảnh hưởng của Bắc Kinh lên hòn đảo.
Trong thời gian qua, Đài Loan cũng tăng cường phát triển mối quan hệ không chính thức với các cường quốc và đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan” hoặc ủng hộ Đài Loan gia nhập vào các tổ chức quốc tế,...
Thông qua chính sách Hướng Nam mới, Đài Loan đã làm thắt chặt mối quan hệ kinh tế, văn hóa với các nước Đông Nam Á, góp phần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Và gần đây, nhiều nước châu Âu đã lên tiếng ủng hộ Đài Loan, tiêu biểu là trường hợp của Lithuania.
Tuy nhiên, nỗ lực duy trì các đồng minh ít ỏi còn lại cũng đóng một phần quan trọng cho sự hiện diện của Đài Loan trên trường quốc tế. Bên cạnh mối quan hệ kinh tế, các quốc gia này sẵn sàng lên tiếng ủng hộ Đài Loan tại các cơ quan quốc tế mà Đài Bắc không có ghế như kêu gọi ủng hộ về việc đưa Đài Loan gia nhập hệ thống của Liên Hợp Quốc.
Vì vậy con đường khả dĩ cho Đài Loan là tiếp tục nỗ lực duy trì mối quan hệ chính thức với 14 nước còn lại, trong khi mở rộng, làm sâu sắc và phát triển quan hệ không chính thức các quốc gia khác nhằm đối phó với chính sách cô lập Đài Loan của Trung Quốc.
Như người đứng đầu Cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp tuyên bố việc làm sâu sắc thêm các mối quan hệ không chính thức với các quốc gia cùng chí hướng cũng quan trọng không kém việc duy trì các mối quan hệ ngoại giao với các đồng minh chính thức.