Những năm gần đây, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và có trách nhiệm xã hội cũng dần trở thành những tiêu chuẩn quan trọng. Đưa được nông sản vào thị trường châu Âu là một thách thức nhưng cũng là cơ hội và sức ép, để nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu cho ra những sản phẩm chất lượng cao hơn.
Con tôm Việt Nam trong chuỗi đại siêu thị Cora của Pháp là loại nuôi theo quy trình hữu cơ. Tôm nõn hữu cơ đông lạnh từ Việt Nam được đóng trong hộp giấy, trộn lẫn với tôm từ Ecuador. Cũng có tôm nguyên vỏ bỏ đầu từ Việt Nam, đóng trong túi nửa cân hay một cân. Con tôm Việt Nam vào được các chuỗi phân phối bán lẻ lớn của châu Âu phải thoả mãn hàng chục tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Tồn dư hoá chất, vi sinh, kháng sinh, kim loại nặng… trong con tôm phải ở mức cực kỳ thấp.
Ông Trần Trọng Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên minh châu Âu và Vương quốc Bỉ nói: "Đối với tất cả hàng xuất khẩu vào thị trường EU bắt buộc phải tôn trọng các quy định về an toàn thực phẩm của EU. Hiện tại ngưỡng dư lượng của tất cả các ngưỡng đều mặc định là khoảng 0,01%, là ngưỡng rất thấp".
Có một hệ thống tự động cảnh báo toàn châu Âu mỗi khi phát hiện một thực phẩm có dư lượng vượt quá mức cho phép. Cửa ải đầu tiên là kiểm tra ngẫu nhiên ngay tại cảng biển. Một lô hàng cụ thể, bị phát hiện vi phạm tại một nước châu Âu, sẽ bị buộc phải rút khỏi toàn bộ thị trường châu Âu, thậm chí thiêu huỷ, bất kể có nguồn gốc bên ngoài hay bên trong châu Âu.
Ông Eric De Muylder, nông dân làng Ternat, Bỉ, nói: "Tất nhiên là cần phải bổ sung một số phụ gia trong thức ăn cho tôm để giúp chúng không nhiễm bệnh nhưng phụ gia đó phải là các sản phẩm tự nhiên, chứ không phải là kháng sinh. Theo tôi điều đó rất quan trọng vì nếu sử dụng kháng sinh thì không thể nào bán được".
Nông sản thực phẩm phải tuân thủ quy định an toàn vệ sinh đã đành, ngoài ra thì còn phải đáp ứng những tiêu chí không liên quan tới chất lượng sản phẩm. Hàng hoá phải không dính dáng tới phá rừng hay tận diệt thuỷ sản, quy trình sản xuất phải hợp pháp, thân thiện môi trường và trước tiên, là phải có mã số vùng trồng vùng nuôi, giúp truy xuất nguồn gốc nông sản.
Ông Maarten Van Geest, công ty Thuỷ sản Culimer, Hà Lan, cho biết: "Người tiêu dùng châu Âu muốn biết sản phẩm có nguồn gốc ra sao. Chúng tôi nhận thấy ngư dân Việt Nam chỉ quan tâm đến sản lượng mà không để ý rằng ở châu Âu người tiêu dùng còn quan tâm đến việc sản phẩm đó được làm ra trong những điều kiện như thế nào nữa".
Con tôm Việt Nam đã vượt qua được những đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu, nhập khẩu tôm từ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Bối cảnh đang thuận lợi nhờ Hiệp định Thương mại tự do. Vấn đề chỉ còn là, phải làm sao để duy trì ổn định lâu dài chất lượng sản phẩm trong một thị trường khó vào, nhưng đã vào được, là khẳng định được uy tín trên thị trường thế giới. Con tôm Việt Nam đã có thị thực châu Âu rồi, tức là thừa đủ điều kiện để bơi vào bất kỳ thị trường nào
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.18044720140202202-ua-uahc-gnourt-iht-nert-man-teiv-mot-noc-neyuhc/et-hnik/nv.vtv