Khi Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 và khiến du lịch chững lại, đô thị cổ Ô Trấn ở Chiết Giang đã phải ra quyết định khó khăn là đóng cửa ngay trước mùa cao điểm Tết Nguyên đán.
Kể từ đó, giống như nhiều người làm việc trong ngành du lịch, Chủ tịch Chen Xianghong của Ô Trấn Tourism đã nhiều lần hy vọng điều tồi tệ nhất đã qua.
Nhưng việc đóng cửa tạm thời cứ liên tục xảy ra. Lượng khách giảm do hạn chế đi lại giữa các tỉnh, khiến doanh thu giảm mạnh và buộc mọi người rời khỏi ngành.
Khách du lịch ở Trung Quốc đã thực hiện 3,25 tỷ chuyến đi vào năm 2021, tăng 12,8% so với năm 2020, nhưng chỉ bằng 54% so với năm 2019, theo Bộ Văn hóa và Du lịch nước này. Tổng chi tiêu cho du lịch cũng tăng 31% trong năm ngoái, lên 2.920 tỷ nhân dân tệ (459 tỷ USD), nhưng con số này một lần nữa chỉ bằng một nửa mức chi tiêu vào năm 2019.
Vào tháng 1/2021, nhiều chính quyền địa phương khuyến cáo người dân ở yên tại chỗ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thay vì về quê để đoàn viên theo truyền thống. Điều này khiến mức đỉnh về lượt đi lại hàng ngày giảm 76,2% so với năm 2020.
Ít nhất 38 lệnh cấm đi lại liên tỉnh đã được áp dụng vào năm ngoái, nhằm hạn chế sự lây lan của virus, do những đợt bùng phát lẻ tẻ và thời tiết khắc nghiệt diễn ra vào hầu hết các mùa du lịch cao điểm sau đó. "Mùa xuân sẽ đến, và đây sẽ là năm khó khăn cuối cùng", Chen Xianghong không ngừng nói với bản thân và các nhân viên của mình như vậy.
Nhưng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần của năm nay, một làn sóng bùng phát diễn ra trên khắp đất nước, khiến chính quyền địa phương một lần nữa cảnh báo về việc đi lại liên tỉnh và ban hành các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn cản người dân du lịch.
"Du lịch là một ngành được hỗ trợ bởi sự di chuyển và chi tiêu xuyên vùng. Nếu không có sự di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ thành phố này sang thành phố khác, thì sẽ không có thị trường", Chen Xianghong nói thêm.
Năm 2019, Ô Trấn đã thu hút 9,6 triệu khách du lịch, với 7/10 khách đến từ các tỉnh ngoài Chiết Giang. Nhưng khi mọi người hiện thực hiện các chuyến đi ngắn hơn, các công ty du lịch truyền thống phụ trách đặt các chuyến đi và chuyến bay trở nên thất nghiệp. Các hãng hàng không cũng phải chịu thiệt hại về tài chính.
China Airlines lỗ 10,3 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) trong ba quý đầu năm 2021. China Eastern Airlines và China Southern Airlines lần lượt lỗ 8,2 tỷ và 6,1 tỷ nhân dân tệ, do tác động của biến thể Delta và Omicron.
Vào năm 2019, du lịch và các ngành liên quan đã tạo ra khoảng 1.500 tỷ USD, chiếm 11,05% GDP của Trung Quốc. Với tư cách là một trong những ngành lĩnh vực chính, họ đóng góp 79,87 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, tương đương 10,31% tổng số việc làm.
Theo Wang Yu, Phó chủ tịch của Spring Travel, đại dịch đã khiến 11.000 đại lý du lịch đã đóng cửa kể từ năm 2020. Là một trong những công ty du lịch lớn nhất nước này, Spring Travel đã phải hoàn lại 4,13 tỷ nhân dân tệ cho khách hàng trong hai năm qua.
Với các yêu cầu cách ly nghiêm ngặt áp đặt đối với những người nhập cảnh vào Trung Quốc, du lịch quốc tế bị đóng băng. Vì vậy, các công ty du lịch nước ngoài phải gánh chịu tổn thất nặng.
Tập đoàn Du lịch CAISSA, một trong những công ty outbound (đưa khách đi nước ngoài) lớn nhất ở Trung Quốc trước đại dịch, đã báo cáo doanh thu 780 triệu nhân dân tệ trong 3 quý đầu năm ngoái, giảm 34,32% so với một năm trước đó, ghi nhận mức lỗ ròng 260 triệu nhân dân tệ (40,8 triệu USD). Trong khi đó, Tập đoàn UTour báo cáo khoản lỗ ròng 205 triệu nhân dân tệ trong 3 quý đầu năm ngoái.
Trước đại dịch, 95% hoạt động kinh doanh của Guan Wenlu tập trung vào du lịch nước ngoài. Công ty du lịch có trụ sở tại Thâm Quyến của anh đạt doanh thu 100 triệu nhân dân tệ vào năm 2019. Nhưng các hạn chế đi lại quốc tế sau đó khiến con số này giảm hon 60%, trong khi lợi nhuận ròng còn giảm sâu hơn.
Năm 2020, Guan Wenlu tìm cách phát triển các điểm đến và sản phẩm du lịch trong nước. Mọi thứ dường như chuyển biến thuận lợi khi nửa đầu năm 2021 đã thuận buồm xuôi gió mà không có bất kỳ đợt bùng phát quy mô lớn nào.
Anh mong đợi mùa du lịch hè và dự định tăng dần lương cho nhân viên, từ mức đã bị giảm hơn một nửa. Nhưng đợt bùng phát ở Nam Kinh vào tháng 7, lan đến địa điểm du lịch nổi tiếng Trương Gia Giới và sau đó là cả nước, đã làm lung lay các kế hoạch và mọi hy vọng trở lại bình thường.
"Mọi người đều nghĩ rằng ngành này đang đi đúng hướng để phục hồi. Ngay cả khi chúng tôi không thể tổ chức du lịch quốc tế thì vẫn có thể kiếm sống trên thị trường nội địa", ông Guan nói. Nhưng sau đó, công ty phải bắt đầu hoàn tiền cho khách từ tháng 8.
Có tuần, họ phải trả lại cho khách 405 triệu nhân dân tệ. Kể từ đó, chưa có một thị trường nào không bị gián đoạn. Những đợt bùng phát hàng tháng khiến họ phải tạm dừng nhiều chuyến đi.
"Chúng tôi thực sự chán nản sau một loạt cuộc vật lộn, đặc biệt là khi bạn nuôi hy vọng cả năm sẽ tuyệt vời, sau đó bạn phải hủy bỏ công việc kinh doanh đã đạt được. Nó hoàn toàn khác với việc bạn không thể đạt được bất cứ điều gì ngay từ đầu", anh nói.
Công ty của Guan đang hoạt động tốt hơn hầu hết đơn vị cùng ngành. Anh chưa buộc phải cho thôi việc bất kỳ nhân viên nào, mặc dù một số đã quyết định rời đi để tìm chỗ làm mới.
Tại tỉnh Vân Nam, công ty du lịch của Cun Xiaoqin hoạt động chưa đầy ba tháng vào năm ngoái, khi các vụ lây nhiễm mới liên tục xảy ra, dẫn đến các lệnh cấm và hủy tour. "Phần đáng sợ nhất không phải là Covid, mà là không biết liệu bạn có thể tiếp tục công việc kinh doanh của mình vào ngày mai hay không, cô nói. Cô đã buộc phải để 80% nhân viên của mình ra đi.
China International Travel Service Corporation, một trong những công ty du lịch lớn nhất của Hạ Môn, đã cho khoảng 2/3 công ty, khoảng 200 người, nghỉ phép dài ngày và không lương kể từ tháng 9, theo cựu nhân viên Chen Muxiang. Nguyên nhân là thành phố này bị phong tỏa vì nó trở thành tâm dịch của đợt bùng phát ở tỉnh Phúc Kiến.
Các đặt phòng, tour trong và ngoài tỉnh Phúc Kiến đã bị hủy cho đến giữa tháng 10. Nơi đây hoàn toàn vắng khách du lịch trong kỳ nghỉ Tết Trung thu và Quốc khánh tiếp sau đó.
Doanh nhân du lịch Xiao Yuanshan đã trả lương đầy đủ cho nhân viên của mình trong 5 tháng đồng thời tìm kiếm cơ hội ở thị trường du lịch nội địa, trước khi mất gần một triệu nhân dân tệ và buộc phải giải tán công ty vào năm 2020.
"Mọi người đã hy vọng đại dịch sớm kết thúc trong năm 2020, nhưng sự bi quan đã gia tăng vào năm 2021 sau những đợt bùng phát liên tiếp", Xiao nói. Hiện anh kiếm tiền từ các nội dung truyền thông về du lịch nhưng thu nhập vẫn bấp bênh.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc cho giai đoạn 2021-25 bao gồm các kế hoạch cho ngành du lịch. Nhưng một số chuyên gia tin rằng năm 2022 vẫn có thể tồi tệ hơn đối với ngành này, vì sự bùng phát của virus có thể gây thêm áp lực cho nền kinh tế, giảm mức độ sẵn sàng chi tiêu và buộc nhiều khách sạn phá sản hơn. Theo Chen Miaolin, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Trung Quốc, tỷ lệ nợ trên tài sản của các khách sạn ở Trung Quốc là 75% vào năm 2021.
Guan Wenlu tin rằng ngành công nghiệp này phải thích ứng với sự thay đổi của khí hậu và sở thích của khách hàng, đồng thời hy vọng sự kiên trì của anh ấy sẽ giúp anh ấy có một khởi đầu thuận lợi khi việc đi lại bình thường trở lại.
"Những người bi quan luôn đúng, nhưng những người lạc quan thì có một tương lai", Guan nói. Trong khi đó, cựu nhân viên Chen Xianghong giờ bán trà kiếm sống qua ngày, chời khi ngành du lịch phục hồi để về lại với nghề. Riêng Cun vẫn đang nuôi hy vọng vào một năm 2022 tốt đẹp hơn. "Nếu năm 2022 giống như năm 2021 một lần nữa, tôi sẽ được gọi về quê để sinh con thứ hai", cô đùa.
Phiên An (theo SCMP)