Khi những ngày Tết qua đi cũng là lúc chúng ta quay lại với cuộc sống thường nhật cùng cơm áo gạo tiền. Đặc biệt, những người đã lỡ chi tiêu quá tay trong dịp Tết lại càng chật vật hơn và cảm thấy áp lực với đồng tiền ngày trở lại thành phố. Nếu có những dấu hiệu dưới đây, chứng tỏ "vi rút nghèo khổ" đã bám lấy bạn rồi đấy!
Đếm ngược tới kỳ lương tháng 2
Còn mấy ngày nữa là nhận lương nhỉ? Bạn tự hỏi rồi tự thất vọng khi ngày nhận lương của tháng sao còn xa xôi quá. Tại sao bạn lại trông mong vào nó? Đó là tại vì mức tiền tiêu cho tháng này đã đến đáy rồi, bạn chẳng thể cầm cự thêm được nữa.
Đó có thể là hậu quả của việc chi tiêu quá tay hoặc thói quen không để dành bất cứ khoản tiết kiệm cấp bách nào. Nếu không đủ tiền tiêu, rất có thể bạn sẽ đi vay mượn để bù đắp vào những lỗ hổng tài chính và rồi khi nhận lương chưa kịp nóng đã "bay" mất phân nửa.
Tình trạng này chắc chắn sẽ kéo dài vào mỗi tháng nếu bạn không lập kế hoạch chi tiêu và nghiêm khắc với bạn thân ngay bây giờ.
Tích cực mang đồ ăn dưới quê lên
Ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ gấp đôi, gấp ba lúc ở quê. Thêm vào đó, đồ ăn mua dự trữ cho dịp Tết vừa rồi vẫn còn nhiều, bỏ thì tiếc, thế là bạn gói ghém chúng theo để tiết kiệm đồng nào hay đồng đấy. Đây là tâm lý của không ít người trẻ sau khi quay lại thành phố làm việc.
Thêm vào đó, việc khó khăn trong chi tiêu tài chính cũng sẽ thôi thúc bạn tự nấu ăn ở nhà và mang lên công ty thay vì ăn tại hàng quán như trước. Nấu ăn một lần mà ăn được hẳn 3 buổi sẽ tiết kiệm gần một nửa số tiền chi cho các bữa ăn khi ăn ngoài. Quả thật là một lựa chọn không tồi.
Hoặc cũng có thể bạn sẽ hạn chế tiêu tiền cho đồ ăn hơn, ít la cà hàng quán lại, đi làm xong chỉ thẳng một đường về nhà. Đó là khi tâm trí "nghĩ về tiền" đang thôi thúc bạn.
Săn sale, chuộng đồ rẻ
Không phải chỉ có Tết mới có nhiều thứ để mua sắm đâu, mà sau Tết cũng khá đau đầu. Đồ muốn mua thì nhiều mà tiền trong ví chẳng có bao nhiêu, vậy giải pháp duy nhất chính là săn sale. Bạn chỉ mua những thứ được sale 30%, 50%, còn lại thì tuyệt đối không mua.
Mặc khác, trong tâm trí bạn luôn cố gắng tiết kiệm tiền và tìm kiếm các sản phẩm giá rẻ. Thay vì mua táo loại 1 với giá 149k/kg, nay bạn chỉ mua táo loại 3 với 49k/kg. Đó là khi bạn thật sự... hết tiền.
Tuy nhiên, đồ rẻ đương nhiên không phải lúc nào cũng tốt. Nên việc mua đồ rẻ đôi khi cũng khiến bạn chật vật hơn vì nó mau hư và lại phải tốn một khoản mua mới đấy!
Chật vật với việc chi trả những hóa đơn
Nếu các hóa đơn luôn là nỗi sợ hãi, điều đó đồng nghĩa với việc bạn nghèo. Tiền điện, tiền nước, tiền phí internet, tiền rác... đây là một khoản không thể thiếu vào mỗi tháng, do đó bạn chẳng thể cắt bỏ hoàn toàn mà chỉ có thể tìm cách giảm bớt mà thôi.
Cũng bởi vì nó là một khoản chi bình thường với tất cả mọi người, cho nên khi bạn cảm thấy chật vật ngay trong việc chi trả thì chứng tỏ bạn đang gặp rắc rối lớn về tài chính. Không quan trọng việc bạn có bao nhiêu tiền, lối sống là thứ quan trọng hơn. Đừng mua điện thoại đắt tiền để rồi chẳng thể trả nổi tiền góp hàng tháng.
Thật đáng lo nếu bạn thấy mình có cả 4 dấu hiệu phía trên, thế nhưng đừng quá lo lắng. Hãy lập một kế hoạch chi tiêu hợp lý và bắt đầu tiết kiệm từ bây giờ, mọi thứ sẽ ổn dần lên thôi.
Ảnh: Tổng hợp
https://kenh14.vn/neu-co-nhung-dau-hieu-sau-day-chung-to-ban-da-chi-tieu-vuot-qua-han-muc-cho-tet-20220204214300865.chnTheo Thanh Phú
Pháp luật & Bạn đọc