Thủ tướng Peru, ông Hector Valer Pinto bị miễn nhiệm nhanh chóng - Ảnh: AFP
Theo đài DW của Đức, quyết định bất ngờ trên được đưa ra sau khi dư luận phản ứng giận dữ trước những tiết lộ cho thấy ông Pinto từng bị cáo buộc bạo lực gia đình hồi năm 2016. Trong tuyên bố ngày 4-2 trên truyền hình, Tổng thống Castillo cho biết: "Tôi đã quyết định lập Nội các mới".
Giới truyền thông cho rằng ông Castillo - người mới tuyên thệ nhậm chức hôm 28-7-2021, không nêu tên Pinto trong công bố của mình nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc Thủ tướng Pinto đã bị miễn nhiệm.
Như vậy, sắp tới sẽ là lần thứ tư Tổng thống Castillo phải bổ nhiệm Nội các mới kể từ khi nhậm chức cách đây 6 tháng.
Tổng thống Peru Pedro Castillo trong ngày nhậm chức của Thủ tướng Hector Valer Pinto - Ảnh: AFP
Bà Cynthia Sanborn - giáo sư khoa chính trị của Đại học del Pacifico của Peru - bình luận với hãng tin AP: "Không chỉ không được chuẩn bị cho vị trí lãnh đạo chính trị quốc gia, Tổng thống Castillo còn không có cơ sở chính trị hoặc xã hội để được hỗ trợ, cũng như không thể thu hút các cố vấn và chuyên gia có năng lực trong các lĩnh vực khác nhau mà bất kỳ tổng thống nào cũng cần có để điều hành".
Ông Valer Pinto, một nghị sĩ và cũng là luật sư 62 tuổi, đã trở thành mục tiêu chỉ trích khi báo chí Peru ngày 3-2 đưa tin vợ ông và con gái học đại học của ông đã tố giác ông từng có đến 2 lần có hành vi bạo lực gia đình hồi tháng 10-2016 và tháng 2-2017.
Theo đó, con gái ông đã tố cáo với cảnh sát chuyện bị cha tát, đấm và giật tóc. Tờ El Comercio của Peru cũng cho biết vợ ông Pinto đã được thẩm phán phê chuẩn "các biện pháp bảo vệ" vào tháng 2-2017 sau khi có chứng cứ cho thấy bà này bị đánh đến chấn thương.
Hôm 4-2, trước khi Tổng thống Castillo miễn nhiệm ông Pinto, chủ tịch Quốc hội nước này, bà Maria del Carmen Alva cũng kêu gọi Thủ tướng Pinto từ chức. Ba bộ trưởng cũng đã công khai phê phán ông Pinto.
Tuy nhiên, ông Pinto bác bỏ các thông tin mà báo chí đăng tải, đồng thời khẳng định chưa bao giờ có hành vi bạo lực gia đình. Ông khẳng định vẫn ở cương vị được bổ nhiệm cho đến khi Quốc hội thông qua được nghị quyết bất tín nhiệm ông.
Phụ nữ Peru biểu tình trước Bộ Phụ nữ ở thủ đô Lima ngày 4-2 để phản đối hành vi bạo lực gia đình của Thủ tướng Pinto - Ảnh: AP
Tổng thống Pedro Castillo từng là một giáo viên dạy cấp phổ thông và cũng không được đánh giá cao trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái.
Ông đã giành chiến thắng với tỉ lệ sít sao 50,12% so với 49,87% của ứng cử viên cánh hữu Keiko Fujimori trong cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra hôm 6-6-2021. Khi đó, do số phiếu chênh lệnh giữa 2 ứng cử viên khá sít sao nên phải tới hơn 1 tháng sau Ủy ban Bầu cử Quốc gia Peru mới chính thức xác nhận chiến thắng của nhà lãnh đạo cánh tả sau khi hoàn tất việc kiểm lại phiếu bầu và giải quyết mọi khiếu kiện do phe đối lập đệ trình.
Các chuyên gia đã cảnh báo về sự thiếu kinh nghiệm chính trị của ông Castillo sẽ gây bất lợi cho vị trí quyền lực của ông.
Chưa kể liên minh các đảng đối lập đã giành thắng lợi trong cuộc bầu chọn để lãnh đạo Quốc hội Peru và trở thành rào cản lớn đối với đảng Peru Libre (Peru Tự do) của ông Castillo khi muốn tìm kiếm sự đồng thuận cho các quyết sách lớn của chính phủ.
Nhiều người cũng đã chỉ trích hệ thống chính trị của Peru, trong đó không có đảng nào chiếm đa số và rất khó thúc đẩy thông qua các chương trình mới hoặc thực hiện thay đổi.
TTO - Hàng trăm người có chức sắc, gồm các bộ trưởng và cả cựu tổng thống Peru, mới bị tổng thống lâm thời của nước này lên truyền hình quốc gia tố cáo là đã dùng ảnh hưởng để được tiêm vắc xin trước.
Xem thêm: mth.82155350150202202-ov-hnad-iot-iv-yagn-iav-uas-cuhc-tam-urep-gnout-uht/nv.ertiout