Giấc mơ của người phụ nữ ấy là trái cam Việt Nam có tên trên bản đồ cam thế giới, nông nghiệp Việt Nam là nông nghiệp sinh thái và “doanh nghiệp nông dân” Việt Nam - dù nhỏ bé cũng hoàn toàn có thể hội nhập với thị trường quốc tế một cách sòng phẳng, minh bạch, đàng hoàng.
Chị Nguyễn Thị Lê Na - người đã và đang lan tỏa giá trị nông nghiệp sinh thái đến nhiều nông hộ |
Chị là Nguyễn Thị Lê Na, người bỏ phố về với núi đồi học làm nông dân và xây dựng thương hiệu cam cho đất Phủ Quỳ (tên gọi cũ của H.Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An).
“Doanh nghiệp nông dân” bán cam cho Heineken
Xin bắt đầu bằng một thông tin có vẻ không liên quan: Một thương hiệu đồ uống lớn tại Việt Nam giới thiệu sản phẩm mới của mình: “Là loại bia lúa mì với sắc vàng đặc trưng, mùi vị tươi mới, thoảng hương vỏ cam thơm mát đầy sảng khoái”. Bất ngờ ở chỗ, vỏ cam được một doanh nghiệp nhỏ từ miền núi tỉnh Nghệ An cung cấp và đơn vị sở hữu thương hiệu đồ uống kia là Công ty bia Heineken đình đám. Doanh nghiệp nhỏ ấy, mới đây còn có đăng ký mã số cho sản phẩm Cam Vinh Kỳ Yến, do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp. Người lập nên kỳ tích ấy là một phụ nữ bé nhỏ sinh năm 1986 với hành trình tám năm đằng đẵng đổ mồ hôi nước mắt xuống từng gốc cam.
Thành quả này mang rất nhiều ý nghĩa. Bao năm qua, cây cam theo nhau phát triển rộ khắp các vùng miền, nhưng người dân không biết bán cam đi đâu, cho ai ngoài thương lái. Bên cạnh tiền bạc, việc bán được vỏ cam cho Heineken còn là niềm tin vào con đường không ít khó khăn mà chị đã lựa chọn. Chuyện bán vỏ cam cho Heineken làm bia bắt đầu từ cuối năm 2019, khi người của công ty này đi tìm nguồn vỏ cam, chanh, bưởi và một số loại trái cây có múi khác để thử nghiệm sản phẩm mới.
Cam Vinh Kỳ Yến lúc đó đã khẳng định được uy tín cũng như chất lượng trên thị trường, ở cả vai trò trái cây tươi cũng như những sản phẩm chế biến; nhưng cũng phải mất hơn một năm thử nghiệm, xét nghiệm, đánh giá nhà xưởng và vùng nguyên liệu; chị Lê Na mới ký được hợp đồng với “ông lớn” này. Chị nhớ lúc đó, phía đối tác đã hỏi rất nhiều về tính pháp lý, chứng chỉ, chứng nhận, các tiêu chuẩn xét nghiệm… rồi chị đã từng cung cấp nguyên liệu cho đối tác lớn nào chưa…?
Chị Lê Na livestream bán cam bóc giúp nông dân Phủ Quỳ |
Có lẽ, chính đối tác của chị cũng ít nhiều bất ngờ khi thấy một đơn vị nhỏ bé tận miền núi xa xôi lại đã quan tâm và thực hiện phần lớn các vấn đề họ đề cập, ngay từ khi thành lập. Thậm chí, chị Lê Na đã cho ra mắt tinh dầu cam, mứt cam, mứt vỏ cam… từ năm 2016. Các sản phẩm đó đã có mặt ở nước Nga xa xôi, trong một hội chợ triển lãm, nhanh chóng bán hết veo. Chị Na cũng cung cấp mứt vỏ cam và bột vỏ cam làm nguyên liệu cho một số đơn vị làm mỹ phẩm hữu cơ, nhà máy thực phẩm nên đã có khá nhiều kết quả xét nghiệm, kiểm nghiệm, các thông số tiêu chuẩn sản phẩm. Rồi quy trình sản xuất, thậm chí cả những chi tiết nhỏ như các bản khai về việc không sử dụng nguyên liệu từ động vật (trứng, sữa, mật ong…) chị cũng có đủ. Cuối cùng, Cam Vinh Kỳ Yến được Heineken chọn.
Muốn bán cam phải học cách trồng cam
Xã Minh Hợp, H.Quỳ Hợp là vùng cam nổi tiếng của tỉnh Nghệ An. Gần 10 năm trước, một lần cùng chồng con về thăm quê ngoại, chị tận mắt chứng kiến vườn cam bạt ngàn của bố mẹ không bán được, phải đổ bỏ; trong khi khắp các chợ dân sinh từ nhà quê đến thành phố lại tràn ngập trái cây nhập ngoại. Chị thương bố mẹ, nhưng cũng chỉ thoáng suy nghĩ, trăn trở vậy rồi lại nhanh chóng bị cuốn đi trong công việc, cuộc sống ngoài Hà Nội.
Ông Kỳ, bà Yến - bố mẹ chị - đang xót xa nhìn cam chín rụng đầy gốc thì có nơi đặt mua 1,5 tấn cam tươi. Mừng húm, ông bà cắt cam, thuê xe tải chở ra Hà Nội giao cho khách. Nhưng rồi khách nhận cam xong là mất hút. Bố mẹ chị thì mất cả chì lẫn chài. Đau xót, giận dữ, chị Na nhờ mọi kênh thông tin để tìm người mua cam kia và thu lại được 1 tấn. Số cam đó, chị tự bán giúp bố mẹ. Cú vấp bị lừa ấy đã làm chị suy nghĩ: Tại sao người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà đến kỳ thu hoạch chỉ biết trông vào thương lái? Tại sao nông sản trong nước thì đổ bỏ mà người tiêu dùng lại bị phủ ngập nông sản ngoại? Không lẽ người nông dân như ông Kỳ, bà Yến phải chịu những nghịch lý ấy suốt đời? Sau nhiều ngày trăn trở, chị Na quyết định bỏ công việc văn phòng ở Công ty Honda, để chồng con ngoài Hà Nội, chị về quê, gom góp vốn liếng mở công ty giúp bố mẹ bán cam.
Có thực làm, chị mới nhận ra những vấn đề của nông sản Việt nói chung và trái cam quê chị nói riêng: hóa chất sử dụng tràn lan. Cây trồng cho quả rộ vài năm rồi suy thoái, cứu chữa mãi không được, người dân chỉ còn cách chặt bỏ sớm so với quãng thời gian cho trái chất lượng của cây. Chất lượng trái cam cũng lên xuống thất thường. Chị nhận ra bán cam chỉ là phần ngọn, cái gốc là “phải làm khác đi”. Thế là sau bao năm đèn sách để thoát khỏi cảnh ruộng đồng, chị Lê Na bắt đầu học làm nông dân. Chị tìm đọc tài liệu cả trong nước và quốc tế, vừa học vừa thực hành và quyết định cam nhà Kỳ Yến sẽ canh tác hữu cơ.
Chị Lê Na trong một buổi tiệc tại nhà bà Đại sứ Hà Lan. Cam Vinh Kỳ Yến đã nhận được sự giúp đỡ từ ba chuyên gia nông nghiệp của đất nước này: một chuyên gia chế biến, bảo quản cam sau thu hoạch; một chuyên gia về canh tác cam sinh thái và một chuyên gia quy hoạch, định hướng phát triển vùng cam Vinh đặc sản |
Bị thay đổi đột ngột, cây cam “sốc”, còi cọc, xấu xí, thậm chí không ra trái. Thấy cảnh vườn cam như vậy, ông Kỳ, bà Yến góp ý; nhiều nông hộ khác thì mỉa mai. Song chị Na tin vào những kiến thức mình đã đọc được cũng như thực tế giá trị đắt đỏ của trái cây hữu cơ nhập ngoại mà chính người dân Việt Nam đang sử dụng. Cuối cùng, sau hai vụ hoàn toàn không hóa chất, chỉ có đậu tương, phân cá, những cây cam của ông Kỳ, bà Yến đã xanh tốt trở lại; trái rụng ít hơn mọi vườn cam khác trong vùng.
Chất lượng cam hữu cơ Kỳ Yến tăng lên, chị Na tiếp tục “nâng” phương pháp canh tác lên một bậc cao hơn: cam sinh thái. Chị giải thích: Cỏ được nuôi để tái sử dụng làm phân hữu cơ, giúp cho đất có độ tơi xốp hơn, đất cũng vì thế mà nuôi dưỡng được hệ vi sinh vật bản địa, có thể giúp phân giải chất hữu cơ từ cỏ thành chất vô cơ, sinh ra đa - trung - vi lượng như NPK hay các khoáng chất cần thiết cho cây. Cứ thế, giá trị Cam Vinh Kỳ Yến tăng dần. Thậm chí cam chưa chín đã có khách đặt mua, dù giá bán cao hơn nhiều so với cam đại trà.
Chiến dịch “Trái cây xấu xí”
Hiện tại, Công ty cổ phần Trang trại nông sản Phủ Quỳ của chị Lê Na đang liên kết với khoảng 30 nông hộ, trên diện tích chừng 50ha. Giai đoạn đầu, việc thuyết phục các nông hộ chuyển đổi phương pháp canh tác “khó ngang lên trời”.
Dần dần, trước những thay đổi về chất lượng cây cũng như giá trị trái cam trên cùng mảnh đất Phủ Quỳ, người dân đã học làm theo chị. Vừa rồi, sau hơn một năm kiên trì làm việc cùng đối tác ở vùng cam Cao Phong - Hòa Bình; hơn 200ha cam, bưởi của vùng này đã được chủ ký kết với chị Lê Na để chuyển đổi sang canh tác sinh thái. Chị xúc động khi “con đường nông nghiệp sinh thái mà mình đi đã không còn đơn độc”.
Vỏ cam từ trái cam canh tác sinh thái trên đất Phủ Quỳ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn để trở thành nguyên liệu cho Heineken sản xuất bia |
Trong cộng đồng làm nông nghiệp tử tế mà tôi biết, có không ít người canh tác sinh thái, vì hoàn toàn không hóa chất mà mẫu mã trái cây không đẹp. Họ nản, vì phần lớn người tiêu dùng vẫn thích loại bóng bẩy hơn là loại xấu mã - dù an toàn, chất lượng hơn. Thế nhưng người đi trước động viên người đi sau, “cứ kiên trì, rồi những khách hàng hiểu và trân trọng giá trị nông sản sinh thái sẽ tìm đến”. Trong khi tôi chưa dứt xúc động về những người nông dân vì lợi ích và sức khỏe cộng đồng mà chấp nhận thiệt thòi trước mắt thì chị Lê Na đã mở chiến dịch mang tên “Trái cây xấu xí” để đồng hành cùng bà con tiêu thụ sản phẩm - dù xấu mã nhưng chất lượng vẫn rất ngon và thậm chí còn ngon hơn trái cây thông thường.
Chiến dịch vừa giúp trái cây không bị đổ bỏ đi hoặc phải bán với mức giá bèo bọt, vừa giúp người tiêu dùng có nhu cầu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Chị Na bảo: “Chúng ta phải sử dụng rất nhiều biện pháp canh tác hóa chất để bảo vệ an ninh lương thực. Nhưng 30% sản lượng nông sản sau thu hoạch phải loại bỏ một cách lãng phí chỉ vì xấu mã. Chiến dịch “Trái cây xấu xí” nhằm bảo vệ tài nguyên nông sản được sinh ra và đảm bảo được tiêu dùng hết, góp phần hạn chế lãng phí thực phẩm”.
“Năm COVID-19” 2021, mọi hoạt động, mọi lĩnh vực bị đình trệ. Đơn vị của chị Lê Na cũng không nằm ngoài. Nhưng cũng chính năm 2021, chị và cộng sự đã đi khảo sát, kiểm tra các nông hộ canh tác hữu cơ từ Nam ra Bắc để cùng bà con tiêu thụ sản phẩm. Đó là bưởi da xanh, xoài… của miền Nam; là mận hậu, mít… của miền Bắc.
Mùa hè năm 2021, chị đã làm được một điều giúp các nông hộ thêm hy vọng vào đường họ đi, khiến những người quan tâm đến nông sản Việt phải xúc động: Từ mênh mông vùng mận Sơn La, chị đã khảo sát và tìm ra loại mận trái to nhất, ngọt nhất. Cái tên mận ruby Sơn La được đặt, cùng mức giá bán đến 230.000 đồng/kg để tương xứng với chất lượng xuất sắc của nó. Với mít, chị đã tìm được nơi trồng giống mít bản địa, chất lượng mà không giống mít lai, ghép nào có thể sánh bằng. Giá bán cao gấp nhiều lần, nhưng cũng như mận ruby, mít thu hoạch đến đâu khách mua hết veo đến đó. Rõ ràng, người tiêu dùng Việt luôn sẵn sàng chi tiền cho trái cây Việt với mức giá ngang trái cây nhập, chỉ cần loại trái cây đó thực sự chất lượng, phương pháp canh tác minh bạch, rõ ràng.
Mận ruby Sơn La được chị Lê Na chọn để nâng tầm thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ trái cây đặc sản Việt Nam |
Đầu năm 2021, thông tin cam bóc Phủ Quỳ bán rẻ như cho vẫn không ai mua tràn ngập trên truyền thông. Lần đầu tiên nông dân Phủ Quỳ livestream bán cam với sự hỗ trợ của chị Lê Na và tỉnh nhà, 72 tấn cam bóc được “chốt” trong một buổi sáng. Cuối năm 2021, chị có một quyết định khá khó khăn: trở thành người bán cam trực tuyến chuyên nghiệp trong hoàn cảnh đã có quá nhiều công việc cần làm. Quyết định ấy xuất phát từ lần chị lên Hà Giang làm việc với tỉnh và bà con về kế hoạch tiêu thụ cam sành.
Chủ tịch một huyện đã đứng trước mặt chị khẩn khoản: “Tôi chưa biết kế hoạch tiêu thụ cam cho bà con sẽ đi đến đâu, nhưng tôi muốn nhờ chị một việc là hướng dẫn bà con cách bán hàng online và livestream bán hàng. Nhiều hộ nông dân, nhiều hợp tác xã ở đây biết chị và họ cũng có đề xuất như vậy. Chúng tôi sẵn sàng tổ chức để chị đứng lớp hướng dẫn giúp bà con”.
Nghe thế, chị Lê Na sững người, “nhận thì không biết làm gì, vì quả thực tôi không có kiến thức, tài liệu, giáo trình hay căn cứ nội dung nào để đào tạo. Mà từ chối thì quả thực rất khó, bà con không biết, lại nghĩ tôi giấu nghề” - chị thẳng thắn chia sẻ. Thế là chị quyết định tập luyện và thực hành để bước vào con đường trở thành người bán nông sản trực tuyến chuyên nghiệp. Chị bảo: “Tôi luôn tâm niệm làm gì cũng cần có chuyên môn và sự hiểu biết. Muốn trở thành người bán nông sản trực tuyến chuyên nghiệp, tôi cũng cần phải học hỏi, rèn luyện rất nhiều. Tôi hy vọng mình sẽ thực sự làm được, thực sự thành công, thực sự hiểu “nghề” bán nông sản trực tuyến một cách bài bản, để sẵn sàng chia sẻ cùng những người nông dân sinh thái trên khắp mọi miền Tổ quốc”.
Tôi tin, những gì người phụ nữ bé nhỏ ấy đã, đang và tiếp tục thắp lên sẽ ngày càng lan tỏa; để người nông dân thêm vững bước trên con đường nông nghiệp sinh thái; để giá trị nông sản Việt Nam, mồ hôi, nước mắt người nông dân Việt Nam đổ trên ruộng đồng được đáp đền xứng đáng.
Bích Ngọc
Xem thêm: lmth.0125541a-ehgn-ux-mac-auq-ut-om-caig-tad-iov-ev-yauq/nv.moc.enilnounuhp.www