Học sinh mầm non TP.HCM trong lễ hội mừng xuân mới. Ảnh chụp thời kỳ dịch COVID-19 chưa bùng phát - Ảnh: H.HG
Đó là một trong những nội dung kế hoạch đón trẻ mầm non đi học trực tiếp từ ngày 14-2 của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM.
Theo ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, hiện sở đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP đón trẻ đi học trực tiếp từ ngày 14-2.
Trong đó, Phòng Giáo dục và đào tạo TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ tổ chức kiểm tra rà soát số lượng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn đủ điều kiện đón trẻ đến học trực tiếp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu gửi trẻ.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non đã giải thể thì các địa phương sẽ có kế hoạch điều tiết, phân công các trường trên địa bàn tiếp nhận trẻ.
Đối với các trường mầm non, sở yêu cầu các trường tăng cường tuyên truyền đến cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ về kế hoạch đón trẻ đến trường.
Triển khai trong buổi họp với cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ về sơ đồ đón, trả trẻ phù hợp theo điều kiện của từng cơ sở; phương án xử lý khi có ca F0 tại trường theo quy định của ngành y tế.
Đối với trẻ có tình trạng dinh dưỡng thừa cân - béo phì, trẻ có bệnh lý nền, nhà trường cần trao đổi trực tiếp và tư vấn với cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ để thống nhất việc cho trẻ đến trường.
Trong khi đó, bà Lương Thị Hồng Điệp - trưởng phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết: "Các trường tạm thời chưa tổ chức ăn sáng trong tuần đầu trẻ trở lại trường.
Theo kế hoạch, từ ngày 10 đến ngày 13-2 trường mầm non sẽ tổ chức họp phụ huynh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ; tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học.
Từ ngày 14-2 nhà trường đón trẻ đi học trực tiếp.
Trong ngày đầu tiên khi trẻ đi học lại, các giáo viên sẽ làm quen với trẻ, hướng dẫn trẻ thực hiện thao tác vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, biết giữ gìn khẩu trang cá nhân (nếu trẻ có đeo khẩu trang), sử dụng riêng biệt đồ dùng ăn uống cá nhân, đi vệ sinh đúng nơi quy định, không dùng chung đồ dùng với bạn.
Ngoài ra, giáo viên cũng sẽ hướng dẫn trẻ các kỹ năng sống thích ứng trong mùa dịch bệnh như tính tự lập, bình tĩnh, biết cách ứng phó trước mọi tình huống; một số quy tắc khi đến trường để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh...
Ngày thứ 2 khi trẻ đi học, giáo viên sẽ giáo dục trẻ ý thức giữ gìn bản thân, nhận biết các biểu hiện bệnh như: sốt, ho, mệt, đau nhức chân tay, đau đầu, khó thở và xử trí kịp thời (trao đổi với giáo viên hoặc bạn); tổ chức các trò chơi theo nhóm nhỏ tăng cường vận động, kết nối trẻ với trẻ, cô với trẻ.
Những ngày tiếp theo, sở đã có hướng dẫn chi tiết bằng văn bản".
Cũng theo bà Điệp, sở đã yêu cầu các trường mầm non bố trí cho trẻ hoạt động trong lớp, ngoài sân một cách hợp lý, hạn chế để trẻ tiếp xúc giữa các khối, lớp với nhau.
Giáo viên thường xuyên trao đổi với cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ về thông tin sức khỏe của các thành viên trong gia đình trẻ; phối hợp thực hiện các nội dung phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Tuyên truyền, nhắc nhở cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ rời khỏi trường ngay sau khi đưa và đón trẻ, đồng thời đảm bảo nguyên tắc 5K...
TTO - Nhiều phụ huynh lo lắng trẻ mầm non đến lớp 6 chưa tiêm vắc xin COVID-19 mà sao Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM lại đề xuất cho học sinh đi học lại sau Tết Nguyên đán.
Xem thêm: mth.86830936150202202-oan-eht-uhn-peit-curt-coh-id-es-mch-pt-o-non-mam-hnis-coh/nv.ertiout