"Nhờ mấy ngày cuối năm thị trường hút hàng nên đợt bưởi Tết năm nay Hợp tác xã (HTX) tiêu thụ được khoảng 60 tấn, bà con xã viên thở phào đón năm mới" – anh Lê Minh Sang, Giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vui vẻ khoe với phóng viên Báo Người Lao Động vào những ngày đầu năm mới Nhâm Dần.
Vẫn "sống được" trong năm Covid-19
"Thở phào" là cách nói khiêm tốn của anh Sang bởi năm 2021, trong khi nhiều nhà vườn điêu đứng vì ảnh hưởng dịch Covid-19 thì xã viên HTX cây ăn quả Tân Mỹ vẫn có lãi.
Theo anh Sang, so với trồng lúa hoặc cây công nghiệp như cao su, tràm thì trồng bưởi "ngon" hơn nhiều.
"Hơn 10 năm trước, tôi là một trong những người đầu tiên chặt bỏ cây tràm, cao su để trồng bưởi. Năm 2007, tôi bán lứa bưởi đầu tiên trồng trên 4.000 m2 đất vườn nhà được 150 triệu đồng, đó là số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Những năm sau huê lợi tăng đều, hàng xóm, người quen trong xã thấy vậy mạnh dạn làm theo" – anh Sang tiết lộ.
Những năm đầu mới trồng bưởi, không có điều kiện mua máy bơm, vợ chồng anh phải thay nhau xách nước từ dưới mương gần vườn tưới từng gốc cây. Không ít người hoài nghi về "cuộc cách mạng bỏ tràm, trồng bưởi" của anh. Đến khi tận mắt nhìn vườn cây xanh tốt, trĩu quả mang về hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng anh mua được máy bơm, mở rộng diện tích canh tác, hàng xóm mới dần thay đổi suy nghĩ.
Vườn bưởi của anh Sang luôn đạt năng suất cao, chất lượng ổn định
Thành công bước đầu với vườn bưởi của mình, anh Sang không giấu nghề mà tích cực động viên anh em, bạn bè, người quen trong vùng cùng làm và tận tình chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây có múi này.
"Nhờ thổ nhưỡng phù hợp, nước ngọt quanh năm nên cây bưởi phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh và sai trái. Bưởi lại tiêu thụ tốt, bán được giá nên mọi người rất phấn khởi" – anh Sang kể và cho biết hiện không chỉ xã Tân Mỹ mà nhiều địa bàn khác ở huyện Tân Uyên đã chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây có múi (bưởi, cam, quýt) mà chủ lực là cây bưởi.
Làm thương hiệu cho trái bưởi đất Tân Uyên
Tháng 1-2015, HTX cây ăn quả Tân Mỹ được thành lập, do anh Sang làm đại diện pháp luật. HTX có 21 xã viên, sở hữu 60 ha, chủ yếu trồng bưởi da xanh, một phần diện tích trồng bưởi đường lá cam ở 2 xã Tân Mỹ và Lạc An. Riêng gia đình anh Sang có 10 ha trong đó.
Có pháp nhân rồi, HTX nhanh chóng ký được hợp đồng cung cấp bưởi cho một số hệ thống siêu thị, các đầu mối tiêu thụ riêng ở kênh trường học, nhà hàng, quán karaoke… mà không phải qua thương lái như trước. Trung bình mỗi tháng HTX tiêu thụ khoảng 50-60 tấn bưởi, trừ giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 chỉ bán ra khoảng 30 tấn/tháng.
Anh Sang hướng dẫn nhân viên HTX phân loại bưởi sau thu hoạch
"Trái bưởi về cơ bản có thị trường ổn định, được giá mà không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Tính trung bình những năm trước, mỗi ha bưởi 6 năm tuổi có thể mang về khoảng 500 triệu đồng lợi nhuận mỗi năm. Một gia đình có 5.000 m2 trồng bưởi có thể bỏ túi ít nhất 20 triệu đồng/tháng một cách dễ dàng" – anh Sang tính toán. Nhờ đầu tư vào cây bưởi, nhiều gia đình có được thu nhập ổn định, xây được nhà mới khang trang, thậm chí phất lên giàu có.
Riêng năm 2021 mất gần nửa năm hàng khó đưa ra thị trường, giá phân bón tăng gần gấp đôi, giá bưởi giảm gần phân nửa nên lợi nhuận chỉ đạt hơn 100 triệu đồng/ha.
"Dịch bệnh là yếu tố bất ngờ, sau dịch người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều vitamin để tăng đề kháng. Do đó, thị trường cho trái bưởi có nhiều hy vọng phục hồi tốt. Ngay cả khi thị trường chậm phục hồi, bưởi tiếp tục mất giá thì nông dân vẫn không sợ lỗ" – anh Sang phân tích.
Bưởi từ vườn của các xã viên đưa về HTX đều được đi qua dây chuyền rửa sạch trước khi đưa đi tiêu thụ
Không chỉ bảo đảm đầu ra ổn định cho các xã viên, HTX cây ăn quả Tân Mỹ còn khá thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho trái bưởi. Năm 2021, sản phẩm bưởi da xanh của HTX đã đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 4 sao cấp tỉnh.
"Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn để lấy chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Ngoài ra, dự án sản xuất tinh dầu bưởi để khai thác tối đa nguồn nguyên liệu có sẵn cũng đang được triển khai" – anh Sang nói về kế hoạch xây dựng thương hiệu và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Không để xã viên chịu thiệt
Giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ Lê Minh Sang cho hay HTX luôn cố gắng duy trì đầu ra cho sản phẩm của HTX, tính toán sao cho các xã viên bán hàng cho HTX luôn được giá tốt hơn so với bán cho thương lái. Trong những tháng dịch, HTX nỗ lực tối đa để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho xã viên lẫn các nhà vườn ngoài HTX. "Thị trường tiêu thụ chậm thì chúng tôi phối hợp với siêu thị làm chương trình khuyến mãi nhiều hơn, miễn sao đẩy được hàng đi cho bà con xã viên" - anh Sang kể.
Một yếu tố quan trọng giúp bảo đảm lợi nhuận cho xã viên là HTX hướng đến làm nông nghiệp theo phương pháp thuận tự nhiên.
"Nhà vườn ưu tiên ủ phân bón hữu cơ từ vi sinh bản địa, ủ phân chuồng để bón cho cây; không phun thuốc diệt cỏ mà để cỏ phát triển tự nhiên, định kỳ sẽ phát cỏ và dùng cỏ phủ gốc cây. Lâu dần, cỏ phân hủy tạo thành lớp mùn dinh dưỡng rất tốt cho cây, càng đỡ công chăm bón, cây khỏe mạnh, trái ngon hơn so với bón phân vô cơ" – anh Sang chia sẻ kinh nghiệm.
Một góc vườn bưởi lão xanh mướt tại xã Tân Mỹ
Xem thêm: mth.95943947150202202-ioub-yac-ut-uaig-mal/et-hnik/nv.moc.dln