Xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo đó, Bộ Y tế cho biết trong 6 ngày nghỉ Tết, các cơ sở khám chữa bệnh cả nước đã nhận cấp cứu 24.588 ca cấp cứu liên quan tai nạn giao thông, giảm 8,9% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021.
Đã có 1.556 người tử vong do tai nạn giao thông trong 6 ngày này (bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về).
Tính đến sáng mùng 5 Tết, Bộ Y tế cho biết sau 6 ngày đã có 316 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 29 ca so với cùng kỳ Tết Tân Sửu.
2.838 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 2% tổng số cấp cứu các bệnh viện. 39% trong số này (1.245 ca) phải nhập viện điều trị, theo dõi và có tới 195 ca tử vong.
Cũng trong 6 ngày nghỉ Tết, Bộ Y tế ghi nhận có 486 người nhập viện do ngộ độc thức ăn, giảm 11,3% so với Tết Tân Sửu. Có 47 người tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu.
So với cùng kỳ Tết Tân Sửu, Bộ Y tế cho biết số ca đến khám, cấp cứu, nhập viện do tai nạn giao thông, số đánh nhau vào cấp cứu và phải nằm viện giảm, riêng số ca tai nạn do pháo nổ tăng.
Cấp thuốc cho F0 tại nhà - Ảnh: HÀ QUÂN
Học sinh từ lớp 1-6 ngoại thành Hà Nội trở lại trường học
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa có văn bản gửi Sở Giáo dục - đào tạo, Sở Y tế và UBND 18 huyện, thị xã ngoại thành, hướng dẫn cho học sinh lớp 1 - 6 ở ngoại thành Hà Nội trở lại trường học học trực tiếp sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Với quyết định mới này, Hà Nội đã cho phép học sinh các cấp học (ngoại trừ lớp 1 - 6 ở khu vực nội thành) trở lại trường, sau gần 1 năm học trực tuyến tại nhà.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh THPT Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
TP.HCM: Có thể tổ chức dạy học hai buổi/ngày hoặc bán trú từ ngày 14-2
Theo Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, sau Tết Nguyên đán, học sinh tiểu học TP.HCM sẽ đi học trực tiếp trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.
Đối với các học sinh đi học trực tiếp, giáo viên sẽ tổ chức hướng dẫn các hoạt động học tập theo nhóm, có giải pháp củng cố, bồi dưỡng kiến thức đối với những học sinh chưa học trực tuyến hoặc có học trực tuyến nhưng không đạt được yêu cầu về phẩm chất, năng lực.
Còn đối với các học sinh chưa đi học trực tiếp, sẽ tiếp tục được học từ xa, hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn của giáo viên.
Cũng theo sở, những cơ sở giáo dục thuộc vùng dịch cấp độ 1 có thể tổ chức dạy học hai buổi/ngày hoặc bán trú từ ngày 14-2 cho tất cả các khối theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh.
Bên cạnh đó, sở cũng yêu cầu giáo viên tiểu học dành thời gian hướng dẫn cho học sinh các thói quen phòng dịch COVID-19 tại trường; xây dựng nề nếp học tập, phân loại học sinh theo từng nhóm căn cứ vào khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh; tổ chức ôn tập kiến thức đã học trong giai đoạn học sinh học qua mạng.
Từ ngày 21-2, các trường tiểu học sẽ thực hiện giảng dạy chương trình tuần 20 của năm học. Việc kiểm tra định kỳ dành cho học sinh khối 1, 2 sẽ được thực hiện vào tuần 21.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, học sinh tại trường tiểu học và trung học cơ sở cần đeo khẩu trang khi đến trường, trong lớp học (khuyến khích), khi ra về, khi cần thiết thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, không dùng chung đồ dùng cá nhân...
Học sinh THPT và sinh viên khi trở lại trường học cần đeo khẩu trang khi đến trường, trong lớp học (khuyến khích), khi ra về, khi cần thiết thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, thông báo với gia đình, nhà trường, cơ sở y tế nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở...
Từ ngày 28-1 đến 3-2, TP.HCM tiếp tục đạt cấp độ 1 của dịch theo nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định số 4800 của Bộ Y tế. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp TP duy trì "vùng xanh".
Test COVID-19 tại sân bay - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch COVID-19 ở một số tỉnh thành
- Hà Nội ngày 5-2 ghi nhận 2.778 ca bệnh mới, trong đó có 634 ca cộng đồng. Trong 6 ngày nghỉ Tết (từ 29 tới mùng 5), có 94 ca COVID-19 điều trị ở Hà Nội tử vong. Từ 29-4-2021 đến nay Hà Nội ghi nhận 148.385 ca COVID-19. Tính đến hết ngày 4-2, Hà Nội có gần 52.700 F0 đang điều trị.
Trong 3 ngày gần đây, số F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ điều trị tại các cơ sở thu dung thành phố và các cơ sở thu dung quận, huyện giảm còn dưới 700 ca. Số F0 điều trị tại nhà giảm còn 49.340 người theo dõi, giảm gần 6.000 ca so với 3 ngày trước. Đợt dịch mới có 726 ca tử vong.
- Chiều 4-2, Nghệ An họp khẩn bàn công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từ 6h đến 18h ngày 4-2, toàn tỉnh có thêm 233 ca COVID-19, trong đó 35 ca trong cộng đồng. Từ ngày 28 Tết đến 5-2, Nghệ An ghi nhận 1.867 ca, trong đó 242 ca cộng đồng. Trung bình 267 ca/ngày.
Tính từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến 18h ngày 4-2, Nghệ An ghi nhận 15.347 ca COVID-19, trong đó, 13.019 người đã khỏi bệnh, ra viện và 45 trường hợp tử vong.
- Hải Phòng trong ngày 4-2, số ca nhiễm mới 290 ca, giảm 1/2 số ca mắc trong 1 ngày so với thời điểm trước Tết. Số ca được công bố khỏi trong ngày báo cáo cũng đạt con số cao với 839 ca, hồi phục xuất viện 33.187 ca. Hải Phòng hiện đang điều trị 9.323 ca COVID-19, trong đó 187 ca diện nguy kịch, chuyển nặng.
- Tại Quảng Ninh, tính đến 16h ngày 4-2, toàn tỉnh ghi nhận 116 ca COVID-19 mới trong 24 giờ (100 ca cộng đồng, 16 ca đã quản lý và cách ly). Số ca mắc ghi nhận trong ngày tiếp tục có xu hướng giảm so với các ngày trước Tết. Tuy nhiên số ca cộng đồng ghi nhận tại các địa phương vẫn còn nhiều, tập trung tại Hạ Long, Uông Bí.
TTO - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 29-1 đến 2-2), trung bình mỗi ngày có khoảng 12.200 ca COVID-19 và 100 ca tử vong (thấp hơn tuần trước, mỗi ngày khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong).