Các cấp độ tự lái. Ảnh: Synopsys - chuyển ngữ: Minh Đức
Với những người quan tâm tới thế giới xe, chuyện các hãng xe hay thậm chí các hãng công nghệ "thi nhau" phát triển công nghệ tự lái đã không phải là một vấn đề mới. Trên thế giới, Tesla, BMW, Audi, hay ngay cả VinFast cũng đang phát triển công nghệ tự lái, hướng tới đạt cấp độ cao nhất trong 5 thang đánh giá của SAE.
Ở thời điểm hiện tại, dù rằng công nghệ tự lái còn chưa hoàn thiện nhưng không ít người dùng đã lạm dụng công nghệ đó để rồi dẫn tới những tình huống nguy hiểm. Tiêu biểu trong đó là vụ tai nạn từ năm 2018 của Tesla , hay những lần người sử dụng Tesla bị phát hiện ngủ gật khi chế độ tự lái được kích hoạt .
Trong khi người dùng đang quá mong mỏi một công nghệ thực sự đáp ứng được nhu cầu sử dụng, một nhân sự cấp cao của hãng xe Audi đã có một phát biểu có thể khiến nhiều người chưng hửng.
"GÁO NƯỚC LẠNH"
Bà Uta Klawitter, trưởng bộ phận Pháp chế của Audi.
Mới đây, bà Uta Klawitter, trưởng bộ phận Pháp chế của Audi, đã trả lời một vài câu hỏi liên quan tới công nghệ tự lái, liên quan đến các vấn đề pháp lý.
Theo bà thì công nghệ tự lái chắc chắn sẽ diễn ra trong tương lai, nhưng sẽ không khiến con người quên mất cách lái xe.
Ở tại riêng châu Âu, bà tin rằng công nghệ tự lái có thể can thiệp khi con người di chuyển đường dài hoặc di chuyển trên cao tốc, nhưng về chuyện con người phó mặc cho công nghệ tự lái thì bà thẳng thắn: "Tôi không thực sự nghĩ là chúng ta có thể ngủ được trong khi chiếc xe đưa chúng ta đi chơi dịp cuối tuần".
Ở châu Âu thời điểm hiện tại, luật pháp vẫn chưa cho phép một chiếc xe có thể sử dụng công nghệ tự lái đạt tới cấp 4 can thiệp vào việc lái xe trên đường công cộng, nhưng bà Uta Klawitter tin rằng sớm nhất thì tới 2024, luật pháp sẽ cho phép điều này, ít nhất là tại châu Âu.
Tuy nhiên, theo quan điểm của bà thì vấn đề cũng quan trọng không kém là việc các quốc gia cần đồng bộ về quy định chế độ tự lái cấp độ cao.
Bà cho biết: "Luật pháp cần được đồng bộ ở tầm quốc tế, hoặc ít nhất là tại khu vực châu Âu. Nếu không thì những khu vực mà một chiếc xe có thể được bán ra hoặc sử dụng sẽ rất hạn chế; ngoài ra thì khác biệt về công nghệ / kỹ thuật trên một mẫu xe giữa các thị trường cũng có thể là rất lớn, nếu như luật giao thông đường bộ khác nhau." [Một mẫu xe càng có ít phiên bản thì nhà sản xuất càng tốt ít chi phí để phát triển]
Tại Đức nói riêng về mặt luật pháp và công nghệ, quốc gia này đã vượt xa mặt bằng chung của cả châu Âu, tuy nhiên thì quốc gia này vẫn còn rất "vừa làm vừa nghe ngóng", khác với Trung Quốc hay Mỹ.
Các nhà lập pháp tại Đức thì đang "từng bước nhỏ hé mở cho thứ công nghệ mang tính tương lai" này, để nó có thể phát triển và mang tới sự an toàn tối đa cho người dùng.
Theo tìm hiểu, tại Việt Nam vẫn chưa cho phép thử nghiệm công nghệ tự lái ngoài đường công cộng. Việc thử nghiệm và phát triển công nghệ này chủ yếu vẫn được thực hiện trong khu vực khép kín (gọi là "Nội khu") của một trường đại học, khu du lịch, khu đô thị...
Theo Minh Đức
Pháp luật và Bạn đọc