Trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 tối 5-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông rất trăn trở khi trong 20 năm qua, Việt Nam mới chỉ triển khai được trên 1.000 km cao tốc.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đầu tư công những năm qua luôn chậm trễ, phải xử lý tình huống, dẫn tới bị động, lúng túng và hiệu quả không cao. Hơn nữa, khi Việt Nam đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng số vốn đầu tư công cần hấp thụ trong năm 2022-2023 rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi họp. Ảnh: TTXVN
Bốn vấn đề cần suy nghĩ khi xây dựng cao tốc Bắc - Nam
Sau khi kiểm tra các dự án cao tốc "xuyên Tết, xuyên Việt", Thủ tướng chỉ ra một số vấn đề cần suy nghĩ khi xây dựng cao tốc Bắc - Nam.
Thứ nhất, trong 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc phía Đông, cho tới nay mới chỉ có dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành, vừa được khánh thành. Dự án này giao cho tỉnh Ninh Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, các dự án PPP có bình quân đơn giá không quá 150 tỉ đồng mỗi km đường nhưng các dự án đầu tư công thì bình quân trên dưới 200 tỉ đồng.
Thứ ba, vấn đề các mỏ đất đá làm nguyên vật liệu xây dựng, liệu có sơ hở nào về mặt pháp lý không? Thời gian qua, nhiều chủ mỏ găm vật liệu trong lúc chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc, khiến cản trở tiến độ, nâng giá, gây cạnh tranh không lành mạnh và nảy sinh nhiều tiêu cực, tạo nguy cơ "mất tiền, mất thời gian, mất cán bộ".
"Quy trình, thủ tục có đúng không, không đúng thì phải thu hồi. Quy trình, thủ tục đúng nhưng làm không đúng thì phải xử lý. Quy trình, thủ tục đúng, làm đúng nhưng giá vật liệu cao, không hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và nhân dân thì phải điều chỉnh. Các cơ quan phải nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có biện pháp phù hợp tình hình" - Thủ tướng phát biểu.
Thứ tư, quy định hiện hành về hợp tác công tư (PPP). Thực tế cho thấy tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hiện phần vốn nhà nước khoảng 60%, vốn ngoài nhà nước khoảng 40%, trong khi Luật đầu tư PPP (có hiệu lực sau khi dự án được thông qua) đang quy định vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng vốn đầu tư. Như vậy, sẽ bỏ lỡ gần 40% vốn của các nhà đầu tư trong dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp kiểm điểm tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020. Ảnh: TTXVN
Tránh việc quá nhiều đơn vị thi công một tuyến đường
Trước vấn đề này, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm được rút ra sau khi kiểm tra, làm việc.
Đầu tiên, phải giao nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư các dự án cho phù hợp, ai làm tốt nhất thì giao, tinh thần là tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi.
Thứ hai, các cơ quan có liên quan phải làm tốt, làm kỹ công tác chuẩn bị đầu tư.
Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng nhanh, gọn, đúng pháp luật, các dự án tái định cư phải bảo đảm cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Cùng với đó, cần xử lý vấn đề nguyên vật liệu cho các dự án đúng luật, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Việc thưởng phạt thi công hợp đồng phải rất nghiêm minh, công bằng. Việc phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị phải chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.
Một vấn đề khác được Thủ tướng lưu ý là tránh tình trạng có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.
"Một nhà thầu thi công 3 km, 4 km mà làm trong 2-3 năm, tức là nhà thầu không đủ năng lực" - Thủ tướng phân tích.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo tiến độ các dự án tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Đẩy nhanh tiến độ các dự án thêm một quý
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các chủ thể tham gia các dự án, gồm các nhà đầu tư, cơ quan chủ quản đầu tư, các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát, các địa phương, các bộ ngành có liên quan, Chính phủ và các cơ quan quản lý các cấp, phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các hợp đồng đã ký kết, tăng cường trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu tiến độ chung của các dự án phải đẩy nhanh hơn ít nhất một quý. Điều này có cơ sở khoa học và thực tiễn khi năm nay có điều kiện thuận lợi hơn năm 2021 do dịch bệnh được kiểm soát, người dân đang được tiêm vaccine mũi 3, các đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm hơn và thời tiết ở nhiều nơi cũng đang ủng hộ việc thi công.
Một yêu cầu khác là kiểm soát, bảo đảm, nâng cao chất lượng các dự án. Muốn vậy, phải kiểm tra chặt chẽ từ nguyên vật liệu tới khâu thi công; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giám sát, kiểm tra, nghiệm thu đúng quy định, quy trình, tránh việc sau khi làm xong lại hỏng hóc, phát hiện sai phạm và phải xử lý cán bộ.
Các dự án phải tiết kiệm tối đa bằng việc bảo đảm tiến độ, tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại, thay đổi biện pháp thi công, không ngừng sáng kiến để tăng năng suất lao động, tận dụng và sử dụng hợp lý các nguồn lực… Lựa chọn phương án có hiệu quả nhất, không máy móc, có thể chấp nhận đắt hơn nhưng nhanh hơn.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải phối hợp chặt chẽ để xử lý kịp thời các vấn đề tài chính, giải phóng mặt bằng, thể chế…
Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương rà soát các quy định, quy định nào không sát thực tiễn cuộc sống thì phải đề xuất sửa ngay. Trong khi chờ sửa đổi các quy định, các địa phương chủ động thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật nếu có hiện tượng các chủ mỏ nguyên vật liệu cấu kết để găm hàng, nâng giá, trục lợi.
“Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan có hướng dẫn chung về chất lượng, giá cả nguyên vật liệu xây đắp cao tốc để các địa phương và các chủ thể liên quan thực hiện” – Thủ tướng nói.
Ngày 4-2, Thủ tướng đi kiểm tra, đôn đốc tình hình thi công tuyến cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 và tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; ngày 5-2, Thủ tướng đi kiểm tra các dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm - Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, với các dự án nói trên, đến thời điểm này, về cơ bản, vốn đã đủ, mặt bằng đã sạch, đất đá làm vật liệu đã có, vấn đề là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả nhất. Ông cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong triển khai các dự án cao tốc. "Nếu không thì Bộ không có cách nào giải ngân được số vốn đầu tư công mỗi năm lên tới gần 100.000 tỉ đồng" - ông Thể khẳng định. Trước đây, mỗi năm chúng ta hoàn thành khoảng 60-70 km cao tốc, trong khi tới cuối nhiệm kỳ này phải có khoảng 3.000 km cao tốc. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt nhiệm vụ này trong thời gian qua. |