Hôm 6/2, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết rủi ro lạm phát của đất nước tỷ dân trong năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái, do tác động tiêu cực của đại dịch và tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng hóa toàn cầu đã bớt nghiêm trọng hơn.
NDRC dự đoán, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng trong năm 2022, sau khi quay đầu giảm từ mức đỉnh 15 tháng vào tháng 12 năm ngoái. Tính chung cả năm, chỉ số CPI có thể tăng 0,9%, nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn các năm trước.
Trong khi đó, cơ quan hoạch định chính sách chủ chốt của chính quyền Bắc Kinh cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) có thể sẽ hạ nhiệt nhờ nguồn cung hàng hóa công nghiệp và sản phẩm năng lượng trong nước dồi dào, có khả năng chống lại sự "biến động giá bất thường". Năm ngoái, chỉ số PPI của Trung Quốc cao hơn năm trước đó khoảng 8,1%.
Cũng trong tuyên bố mới, Trung Quốc kỳ vọng động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước phương Tây có thể làm suy yếu lạm phát giá đối với hàng nhập khẩu. Bloomberg dự đoán ngân hàng trung ương của nhóm G7 sẽ giảm lượng tài sản mua vào trong năm 2022 xuống còn 10% mức của năm 2021.
Một trong các ngân hàng trung ương lớn có sự đảo chiều trong lập trường chính sách tiền tệ thời gian gần đây là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Jerome Powell đã phát tín hiệu rằng Fed có thể tăng lãi suất ngay từ cuộc họp tháng 3 tới để ghìm cương lạm phát, đồng thời ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán ngay sau khi hoàn thành việc nâng lãi suất.
Năm ngoái, khi giá hàng hóa toàn cầu tăng nóng, Bắc Kinh đã tăng cường trấn áp nạn đầu cơ để kìm chế giá than, khí đốt và thép trong nước. Chính sách tiền tệ thận trọng cũng đã giúp chính phủ nước này tránh tung ra một loạt kích thích không cần thiết.