Binh sĩ Ukraine tham gia một cuộc tập trận huy động quân đội, vệ binh quốc gia và Bộ Tình trạng khẩn cấp vào ngày 4-2 - Ảnh: AFP
Theo sau các hình ảnh vệ tinh về khí tài Nga tập trung gần biên giới Ukraine, vũ khí của Mỹ và phương Tây đã tới Kiev. Tương tự, sau những thông tin nói Nga sắp tấn công Ukraine bằng các chiêu "ném đá giấu tay", hàng ngàn lính Mỹ được tăng viện đến các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giáp Nga và Ukraine.
Những cáo buộc thiếu cơ sở
Truyền thông Mỹ ngày 5 và 6-2 dẫn "các quan chức đề nghị giấu tên" tiết lộ những cuộc thảo luận nội bộ trong chính quyền Joe Biden chỉ ra khả năng Nga có thể phát động một cuộc xâm lược tổng lực vào Ukraine "trong vài tuần nữa". Quân đội Nga đã bố trí gần Ukraine tổng cộng 83 "nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn", mỗi nhóm có quy mô gần tương đương với một tiểu đoàn của Mỹ từ 750 - 1.000 binh sĩ. So với cách đây 2 tuần, số nhóm tác chiến đã tăng hơn 20 và sẽ được tăng viện thêm ít nhất 14 tiểu đoàn trong những ngày tới.
Nhóm quan chức dự đoán với sức mạnh quân sự vượt trội, Nga sẽ chiếm được thủ đô Kiev trong thời gian ngắn nhưng sẽ gặp khó khăn khi duy trì thành quả và đối mặt với các cuộc phản công. Trên báo New York Times và Washington Post ngày 5-2, các quan chức ẩn danh cũng cảnh báo một cuộc xâm lược toàn diện của Nga có thể dẫn đến việc hơn 50.000 người thương vong. Một quan chức Mỹ khác xác nhận con số ước tính đó với Hãng thông tấn AP khi được liên hệ.
Những con số là rất cụ thể, nhưng cơ sở nào để Washington nêu ra dự đoán thì hoàn toàn mù mịt. Đây cũng là điều mà ngay cả báo giới Mỹ (và tất nhiên là Nga) đặt ra. "Không rõ bằng cách nào các cơ quan của Mỹ có thể xác định những con số đó cũng như dự đoán về cách một cuộc xâm lược sẽ diễn ra và tổn thất nhân mạng mà nó gây ra vì vốn dĩ trong chiến tranh mọi thứ điều không chắc chắn", Hãng tin AP đặt vấn đề.
Trong một bài viết khác, hãng tin của Mỹ còn cho rằng việc Nhà Trắng cứ vu cáo Nga mà không có bằng chứng là hành động tự làm hại chính mình, xét đến những sự kiện thiếu minh bạch và sai trái trong quá khứ.
Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tăng thêm quân đến châu Âu trong tương lai dưới danh nghĩa củng cố sườn phía đông NATO (giáp Nga). Trong đợt triển khai lần này, Lầu Năm Góc đã huy động hơn 2.000 quân, trong đó phần lớn đến Ba Lan - một nước giáp cả Nga lẫn Ukraine và đang có sẵn hơn 5.000 binh sĩ Mỹ.
Nga tố Mỹ gây nhiễu loạn
Theo ước tính của Mỹ, Nga sẽ cần từ 110 - 130 tiểu đoàn cho một cuộc xâm lược tổng lực Ukraine. Tùy thuộc vào mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, các lực lượng Nga có thể tấn công trực tiếp Kiev từ các vị trí đang đóng quân ở miền nam Belarus. Nhà lãnh đạo Nga cũng có thể đưa quân vượt biên giới vào miền đông và miền nam Ukraine, nếu ý định của ông là làm tan vỡ và tiêu diệt một phần lớn quân đội Ukraine.
Rõ ràng Mỹ đang ở thế chủ động trên mặt trận thông tin, còn Nga thì ở trạng thái sẵn sàng bác bỏ mọi cáo buộc của Washington. Nói như Hãng thông tấn Tass của Nga, khả năng Matxcơva tấn công Kiev là rất ít nhưng "nhờ" Washington liên tục "đánh trống xung trận" mà tình hình đã trở nên căng thẳng hơn.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov thì cho rằng Washington đang cố gắng kéo sự tập trung của quốc tế vào căng thẳng Nga - Ukraine.
"Washington đã gây náo loạn cả thế giới trong vài tháng nay với những tuyên bố rằng Ukraine sẽ trở thành nạn nhân bị Nga xâm lược. Tuy nhiên, điều xui xẻo thật sự đã đến vì không có cuộc tấn công nào. Do đó, rõ ràng nhằm có sức thuyết phục cao hơn, người ta đã sử dụng một số dữ liệu tình báo "rò rỉ" và những cáo buộc vô căn cứ như quý vị đã thấy", đại sứ Antonov nêu chỉ trích vào ngày 5-2.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy thì thẳng thắn hơn khi gọi những suy đoán của Mỹ cùng phương Tây là "điên rồ và đáng sợ". "Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi nói rằng Mỹ có thể chiếm London trong một tuần và gây ra cái chết cho 300.000 dân thường? Chúng tôi sẽ nói các thông tin này dựa vào những nguồn tin tình báo mà Nga không thể tiết lộ", ông Polyanskiy mỉa mai trên Twitter.
Chờ động thái từ Đức
Pháp và Đức - hai nước trong "Định dạng Normandy" cùng Nga, Ukraine - đang cố gắng hạ nhiệt căng thẳng bằng giải pháp ngoại giao. Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Ba Lan sẽ gặp nhau vào ngày 8-2 tại Berlin để bàn về các biện pháp tháo gỡ căng thẳng.
Mọi sự chú ý cũng dành cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz - người có chuyến công du đầu tiên đến Mỹ trên cương vị mới trong tuần này. Nhiều câu hỏi lẫn kỳ vọng đang đặt ra trước chuyến đi, bao gồm cả việc liệu Berlin có đồng ý gửi vũ khí cho Kiev như Washington và các nước khác đang làm hay không.
TTO - Các hình ảnh vệ tinh do Công ty Maxar Technologies (Mỹ) công bố ngày 6-2 cho thấy hệ thống tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu của Nga tập trung trên đất Belarus và chỉ cách Ukraine khoảng 50km.
Xem thêm: mth.96155152260202202-eniarku-ed-nav-hnauq-gnaht-gnac-ym-agn/nv.ertiout