Trong năm 2022, sẽ có những thay đổi về chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có sự thay đổi về tiêu chí xét hộ nghèo theo Nghị định 07/2021. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều người được hưởng những chính sách của Nhà nước, trong đó có chính sách BHYT.
Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn những chính sách liên quan đến BHYT từ năm 2022, Pháp Luật TP.HCM có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM.
Thay đổi về điều kiện xét hộ nghèo
. Phóng viên: Theo quy định, những người thuộc diện hộ nghèo sẽ được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Nghị định 07/2021 thì chuẩn nghèo giai đoạn 2022 -2025 sẽ có sự thay đổi so với trước đây. Vậy bà có thể nói rõ hơn về sự thay đổi này?
+ Bà Nguyễn Thị Thu Hằng: Căn cứ Nghị định 07/2021 thì giai đoạn 2022-2025, hộ gia đình được coi là hộ nghèo nếu đáp ứng các tiêu chí sau: Thứ nhất, hộ có thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thứ hai, hộ sống trong điều kiện thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin).
Như vậy, so với quy định cũ thì từ năm 2022, tiêu chí về hộ nghèo đã thay đổi, đặc biệt là tăng mức thu nhập để được xét là hộ nghèo.
Người dân được tư vấn quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Do đó, với tiêu chí mới, có thêm rất nhiều hộ gia đình thu nhập bình quân từ 1,3 triệu đồng/người/tháng đến dưới 2 triệu đồng/người/tháng ở thành thị và từ 700.000 đồng đến dưới 1,5 triệu đồng/tháng ở nông thôn vẫn được coi là hộ nghèo và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT.
. Việc thay đổi về tiêu chí xét hộ nghèo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí đến người dân. Vậy ngành BHXH có những kế hoạch tuyên truyền chính sách mới đến người dân như thế nào?
+ Để người dân được hưởng chính sách BHYT kịp thời, đúng quy định, ngành BHXH đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân trên địa bàn về Nghị định 07/2021 qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, ngành BHXH luôn đẩy mạnh tuyên truyền đến người thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg trước kia, được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT nhưng nay không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT theo quy định mới để người dân hiểu, chủ động tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Người nhiễm COVID-19 được hưởng BHYT như thế nào?
. Trên thực tế, có nhiều trường hợp người bệnh yêu cầu nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu chuyển tuyến trên dù cơ sở này có khả năng chữa trị. Vậy hiện nay luật quy định như thế nào về điều kiện và thời gian sử dụng giấy chuyển tuyến?
+ Việc chuyển tuyến KCB BHYT được thực hiện theo Thông tư 14/2014, trừ một số trường hợp cụ thể khác được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT.
Cụ thể, các cơ sở KCB khi tiếp nhận bệnh nhân, trong quá trình điều trị nếu vượt quá khả năng chuyên môn sẽ chuyển bệnh nhân đến các cơ sở KCB khác theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật để bệnh nhân được điều trị.
Người bệnh mắc các bệnh, nhóm bệnh mạn tính được quy định theo Thông tư 40/2015 thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12 năm dương lịch đó.
Trường hợp đến hết ngày 31-12 của năm đó, mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở KCB thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó.
. Trong năm 2022, dịch bệnh COVID-19 có phần giảm hơn so với năm 2021.
Tuy nhiên, tình trạng nhiễm và phải điều trị COVID-19 vẫn còn. Bà có thể cho biết chi phí điều trị COVID-19 và các bệnh thông thường sẽ được BHYT chi trả ra sao?
+ Theo quy định, chi phí điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước chi trả, quỹ BHYT chi trả các chi phí điều trị các bệnh nền sẵn có của bệnh nhân theo quy định (ví dụ: Bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, tiểu đường, cao huyết áp) và các bệnh phát sinh trong thời gian điều trị COVID-19 (sinh con, viêm ruột thừa cấp…).
Hiện nay, bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình được điều trị tại nhà, các trạm y tế lưu động sẽ chịu trách nhiệm cung ứng thuốc và hướng dẫn bệnh nhân điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, Sở Y tế đã triển khai.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, trường hợp bệnh nhân không đến bệnh viện để KCB và nhận thuốc -điều trị các bệnh nền theo hẹn tái khám thì có thể liên hệ các bệnh viện nơi bệnh nhân theo dõi điều trị để được hướng dẫn và cấp thuốc điều trị.
. Xin cám ơn bà.
Mức đóng BHYT hộ gia đình Đối tượng thuộc diện tham gia BHYT theo hộ gia đình là các thành viên cùng đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp và không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Mức đóng của tất cả thành viên thuộc hộ gia đình được tính như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất và từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% của người thứ nhất. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng. Cụ thể hơn, người thứ nhất sẽ đóng BHYT là 67.050 đồng/tháng, người thứ hai đóng 46.935 đồng/tháng, người thứ ba đóng 40.230 đồng/tháng, người thứ tư đóng 33.525 đồng/tháng, người thứ năm trở đi đóng 26.820 đồng/tháng. Theo BHXH TP.HCM |