Alphabet và Meta Platforms – công ty mẹ của Google và Facebook – đang là hai nền tảng quảng cáo kỹ thuật số khổng lồ, chiếm hơn nửa thị phần toàn thế giới hiện nay. Cho đến gần đây, mỗi năm hai nền tảng này đều ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục mới.
Thế nhưng tuần qua đánh dấu một thay đổi đáng lo ngại: lượng người dùng hàng ngày của Facebook lần đầu sụt giảm cho thấy một lỗ hổng đáng lo ngại trong mô hình kinh doanh của họ – quảng cáo kỹ thuật số chiếm 98% doanh thu của Meta và 81% của Alphabet. Trong số 5 công ty công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay, bao gồm cả Amazon, Apple và Microsoft, cơ cấu doanh thu của Facebook và Google là ít đa dạng nhất.
Thông thường những người khổng lồ như họ sẽ không bỏ hết trứng vào một giỏ, nhưng thật khó thoát ra khỏi mô hình kinh doanh đó khi nó đã rất thành công trong gần 20 năm qua. Đặc biệt là khi cả hai hãng này đều đã bỏ nhiều công sức hoàn thiện mô hình kinh doanh của họ trong những năm qua.
TikTok và Web3, những kẻ đe dọa cho Google và Facebook
Thế giới xung quanh Google và Facebook đã thay đổi theo những cách hoàn toàn khác biệt so với những năm 2000 thậm chí so với những năm 2010, đang đe dọa đến mô hình kinh doanh phụ thuộc vào quảng cáo của hai người khổng lồ này.
Không còn là các startup công nghệ như 10, 20 năm trước, Facebook và Google đã trở thành những người khổng lồ và lọt vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý trên khắp thế giới trước vị thế ngày càng lớn mạnh của họ trong ngành quảng cáo kỹ thuật số.
Xu hướng của những người tiêu dùng trẻ đang hướng tới gaming, ứng dụng nhắn tin và TikTok hơn là các kết nối và những bài đăng trên Facebook. Điều đó đe dọa trực tiếp đến các chỉ số tương tác quan trọng của Facebook dành cho những nhà quảng cáo. Không những thế, đến cuối năm 2021, TikTok còn vượt mặt Google và Facebook trở thành website có lượng truy cập nhiều nhất thế giới.
Còn một tác động không kém phần quan trọng khác đang được các nhà công nghệ nói đến: Web3 hay Web 3.0.
Nếu xem Google, Facebook, Amazon là các hiện thân của Web 2.0, nơi các nền tảng internet khổng lồ trở thành trung gian giúp người dùng kết nối, chia sẻ thông tin, cũng như sử dụng nhiều tiện ích khác dễ dàng hơn, Web3 sẽ là nơi cho phép người dùng làm những điều này trực tiếp với nhau.
Theo những người đam mê công nghệ, Web3 sẽ giúp người dùng chia sẻ hình ảnh, liên lạc với bạn bè hoặc mua sắm trực tuyến thông qua hàng loạt các dịch vụ nhỏ cạnh tranh nhau được xây dựng trên chuỗi blockchain – và ví dụ, tại những nơi đó, mỗi khi bạn đăng tải một tin nhắn, bạn sẽ kiếm được một token cho đóng góp của mình, giúp bạn sở hữu một phần của nền tảng để tới một lúc nào đó, bạn có thể rút tiền ra.
Esther Crawford, nhà quản lý dự án cấp cao của Twitter cho biết: "Điều đó nghĩa là mọi giá trị được tạo ra có thể được chia sẻ giữa mọi người, thay vì chỉ giữa những người sở hữu, cổ đông và nhân viên." Những điều này mới chỉ đang manh nha chứ chưa trở thành sự thật, nhưng đến khi đó, nó sẽ tạo thành mối đe dọa thực sự cho mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo như hiện nay của Facebook.
Có lẽ trong 2 hay 3 năm tới, cả TikTok và Web3 chưa làm tổn hại nhiều đến hoạt động kinh doanh của Facebook hay Google, nhưng trong 5 năm tới, rất khó nói trước điều gì sẽ xảy ra.
Nỗ lực thoát khỏi cơn nghiện quảng cáo
Trên thực tế, Facebook cũng cố gắng bắt kịp với các thay đổi này. Nhưng vừa bước chân vào sân chơi tiền mã hóa không được bao lâu, dự án của họ đã phải giải thể, tiếp bước một chuỗi các dự án thất bại khác, bao gồm cả Facebook Watch và trợ lý ảo cho Messenger.
Mới đây nhất, CEO Mark Zuckerberg cho thấy một sự chuyển hướng đáng chú ý hơn khi đổi tên Facebook thành Meta – một động thái cho thấy nỗ lực tập trung vào vũ trụ ảo metaverse, cùng với đó là các thiết bị thực tế ảo. Nhưng trong khi chưa rõ CEO Zuckerberg sẽ kiếm tiền từ vũ trụ ảo này như thế nào, mảng kinh doanh thiết bị thực tế ảo của họ đã phải gánh khoản lỗ đến 10 tỷ USD trong năm vừa qua.
Alphabet cũng thấy được các nguy cơ từ việc phụ thuộc nặng nề vào quảng cáo của mình. Công ty đã bắt đầu nỗ lực đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình khi cố gắng bắt kịp Microsoft và Amazon trên thị trường đám mây với 9% thị phần toàn cầu. Mảng kinh doanh này đóng góp vào 7,5% tổng doanh thu của tập đoàn trong năm vừa qua, vẫn khá nhỏ bé so với doanh thu quảng cáo, nhưng vẫn tích cực hơn so với những gì Facebook đã làm được.
Rõ ràng, cả Meta và Alphabet đều hiểu được rằng, "cơn nghiện quảng cáo" của họ sẽ không thể kéo dài tăng trưởng trong tương lai và đều đang tìm cách thoát ra. Nhưng cũng giống như mọi cơn nghiện khác, thoát khỏi nó là điều không hề dễ.
Tham khảo Bloomberg
https://genk.vn/tiktok-va-web3-de-doa-den-con-nghien-quang-cao-cua-facebook-va-google-20220206182721749.chnXem thêm: nhc.88944243170202202-elgoog-av-koobecaf-auc-oac-gnauq-neihgn-noc-ned-aod-ed-3bew-av-kotkit/nv.fefac