Theo thông tin từ Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, vào đầu tháng 11/2021, nhóm công ty đã mua 1,294 triệu cổ phiếu của An Khang với giá phí hợp nhất kinh doanh là 52,2 tỷ đồng, tương đương 100% tỷ lệ sở hữu trong An Khang.
Theo đó, An Khang đã trở thành công ty con của Thế Giới Di Động. Vì vậy, kể từ quý 4/2021, kết quả kinh doanh của An Khang được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Thế Giới Di Động.
Trước đó, Thế Giới Di Động sở hữu 49% tại An Khang và hàng quý vẫn cập nhật kết quả lãi lỗ riêng của An Khang. Tính đến cuối quý 3/2021, Thế Giới Di Động đã lỗ lũy kế 16,9 tỷ đồng tại An Khang. Khoản đầu tư ban đầu có giá trị 62 tỷ đồng đến cuối quý 3/2021 chỉ còn 45,1 tỷ đồng.
Trước kia, Thế giới Di động từng có kế hoạch mua 100% cổ phần đơn vị này thay vì mất 2-3 năm tìm hiểu và phát triển mô hình kinh doanh dược phẩm.
Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài chính thức tuyên bố dừng kế hoạch này lại nhằm đánh giá rủi ro, cũng như chưa phải thời điểm thích hợp để đẩy mạnh mảng mới.
Do đó, thay vì mua "đứt" và nắm quyền kiểm soát tại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, Thế giới Di động chỉ mua lại tối đa 49% vốn của chuỗi dược phẩm này để đánh giá lại rủi ro. Trong số những đơn vị bán lẻ đi vào ngành thuốc, Thế giới Di động xúc tiến khá nhanh khi chỉ sau một thời gian công bố, chuỗi nhà thuốc này đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới.
Hồi giữa năm 2019, ông Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ rằng, An Khang chỉ là một bước thử nghiệm của Thế Giới Di Động. "Thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Vì vậy, Thế Giới Di Động vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian gần", ông Tài nêu quan điểm lúc bấy giờ.
Quan trọng hơn cả, thời điểm đó ông Tài đánh giá quy mô bán lẻ dược phẩm vẫn nhỏ, bằng khoảng một nửa so với ngành động. Trong khi đó, thị trường hàng tiêu dùng lớn hơn nhiều nên chuỗi này phải dốc sức đầu tư vào Bách hoá Xanh, không muốn và không đủ nguồn lực phát triển mạnh hơn chuỗi An Khang.
Như vậy, với việc sở hữu 100% An Khang, Thế Giới Di Động cho biết sẽ đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ chuỗi nhà thuốc này. Tính đến cuối năm 2021, An Khang có 178 cửa hàng.
Trong khi đó, do đi trước nên chuỗi Long Châu của FPT Retail hiện đã sở hữu tới 400 nhà thuốc tại thời điểm cuối năm 2021, tăng thêm 200 nhà thuốc so với đầu năm. Tính riêng trong quý 4, gần 100 nhà thuốc mới của Long Châu đi vào hoạt động.
Theo chia sẻ từ FPT Retail, công ty này dốc sức đầu tư cho Long Châu do xác định thị trường điện thoại hiện nay đã bão hòa và dược phẩm là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong dài hạn. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này tin tưởng rằng sự lớn mạnh của Long Châu sẽ đi theo ‘sự bùng nổ’ của ngành dược trong thời gian tới.
Năm 2021, doanh thu chuỗi Nhà thuốc Long Châu đạt 3.977 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020. Đáng chú ý, Long Châu tuyên bố đã bắt đầu có lãi năm 2021.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị