Cửa hàng số 58, TP Châu Đốc, An Giang treo bảng “hết xăng 95” bốn ngày qua - Ảnh: BỬU ĐẤU
Các doanh nghiệp đầu mối cũng kêu khó, trong khi Bộ Công thương đang đốc thúc, tìm cách điều phối.
Xin nghỉ bán vì không có lời
Tại cửa hàng xăng dầu Nguyễn Văn Việt, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, An Giang ngày 7-2 vẫn "cửa đóng then cài" sau khi có đơn gửi chính quyền xin nghỉ bán từ ngày 5-2. Lý do chính là cửa hàng lấy xăng 95 giá 24.560 đồng/lít, bằng với giá bán ra 24.560 đồng/lít, lỗ chi phí nên xin nghỉ bán.
Một số cửa hàng bán lẻ như cửa hàng xăng dầu số 58 thuộc Công ty cổ phần dầu khí Mê Kông, ở phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc treo bảng "hết xăng 95". Nhân viên tại đây cho biết cửa hàng này đã hết xăng 4 ngày nay. Hiện tại chỉ còn bán xăng E5 nhưng lượng còn rất ít.
Ông Nguyễn Ngọc Thới - giám đốc DNTN An Kiên - cho biết trước đây ông bán có chiết khấu từ 200 - 1.000 đồng/lít xăng. Nhưng hiện một số đầu mối lỗ nên không có "hoa hồng", khiến các cửa hàng bán xăng đều thua lỗ 300 - 500 đồng/lít.
Tại Hà Nội, ngày 7-2 không có hiện tượng cây xăng phải nghỉ bán, chỉ rải rác một số cửa hàng treo biển bán theo khung giờ.
Tuy nhiên, anh N.Hải (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho hay vừa rồi đổ xăng ở một cây xăng đầu đường Hoàng Quốc Việt nhưng cửa hàng này thông báo hết xăng E5RON92, đề nghị khách mua xăng RON95.
Doanh nghiệp cùng kêu lỗ
Ông Trần Thanh Trung - phó giám đốc Petrolimex An Giang - cho biết đơn vị cung cấp 7,7 - 7,9 triệu lít/tháng. Nhưng hiện tại bán xăng lỗ gần 1.000 đồng/lít.
"Petrolimex An Giang đảm bảo 35% thị phần ở An Giang. Nếu các đầu mối khác không chung tay mở cửa sẽ rất khó đảm bảo an ninh năng lượng" - ông Trung nói.
Petrolimex An Giang kiến nghị các đầu mối khác cùng kinh doanh bình thường. "Đầu mối nhập khẩu đã lỗ thì đương nhiên thù lao cho hệ thống nhượng quyền không có. Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước không thể đóng cửa" - ông Trung nói thêm.
Còn ông Phan Nguyễn Sa Trúc - giám đốc Công ty cổ phần dầu khí Mê Kông (thuộc PVOil), chi nhánh An Giang - cũng cho hay cửa hàng xăng dầu tư nhân phải có lợi nhuận từ 500 đồng/lít mới đảm bảo lương cho nhân viên.
"Hiện các đầu mối lớn lỗ te tua, còn các cửa hàng bán lẻ lỗ ít hơn" - ông Trúc chia sẻ và cho hay lần điều chỉnh giá rơi ngay Tết Nguyên đán nên không thể thực hiện. Vì nghị định 95 quy định vào các ngày lễ, Tết không được điều chỉnh. Ngày 11-2 tới sẽ điều chỉnh giá...
Doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công thương nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay có nhiều đơn vị muốn tăng sản lượng mua, có đại lý không thuộc hệ thống cũng muốn mua. Nhưng do căng thẳng nguồn cung khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất, Petrolimex chỉ có thể đáp ứng theo hợp đồng.
Vị này khẳng định không có việc Petrolimex không cung ứng đủ xăng dầu cho đơn vị đã ký hợp đồng. Chỉ một số trường hợp nguồn cung chậm hơn chút nhưng cơ bản đã đáp ứng.
Cũng theo đại diện của Petrolimex, ngay khi có căng thẳng nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, tập đoàn đã chủ động tìm kiếm nguồn nhập khẩu, đến nay cơ bản cân đối đủ.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam cho hay từ sau Tết Nguyên đán cung ứng xăng dầu căng thẳng hơn khi lượng xăng dầu dự trữ giảm, nguồn cung thì chưa cải thiện. Thường từ ngày 25 - 28 hằng tháng các nhà máy lọc dầu sẽ công bố sản lượng bán nhưng đến nay chưa có thông báo nào.
"Nhiều cây xăng nghỉ bán, giảm bán nên khách hàng tập trung mua xăng dầu của chúng tôi, chỉ còn cầm cự được khoảng 1-2 ngày. Doanh nghiệp càng bán càng lỗ, mỗi lít xăng lỗ 1.500 đồng, dầu lỗ 1.000 đồng. Nếu không tháo gỡ, trước sau gì chúng tôi cũng phải đóng cửa" - vị này nói.
Trấn an, ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) - cho hay đã nắm được thực trạng này và có báo cáo, đánh giá gửi Chính phủ nhằm có phương án xử lý.
Công điện của bộ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đơn vị nào găm hàng chờ tăng giá. Cửa hàng phải đóng cửa vì lý do chính đáng như hết xăng, bộ sẽ phối hợp điều phối, cung ứng.
"Chúng tôi đã trao đổi với các đầu mối, nguyên tắc chung là đảm bảo tổng cung, giao nhiệm vụ cho từng đầu mối để có nguồn hàng nhanh nhất, sớm nhất" - ông Đông nói.
Về Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, ông Đông xác nhận nhà máy này vẫn chỉ chạy 60 - 80% công suất, chưa rõ khi nào trở lại công suất bình thường.
Hàng chục cửa hàng đóng cửa
Chiều 7-2, ông Huỳnh Ngọc Hồ - cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang - xác nhận trong tỉnh đã có tới 23 cửa hàng xăng dầu đóng cửa tạm dừng hoạt động, đa số có lý do "hết xăng", "nguồn cung không kịp thời"… và cho hay đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng đóng cửa ghim hàng, chờ tăng giá.
Trước đó, Tổng cục QLTT đã có văn bản yêu cầu Cục QLTT chỉ đạo các đội QLTT theo dõi sát tình hình bán lẻ xăng dầu tại địa phương, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm.
B.ĐẤU
Đi hàng chục cây số mới mua được xăng
Ghi nhận của Tuổi Trẻ đến chiều 7-2, nhiều cây xăng tại huyện Đăk Glong (Đắk Nông) vẫn đóng cửa, không có xăng bán. Chủ cửa hàng xăng dầu Trọng Tiến Việt cho biết dự kiến đến ngày 12-2 mới mở cửa lại.
Vì thiếu xăng dầu, nhiều người dân phải đi hàng chục cây số về trung tâm TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) để mua xăng. Ông Nguyễn Văn Đại (54 tuổi, xã Đắk Ha) cho biết tình trạng thiếu xăng nhiều ngày nay làm gián đoạn việc nương rẫy.
Ông Nguyễn Văn Trãi - phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông - cho hay một số nơi cửa hàng xăng dầu đóng cửa diễn ra từ trước Tết Nguyên đán do thiếu hàng. Không có tình trạng các cửa hàng cùng nhau đóng cửa để nâng giá.
"Nếu người dân không thể mua xăng ở các cửa hàng tư nhân thì 100% các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex vẫn đang mở cửa" - ông Trãi nói.
ĐÌNH CƯƠNG - THU HIẾN
TTO - Nhiều cửa hàng xăng dầu ở tỉnh Đắk Nông đóng cửa từ trong Tết Nguyên đán đến nay, nên nhiều người dân phải đi hàng chục cây số mới mua được xăng.
Xem thêm: mth.43511922270202202-gnah-teh-iv-auc-gnod-gnax-yac-ueihn/nv.ertiout