Tết Nhâm Dần khép lại với nhiều hoạt động tri ân. Trước tết, lãnh đạo TP.HCM đã có các buổi gặp mặt sẻ chia với y bác sĩ, doanh nhân, nhà khoa học, những tài xế xe cứu thương và những người đã góp phần đưa TP tiến vào cuộc sống bình thường mới.
Ngân sách năm nay chi ra một con số lớn để đảm bảo người dân TP.HCM “không ai không có tết”. Không gian sinh hoạt tết, từ đường sách đến đường hoa, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật được tổ chức ấm cúng. Bến Bạch Đằng được chỉnh trang với điểm nhấn là công trường Mê Linh và tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo.
Đại dịch COVID-19 gây rất nhiều đau thương, mất mát mà chúng ta khó lòng bù đắp hết. Nhưng chuyện TP.HCM chăm lo cho người dân, từ vật chất đến tinh thần, cũng cho thấy “tấm lòng” của nhiều tập thể và cá nhân - dù hiện diện hay thầm lặng - đối với việc chung. Đó là nền tảng rất quan trọng để bàn về “từ khóa” của năm mới 2022 - “quy tụ lòng người”.
TP.HCM muốn phục hồi và tăng tốc phát triển thì việc quy tụ lòng người có thể được thực thi bằng nhiều cách. Thứ nhất là “quy tụ bằng việc làm gương”. Việc này người đứng đầu Đảng bộ TP và tập thể lãnh đạo TP đã và đang thực hiện, trong suốt mùa dịch và cả những ngày vui tết Nhâm Dần. “Làm gương” sẽ là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong nhiệm kỳ còn lại, tạo ra nề nếp trong việc quản lý, đánh giá, bổ nhiệm và kỷ luật cán bộ của TP.
Thứ hai là “quy tụ bằng sự cam kết đối với hiệu quả công việc, chính sách”. Nói thì phải làm, làm thì phải có sản phẩm và sản phẩm thì cần được đo đếm theo cột mốc thời gian, theo các chỉ số đánh giá chất lượng (KPI) cụ thể. TP sẽ công khai các dự định, kế hoạch phát triển của mình rộng rãi cho mọi người dân, đảng viên để mọi người theo dõi tiến độ và hiệu quả của từng dự án, từng công trình, từng việc làm cụ thể.
Cuối cùng là “quy tụ bằng sự dân chủ, lắng nghe đa chiều để hoạch định và thực thi chính sách”. Lắng nghe để biết thêm cái mới, để nắm bắt cái đúng, để nhận diện cái hạn chế, để khắc phục yếu kém và để thúc đẩy cái hiệu quả.
Những góp ý có thể từ các bậc lão thành, chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo và cả đâu đó từ các tầng lớp người dân thầm lặng (như người lái xe cứu thương, ông tổ trưởng tổ dân phố, người thầy thuốc về hưu)… là rất quan trọng để TP thực hiện, triển khai các chủ trương, chính sách một cách hiệu quả vào thực tiễn. Người đứng đầu (ở các cấp) phải lắng nghe và có năng lực lắng nghe (nhiều nhất) các ý kiến từ xã hội.
Như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu ở lễ hạ nêu và khai ấn tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt vào sáng 7-2, rằng “… chúng ta phải tiếp tục cố gắng, đã đoàn kết thì đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đã thành công thì thành công tốt hơn nữa để năm sau luôn luôn phát triển hơn năm trước”.
Muốn vậy, chỉ có “quy tụ lòng người” một cách hiệu quả, từ trên xuống dưới, từ trong nước ra nước ngoài thì chúng ta mới có đủ nguồn lực, quyết tâm để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra trong quá trình TP đang dần phục hồi khi thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.