Một trong những phương án kiến trúc cho sân bay Quảng Trị trên địa phận Gio Linh. Đây sẽ là lực đẩy lớn mang tính bước ngoặt với huyện này trong tương lai gần - Ảnh: Q.NAM
Tuyến đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây qua mạn đông của huyện cũng chính thức được phê duyệt. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đang biến Gio Lin h thành một trung tâm kinh tế lớn phía bắc của tỉnh Quảng Trị với nhiều hy vọng.
Ông Trần Văn Quảng, Bí thư huyện ủy Gio Linh đã có những chia sẻ với Tuổi Trẻ trong ngày đầu năm mới về những cơ hội và hy vọng. "Mở rộng cửa, mở rộng lòng" chính là quan điểm nhất quán của huyện này ở giai đoạn bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử phát triển kinh tế của huyện.
Cơ hội từ "tam giác du lịch"
Nhắc tới Gio Linh phải nhắc tới biển. Huyện này sở hữu một bờ biển dài với nhiều điểm nhấn đã định hình trong bản đồ du lịch của Việt Nam nhiều năm qua như Cửa Việt, Gio Hải. Khu nghĩ dưỡng –du lịch – dịch vụ mà Tập đoàn T&T đang đầu tư xây dựng tại ven biển Gio Hải với số vốn đầu tư lên đến gần 4.500 tỉ đồng là bằng chứng rõ nét nhất về tầm vóc của du lịch biển Gio Linh.
Nhưng điều ông Quảng nhắc đến nhiều nhất chính là việc tỉnh Quảng Trị vừa "chốt" thời điểm khởi công tuyến đường ven biển kết nối hành lang kinh tế đông tây chạy dọc ven vùng biển qua huyện này vào đầu 2022.
Ông Trần Văn Quảng – Bí thư Huyện ủy Gio Linh (ngoài cùng bên trái) trong chuyến kiểm tra những dự án trên địa bàn huyện cùng lãnh đạo tỉnh - Ảnh: Q.NAM
Theo thiết kết tuyến đường này có tổng chiều dài hơn 55km bắt đầu từ vùng ven biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh chạy dọc ven biển qua huyện Gio Linh, Triệu Phong rồi cắt lên đến TP Đông Hà và được xác định là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Trị trong tương lai gần.
"Tuyến đường này mở ra rất nhiều cơ hội mới cho Gio Linh ở phía đông. Một vùng đất rộng lớn dọc bờ biển sẽ có cơ hội tiếp cận với các dự án du lịch mới. Quan trọng nhất là tuyến đường này có thể kết nối với tuyến hành lang kinh tế đông tây, vừa chỉ cách sân bay Quảng Trị vài kilomet", ông Quảng nói.
Hai điểm nhấn khác trên tam giác du lịch mà ông Quảng nhắc đến với nhiều kỳ vọng đó là vùng giếng cổ Gio An và điểm du lịch hoài niệm Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Với nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn thì đã là một điểm đến mang tầm quốc gia trong hành trình về nguồn của nhiều thế hệ người Việt hàng chục năm qua.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nhiều năm qua đã trở thành một điểm đến quan trọng trong bản đồ du lịch tâm linh của cả nước - Ảnh: Q.NAM
Riêng với vùng giếng cổ Gio An, ông Quảng vẫn đau đáu một nỗi niềm. Gio An có một hệ thống giếng cổ có nguồn gốc từ Chăm Pa với niên đại hơn 2.000 năm tuổi và đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Giếng Cổ Gio An là một hệ thống công trình dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, là một di tích có giá trị khảo cổ, văn hoá và nghệ thuật độc đáo do người Chăm Pa cổ sáng tạo nên và được người Việt tiếp thu và giữ gìn cho đến ngày nay.
Hệ thống giếng cổ Gio An với những nét độc đáo có thể tạo nên một chuỗi du lịch cộng đồng ấn tượng trong tương lai - Ảnh: Q.NAM
Hiện tại hệ thống giếng cổ này có 14 giếng trải đều trên 5 thôn của xã. Tất cả các giếng cổ này đều cơ bản còn được giữ nguyên hình dạng khởi thủy. Những năm gần đây, huyện Gio Linh đã có định hướng xây dựng vùng giếng cổ Gio An thành một vùng du lịch cộng đồng. Hạ tầng đường sá đã được huyện đầu tư.
Những hạng mục dịch vụ phụ trợ cũng đã được huyện xây dựng bước đầu. Một số đơn vị lữ hành cũng đã bắt đầu đưa du khách thích trải nghiệm cuộc sống thôn dã về với Gio An để đặt những viên gạch đầu tiên cho việc phát triển du lịch.
"Gio An ngoài việc mang trong mình trầm tích văn hóa sâu thẳm với nền văn minh Chăm Pa còn in đậm dấu tích thì còn là một vùng đất thanh bình. Nơi đây phù hợp với mô hình phát triển du lịch cộng đồng nhưng còn cần nhiều hơn những sự đầu tư xứng đáng", ông Quảng trăn trở.
Tìm lối mở cho nghề khai thác hải sản
Trong những ngành kinh tế trọng điểm, thì những năm qua nghề khai thác hải sản là điểm nhấn lớn nhất của vùng phía đông Gio Linh. Tính sơ lược thì có đến 5 xã, thị trấn của huyện này sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy hải sản. Trong đó có hai địa phương chuyên đánh bắt hải sản xa bờ là thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt. Riêng hai địa phương này đã có hàng trăm tàu thuyền công suất lớn chuyên vươn khơi bám biển.
Kinh tế biển của Gio Linh mang rất nhiều tiềm năng với hàng trăm tàu thuyền đánh bắt xa bờ với sản lượng mỗi năm lên đến hơn 30 ngàn tấn thủy hải sản - Ảnh: Q.NAM
Ngoài ra, cảng cá Cửa Việt cũng là một cảng cá lớn của miền Trung khi mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền của ngư dân các tỉnh khác cập vào bán hải sản trước khi trở lại biển đánh bắt. Theo thống kê của huyện này thì tổng sản lượng thủy hải sản cả do ngư dân của huyện đánh bắt cả thu mua của các tàu vào cảng Cửa Việt tiêu thụ lên đến trên 30 ngàn tấn. Tuy nhiên, một nghịch lý đã tồn tại ở huyện này nhiều năm qua là chưa có một nhà máy chế biến thủy hải sản nào.
Ông Quảng nói huyện cũng đã nhiều lần kêu gọi đầu tư, nhưng hiện các nhà đầu tư vẫn chưa có cơ hội đến tìm hiểu. Sản lượng hải sản khổng lồ đó hầu hết đều chỉ được sơ chế ở các lò hấp cá nhân rồi đưa lên xe chở đi nhập cho các vùng khác hoặc nhập qua Trung Quốc. "Quỹ đất cho nhà máy chế biến thủy hải sản huyện đã có chuẩn bị sẵn. Sản lượng thủy hải sản đánh bắt đáp ứng được công suất hoạt động mức cao. Nguồn nhân lực tại địa phương cũng rất nhiều. Một nhà máy chế biến thủy hải sản sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cho cả nhà đầu tư lẫn ngư dân", ông Quảng nói.
TTO - Dù 'sinh sau đẻ muộn', nhưng linh vật hổ xuân Nhâm Dần tại Quảng Trị lại có ý kiến cho là chú hổ đẹp nhất với vẻ uy nghi, hùng dũng.
Xem thêm: mth.17321406170202202-ut-uad-ahn-nod-auc-gnor-om-hnil-oig/nv.ertiout