Hai con tinh tinh thuộc Công viên quốc gia Loango được nhìn thấy đang bôi côn trùng vào vết thương cho nhau - Ảnh: Tobias Deschner
Nhóm nghiên cứu do Tobias Deschner từ Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Đức) và Simone Pika từ Đại học Osnabrück (Đức) đứng đầu đã ghi nhận nhiều trường hợp "bôi thuốc" lạ kỳ này trong các nhóm tinh tinh tại Công viên quốc gia Loango (Gabon).
Theo CNN, đây là một phần trong dự án tìm hiểu các mối quan hệ và sự tương tác giữa các con tinh tinh, xem xét cách chúng giao tiếp và nhận thức.
Trước đây, gấu, voi hay thậm chí cả ong được biết đến có khả năng dùng một số loại cây cỏ để chống lại ký sinh trùng và bệnh tật. Loài tinh tinh cũng biết nuốt một số loại lá cây đặc biệt có vị đắng để tiêu diệt một số loài ký sinh trùng đường ruột.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên giới khoa học ghi nhận tinh tinh bôi côn trùng lên vết thương hở. Phát hiện vừa được công bố trên tạp chí Current Biology.
Một số trường hợp khác tinh tinh bôi côn trùng vào vết thương - Ảnh: Tobias Deschner
Năm 2019, nghiên cứu sinh Alessandra Mascaro, một tình nguyện viên thuộc nhóm nghiên cứu của Planck và Pika, được giao theo dõi sự tương tác giữa tinh tinh mẹ Suzee và con trai Sia ở Công viên quốc gia Loango.
Một hôm, chân của Sia bị thương. Ít lâu, Mascaro nhìn thấy tinh tinh mẹ Suzee cố bắt một thứ gì đó để bôi trực tiếp lên vết thương trên bàn chân của Sia.
Khoảng một tuần sau, sự việc tương tự lại diễn ra với một con tinh tinh đực khác trong đàn.
"Nhiều trường hợp trước đây đã ghi nhận tinh tinh ăn côn trùng, nhưng đây là lần đầu chúng tôi biết chúng có thể dùng côn trùng để điều trị vết thương", Pika nói.
Trong suốt một năm tiếp theo, nhóm nghiên cứu tiếp tục theo dõi sát sao những đàn tinh tinh, quay phim tất cả những con có dấu hiệu bị thương. 22 con tinh tinh trong số đó đã được ghi nhận bôi côn trùng lên vết thương của mình và đồng loại.
Theo trang Science Alert, loài côn trùng mà tinh tinh sử dụng có thể là loại có cánh, chứa một số loại chất có đặc tính chống viêm hoặc khử trùng.
Một điểm thú vị khác là việc các con tinh tinh trong đàn có thể bôi thuốc cho nhau.
Trước đây, khả năng chăm sóc lẫn nhau là khá phổ biến trong thế giới động vật, từng được quan sát thấy ở các loài chim, ong, thằn lằn, voi… Tuy nhiên hành vi giúp nhau chữa vết thương khá hiếm gặp.
Đây cũng được xem là sự tiến hóa về mặt cảm xúc cho những động vật cấp cao, đồng thời có thể là nguồn gốc cho tính đồng cảm ở người.
TTO - 4 con đười ươi và 5 con tinh tinh lùn ở sở thú San Diego (Mỹ) trở thành những động vật linh trưởng đầu tiên không phải người được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Loại vắc xin này ban đầu được phát triển cho chó mèo.