Những ngày qua, thông tin về việc giá vé máy bay chặng Hà Nội – TP HCM cao khiến không ít người thắc mắc nhưng không phải ai cũng hiểu hết thật sự giá vé có cao không.
Theo tìm hiểu, từ ngày 6 đến 8.2, hầu hết vé chặng bay từ Hà Nội và các tỉnh vào TP HCM đều được bán hết từ trước Tết do hành khách mua khứ hồi để quay lại TP HCM sau thời gian nghỉ tết. Vé được bán với nhiều mức giá khác nhau cho hành khách lựa chọn, trong đó chủ yếu là mức giá rẻ.
Chính vì thế, số lượng vé bay sau tết còn lại rất ít, chủ yếu là vé hạng thương gia với mức giá cao hơn so với vé hạng phổ thông. Vì vậy, giá vé được dư luận nêu vừa qua không phản ánh đúng mức giá của giai đoạn này.
Chị Phạm Ái Vân (Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi có việc đột xuất phải bay từ Hà Nội vào TP HCM sau tết nên khi mua vé tôi thấy lượng vé có hạn và giá cao hơn so với trước đó. Tuy nhiên, ở thời điểm cầu cao hơn cung thì mức giá như vậy là chấp nhận được”. Theo chị Vân, hành khách nên lên kế hoạch đi lại sớm để mua được vé giá rẻ, tránh mua cận giờ sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm vé và mức giá cao hơn bình thường.
Đứng dưới góc độ chuyên môn, một chuyên gia hàng không cho rằng không có chuyện giá vé quá cao như dư luận phản ánh vì các hãng hàng không phải xây dựng mức giá theo đúng hướng dẫn của Bộ Giao thông - vận tải trong Thông tư về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo thông tư, mức giá cao nhất của hạng vé phổ thông cơ bản được bán là 3.750.000 đồng/vé một chiều đối với đường bay từ 1.280km trở lên. Về đường bay Hà Nội – TP HCM, thuộc nhóm đường bay có khoảng cách từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, mức vé phổ thông cơ bản cao nhất là 3.200.000 đồng/vé một chiều. Các mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm: giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm.
Cũng theo vị chuyên gia này, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch, ngành hàng không tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn Tết do chi phí sân bay tăng, cộng với giá nhiên liệu đầu vào cao… khiến các hãng hàng không chịu sức ép rất lớn trong việc đảm bảo hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trước, trong và sau tết.
Để xây dựng mức giá vé trong dịp tết, các hãng hàng không căn cứ vào yếu tố “lệch đầu” trong giai đoạn này. Theo đó, trước Tết, khách từ Nam ra Bắc đông; sau Tết, khách từ Bắc vào Nam đông.
Để đảm bảo đủ tàu bay phục vụ chiều đông khách, các hãng sẽ phải bay rỗng (bay không có khách) một chiều, đồng nghĩa với việc lỗ ở chiều bay này. Cụ thể, nếu tổng chi phí khai thác khứ hồi 1 chuyến bay là 1 tỉ đồng, các hãng sẽ bị lỗ 500 triệu đồng cho chiều bay rỗng. Đó là lí do giá vé chiều đông khách sẽ cao hơn chiều vắng khách nhằm bù đắp cho chi phí khai thác cả hai chiều.
Ngoài ra, mức giá được mở bán với nhiều mức, từ thấp đến cao, nên khi mua sát ngày bay, khi chuyến bay đã gần đầy khách thì mức giá thường là mức cao nhất của hạng phổ thông cơ bản. Đây là điều rất bình thường trong hoạt động hàng không trên thế giới.
Tính đến nay, sau khi các hãng hàng không tăng cường chuyến bay từ ngày 7-2, số lượng vé bán ra tăng lên rất nhiều và đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách. Cùng với đó, cũng đã có nhiều mức giá vé linh hoạt được mở bán để hành khách lựa chọn phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Xem thêm: odl.7022001-oac-yab-yam-ev-aig-ev-taht-us/et-hnik/nv.gnodoal