Tín hiệu khởi sắc đầu năm
Chiều 7/2, đại diện Sở Du lịch Tp.Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 31/1 đến ngày 6/2 (nhằm ngày 29 tháng Chạp đến mùng 6 Tết), tổng doanh thu ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 3.100 tỷ đồng.
Theo đó, lượng khách đến tham quan tại Tp.Hồ Chí Minh trong dịp Tết đạt 300.000 lượt, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng; khách lưu trú với 500.000 phòng, doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng và cao nhất là khách sử dụng các dịch vụ du lịch khác như ăn uống, vận chuyển... đạt 1 triệu lượt, doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, thống kê từ các công ty lữ hành lớn của Tp.Hồ Chí Minh, những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, lượt khách du Xuân từ khắp mọi miền tăng đáng kể, đây là tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch trong thời gian tới. Theo đó, Công ty TST tourist có số lượng khách khởi hành trong và sau Tết Nguyên đán đạt trên 1.000 khách, bao gồm cả khách cá nhân, nhóm khách và đoàn khách doanh nghiệp; Công ty Lữ hành Saigontourist phục vụ hơn 6.800 khách đi bằng đường hàng không, đường bộ, đường bộ liên tuyến, combo dịch vụ, phòng khách sạn; Công ty Vietravel phục vụ khoảng 15.000 lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán 2022... Những điểm đến được du khách lựa chọn nhiều nhất là các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Phú Quốc, Đà Lạt…
Khách đoàn du lịch có dấu hiệu tăng nhanh
Trao đổi với Báo Tin tức, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho biết, tổng kết sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 cho thấy, nhu cầu đi du lịch của du khách có nhiều thay đổi về hành vi và chọn điểm đến. Du khách di du lịch dịp Tết chủ yếu chọn tour cho mục đích nghỉ dưỡng, thư giãn, không quá nhiều hoạt động tham quan hoặc tập trung ở các điểm vui chơi đông đúc, điểm đến và dịch vụ phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Đa phần khách hướng vào tour tự chọn, đặt các dịch vụ lẻ như thuê ôtô và mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn…
Trong khi đó, chia sẻ kỳ vọng phát triển của ngành du lịch trong năm 2022, ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc công ty TST tourist cho biết, trong năm 2022, công ty vẫn sẽ tập trung phát triển thị trường nội địa lẫn quốc tế. Trong đó, thị trường nội địa tập trung phát triển các điểm đến có nhiều ưu đãi, chính sách và cách xử lý tình hình đối với dịch bệnh tốt nhất.
"Một tín hiệu mới đem lại kỳ vọng cho ngành du lịch hiện nay là khách đoàn doanh nghiệp đang có dấu hiệu tăng nhanh. Tại đơn vị đã có một số đoàn khách đặt tour khởi hành từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3, tập trung tại các địa điểm du lịch như: Ninh Chữ, Đà Lạt, Hạ Long, Ninh Bình, Huế, Quảng Ninh, Điện Biên… Đối với thị trường khách quốc tế năm 2022, công ty sẽ theo sát chủ trương chung của Chính phủ và ngành du lịch để vừa khai thác, vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Bởi năm 2022 là năm có nhiều cơ hội để khôi phục các thị trường, trong đó thị trường Đông Nam Á (Campuchia, Thái Lan...) và các thị trường khác trong khu vực châu Á. Chúng tôi cũng kỳ vọng tour du lịch nước ngoài sẽ sớm kết nối bình thường trở lại, bởi nhu cầu du khách trở lại châu Âu, Mỹ, Úc rất cao; trong đó, châu Âu là nơi có hệ thống sản phẩm đa dạng, độc đáo", ông Lại Minh Duy cho biết thêm.
Tương tự, là 1 trong 8 doanh nghiệp được xét duyệt hồ sơ phương án đón và phục vụ khách quốc tế theo chương trình thí điểm của Chính phủ, Công ty Vietravel cũng đã sẵn sàng các phương án để đón khách quốc tế trong năm 2022. Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Vietravel cho biết, sở dĩ hiện nay việc đón khách quốc tế còn hạn chế là do Việt Nam chưa chính thức công bố ở cấp quốc gia về việc mở cửa đón khách, không có chương trình quảng bá đúng tầm song hành. Việc tiếp cận nguồn khách chủ yếu do tự thân doanh nghiệp tự xoay xở nên độ lan tỏa, hiệu quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, trong năm 2022, doanh nghiệp cũng đã có chuẩn bị các thị trường khách xa, đường bay dài như châu Âu, Mỹ... và tập trung khai thác các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
“Nhìn chung, nguồn khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn này còn khá hạn chế, vì vậy các doanh nghiệp lữ hành đang kỳ vọng trong năm 2022 nguồn khách quốc tế sẽ được mở rộng hơn với các chính sách đón khách quốc tế mở rộng cụ thể hơn bằng việc các nước sớm nối lại các đường bay thẳng thì ngành du lịch mới có cơ hội hồi phục nhanh chóng ”, ông Trần Đoàn Thế Duy cho biết thêm.
Hướng đến những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022
Theo Trang tin điện tử Đảng bộ Tp.HCM, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM Lê Trương Hiền Hòa cho biết, Tp.HCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội, du lịch lớn nhất của cả nước, với vị thế đó thành phố nói chung và ngành Du lịch nói riêng luôn chủ động nắm bắt tình hình, chủ động thích ứng, chủ động khôi phục và chủ động phát triển trong tình hình dịch Covid-19 với phương châm biến nguy thành cơ để thực hiện các trọng trách đối với sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài của ngành.
Năm 2022, dự báo tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên để chủ động phục hồi du lịch trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, ngành Du lịch TP đặt ra quyết tâm cao, với 4 mục tiêu là: Tích cực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Tp.HCM đến năm 2030; Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi sau dịch Covid-19; Tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch thành phố; Thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch; Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu cho du lịch thương mại.
Sở cũng xây dựng 2 kịch bản: Khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, các hoạt động du lịch trở lại trong trạng thái bình thường mới, khách quốc tế ước đạt: 3.500.000 lượt, khách du lịch nội địa đến cuối năm 2022 ước đạt: 25 triệu lượt, tăng 66,66% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước đạt 97.700 tỷ đồng. Kịch bản thứ hai: Khi tình hình dịch bệnh trong nước chưa được khống chế hoàn toàn, khách du lịch nội địa đến cuối năm 2022 ước đạt 18 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước đạt 67.600 tỷ đồng.
Các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tối đa lợi thế, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của Thành phố, hoàn thiện bộ sản phẩm du lịch với các chương trình du lịch đặc trưng của Thành phố theo các chủ đề "Sài Gòn xưa và nay", "Cảm xúc Sài Gòn" và "Năng động Sài Gòn". Du lịch gắn với văn hóa, nghệ thuật, du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng, du lịch; phát triển sản phẩm du lịch y tế, thể thao, chương trình “100 điều thú vị” để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước.
Thúc đẩy kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch Tp.HCM và các tỉnh, thành nhằm tạo ra những gói sản phẩm du lịch liên vùng và tổ chức chiến dịch quảng bá xúc tiến nhằm kích cầu du lịch trong và sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát phục vụ du khách. Nhanh chóng số hóa, ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý nhà nước cũng như hoạt động kinh doanh du lịch; tuyên truyền, quảng bá và trong công tác chỉ đạo, điều hành của Sở Du lịch; tổ chức quảng bá thương hiệu du lịch “Vibrant Ho Chi Minh city” đến thị trường khách nội địa và khách quốc tế. Tăng cường xúc tiến du lịch trong nước và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế qua việc ứng dụng công nghệ dưới hình thức trực tuyến, qua việc tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch thường niên trên địa bàn Thành phố bảo đảm phù hợp với tình hình dịch bệnh với nguyên tắc an toàn cho khách du lịch. Đối với xúc tiến nước ngoài, kết hợp với các cơ quan/tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức các chương trình xúc tiến và tham dự các hội chợ du lịch quốc tế trực tuyến,...
Hương Anh (tổng hợp)