Xưa nay, nhiều người luôn quan niệm "đầu tư BĐS là nhanh giàu", đúng với nhiều người nhưng cũng không ít trường hợp "oái oăm" khi bỏ tiền vào BĐS. Thực tế, nếu đầu tư BĐS theo đám đông, theo cảm hứng thì chỉ "trót lọt" được vài lần, trong khi đây là lĩnh vực đầu tư theo các chuyên gia là phức tạp, cần nhiều kiến thức bên cạnh câu chuyện tài chính.
Tham gia thị trường BĐS từ năm 2016, anh N, hiện ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM chia sẻ: Có nhiều người phất lên từ đầu tư BĐS, nhưng đa số họ là những người đã có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường. Tuy vậy, có một thực tế, trong số họ nhiều người cũng "trầy trật" không kém, thậm chí bán nhà, phá sản, gia đình tan nát vì đầu tư BĐS. Rồi có thể họ vực dậy được sau này vì còn "duyên" với BĐS. "Những thương vụ đầu tư thành công đều được nói ra, nhưng thất bại rất ít ai kể, nên thành ra nhiều người luôn nghĩ cứ đầu tư BĐS là thắng, là giàu…Đầu tư BĐS đâu có dễ ăn như vậy", anh N giãi bày.
Bản thân anh N cũng "trầy lên trật xuống" dù đã có nhiều năm kinh nghiệm trong đầu tư BĐS. Tham gia thị trường từ năm 2016 nhưng nếu so sánh giữa thương vụ thành công và thất bại theo anh N cũng "ngang ngửa" nhau, có thời điểm anh cũng phải bán căn nhà đang ở để bù tiền vào thương vụ đầu tư BĐS thất bại, sau đó phải hơn 1 năm sau mới mua được lại mảnh đất và xây nhà cho gia đình.
Anh N kể, thời điểm đầu vào thị trường, do không có nguồn vốn dày trong tay nên anh N cùng nhóm bạn dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm tìm nguồn hàng cũng như khu vực đầu tư (chạy theo đám đông NĐT lúc bấy giờ). Còn nhớ cuối năm 2018, anh cùng nhóm bạn bỏ ra 4 tỉ đồng để mua mảnh đất nông nghiệp lớn ở tỉnh, mục đích phân lô bán nền nhằm kiếm lợi nhuận cao.
Thế nhưng, mảnh đất sau đó không thể tách thửa, phân lô, dù mất khá nhiều tiền để nhờ cậy. Cuối cùng vì áp lực tiền vay nhóm phải bán mảnh đất với giá 3 tỉ đồng. Dù lỗ 1 tỉ so với giá mua vào nhưng bán được mảnh đất theo anh N cũng là may mắn ở thời điểm đó. Sau này, anh có đầu tư thêm nhiều loại BĐS như đất thổ cư, đất vườn, đất nông – lâm nghiệp, chung cư, rồi có cả dạng homestay nhưng không phải bỏ tiền vào đâu thắng đó.
"Có không ít làn thua lỗ, nhưng khi đã đầu tư BĐS kiểu giống như đam mê, dứt ra không được, cứ đến đâu hay đến đó…", anh N bộc bạch.
Ảnh minh hoạ
Cũng theo một nhà đầu tư lâu năm hiện đang sống tại Q.7, Tp.HCM, đầu tư BĐS thực tế nhiều cái khác với lý thuyết hoặc lời khuyên. Có không ít nhà đầu tư có kinh nghiệm nhưng thua lỗ vẫn thua. Thậm chí, có nhà đầu tư có hơn 10 năm trong đầu tư đất nền nhưng mua đất vẫn dính quy hoạch, đất không ra được sổ. "Vì thế, đôi khi đầu tư BĐS còn gắn với chữ duyên, bên cạnh kiến thức uyên thâm. Nhiều người cứ nghĩ đầu tư BĐS là giàu, cứ bỏ tiền vào đất là thắng nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy", nhà đầu tư này chia sẻ.
Còn theo anh K, một NĐT kì cựu trên thị trường BĐS, nếu đầu tư BĐS am hiểu ở khu vực nào thì chỉ nên bỏ tiền vào khu vực đó, đừng tham lam. Có nhiều người khi có dòng tiền từ việc đầu tư nên phân bổ ra các khu vực khác theo anh em, bạn bè. Kết quả, đó chỉ là cuộc dạo chơi "mất tiền", quay đi quay lại không bằng khu vực thổ địa của mình. Rất nhiều người thậm chí "trắng tay" khi mở rộng phạm vi đầu tư.
Theo một chuyên gia trong ngành, BĐS thực tế là lĩnh vực phức tạp nên bên cạnh câu chuyện tài chính thì cần rất nhiều kiến thức. Đừng nghĩ cứ có tiền là đầu tư BĐS. Nhiều người quan niệm, có tiền là đầu tư BĐS được và cũng "chết chìm" trên quan điểm này.
Và một nguyên tắc quan trọng để giữ an toàn trong đầu tư khi sử dụng đòn bẩy tài chính là nên đầu tư vào BĐS có khả năng sinh lời, và dòng tiền đó tốt nhất là nên đủ khả năng trả lãi cho khoản vay khi đầu tư. Thực tế, khá nhiều NĐT đầu tư BĐS "tay không", tức họ gần như dùng 100% đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS. Và nếu rủi ro xảy ra, gần như họ phải bán tháo tài sản để trang trải khoản nợ.
https://cafef.vn/dau-tu-bat-dong-san-dau-co-de-an-vay-2022020812590436.chnTheo Hạ Vy
Nhịp Sống Kinh tế
Xem thêm: nhc.14061335180202202-yav-na-ed-oc-uad-nas-gnod-tab-ut-uad/nv.zibefac