vĐồng tin tức tài chính 365

Chính phủ khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay

2022-02-08 18:09

Nội dung này được đề cập trong Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, do Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành.

Chỉ thị nêu rõ, dự báo tình hình đại dịch Covid-19 thời gian tới còn diễn biến phức tạp, khó lường và biến động của tình hình quốc tế, khu vực; đất nước ta sẽ tiếp tục phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức trong khi nguồn lực còn hạn chế, sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp đã bị giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài hai năm qua. 

Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, quán triệt và quyết liệt, nhất quán thực hiện đa mục tiêu trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân

Theo đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Có các giải pháp kịp thời, phù hợp để duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. 

Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. 

Triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ; khẩn trương trình Chính phủ việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế...

Có giải pháp huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với tiến độ triển khai các nhiệm vụ của chương trình, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. 

Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện Tờ trình giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đợt 2 để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư năm 2022; rà soát phần vốn còn lại chưa giao chi tiết, báo cáo ngay cấp có thẩm quyền theo quy định.

Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động

Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết, hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, nhất là các khu vực đang vào đà phục hồi, khôi phục và phát triển. 

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án tuyển chọn, đào tạo nguồn để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khi các nước mở cửa trở lại; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cho học sinh, sinh viên trở lại học tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh. 

Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là năng lượng ngay từ đầu năm; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi chuỗi cung ứng, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới.

Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp… để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, gây bất ổn thị trường. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế bảo đảm nguồn cung ô xy y tế.

Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là vào các thị trường truyền thống, các thị trường đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, cập nhật, bảo đảm tiến độ thông quan hàng hóa qua biên giới, nhất là hàng nông sản...

Sớm công bố lộ trình mở cửa lại du lịch

Chỉ thị cũng nêu rõ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp cơ quan, địa phương kịp thời công bố lộ trình và triển khai thực hiện mở cửa lại du lịch, các ngành giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể thao gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan liên quan chỉ đạo, lên kế hoạch và triển khai kiểm tra các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học về việc đưa học sinh, sinh viên đi học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 phấn đấu trước ngày 14/2/2022; kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong việc dạy học trực tiếp để có biện pháp tháo gỡ theo thẩm quyền và đề xuất nếu vượt quá thẩm quyền.

Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn chỉnh, trình Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch 2022 - 2023; bảo đảm nguồn và phân phối kịp thời vaccine, thuốc điều trị Covid-19; tập trung triển khai việc mua, tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ được yêu cầu khẩn trương kết thúc các cuộc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch.../.

Xem thêm: lmth.45990000042210202-yav-ohc-taus-ial-maig-ed-ihp-ihc-maig-dtct-cac-hcihk-neyuhk/nv.semitaer

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Chính phủ khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools