Bị can Phan Thanh Hữu, một trong các "ông trùm" cầm đầu đường dây buôn bán 200 triệu lít xăng lậu - Ảnh: Công an cung cấp
Sau một năm điều tra, mới đây cơ quan CSĐT Công an Đồng Nai đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ cho Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 74 bị can về tội buôn lậu và nhận hối lộ.
Trong đó, Phan Thanh Hữu (65 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) và Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Đại Dương - Hải Phòng) được xác định là những "trùm" cầm đầu đường dây.
Tháng 9-2019, Hữu hoán đổi tiền góp vốn tại một doanh nghiệp để lấy 4 tàu thủy chuyên dụng (Nhật Minh 06, 07, 08, 09) với mục đích buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam.
Biết Viễn đang điều hành hoạt động mua bán, vận chuyển xăng dầu và có mối quan hệ với một số cá nhân lực lượng, Hữu liên hệ Viễn bàn bạc góp vốn buôn lậu xăng. Theo thỏa thuận, Hữu góp 40% vốn, Viễn cùng 3 người khác góp 60% vốn (tổng vốn 53,4 tỉ đồng) và ăn chia theo tỉ lệ 4-6.
Thông qua giới thiệu của Viễn, Hữu trực tiếp liên hệ với đại diện chủ hàng ở Singapore để mua xăng lậu. Còn Viễn điều động 2 tàu chuyên dụng Pacific Ocean (3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn) đậu tại vùng biển OPL (vùng biển tự do, giáp ranh Singapore, Malaysia, Indonesia). Khi có chỉ đạo từ Viễn, 2 tàu này sẽ di chuyển vào cảng Vopak (Singapore) lấy hàng rồi chở về vùng biển Việt Nam giao cho 3 tàu Nhật Minh 07, 08, 09 của Hữu.
Tàu Vân Trúc 3 dùng để vận chuyển xăng lậu của bị can Trần Thị Thanh Vân - Ảnh: Công an cung cấp
Sau khi nhận hàng, 3 tàu Nhật Minh vận chuyển xăng lậu về sông Hậu (đoạn thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) giao cho Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long) và Trần Thị Thanh Vân (giám đốc Công ty TNHH Vân Trúc) với giá thấp hơn giá xăng bán lẻ từ 3.000-4.000 đồng/ lít. Sau đó, xăng tiếp tục được phân phối cho các doanh nghiệp, đại lý khác bán ra thị trường.
Từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Hữu cùng đồng phạm đã nhập lậu hơn 198 triệu lít xăng với tổng giá trị gần 2.800 tỉ đồng. Trong đó, Hữu hưởng lợi 105 tỉ đồng.
Cũng bằng thủ đoạn trên, ngoài hợp tác với Hữu, Viễn còn góp vốn với 3 người khác mua 2 tàu Khánh Hòa 01, 03 lấy xăng từ tàu Pacific Ocean đưa về cảng Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) tiêu thụ.
Từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4-2021, Viễn cùng đồng phạm đã buôn lậu xăng 3 chuyến với trên 5,7 triệu lít xăng, trị giá trên 96 tỉ đồng. Từ đây, xăng lậu được đưa phân phối tiêu thụ ở Khánh Hòa và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Tính cả 2 giai đoạn, Viễn cùng các đồng phạm đã buôn lậu trên 204 triệu lít xăng, tổng giá trị gần 2.900 tỉ đồng. Trừ hết các chi phí, Viễn thu lợi từ hoạt động buôn lậu xăng tổng số tiền trên 45 tỉ đồng.
Hóa chất dùng để pha vào xăng lậu tạo màu - Ảnh: Công an cung cấp
Pha dung môi, bột tạo màu vào xăng lậu
Trong quá trình mua bán xăng lậu, do xăng nhập từ Singapore có màu trắng trong khi xăng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam có màu vàng nhạt. Để không bị phát hiện, Hữu tìm hiểu trên mạng và móc nối với một người tên Vinh (Q. Bình Tân, TP.HCM) mua chất bột màu vàng (10 triệu/ thùng 20kg) và dung môi hòa tan (3 triệu/ thùng 18 lít). Trong đó, 1kg bột màu pha trong 5 lít dung dịch trộn vào 100m3 xăng.
Hữu trực tiếp hoặc giao cho lái xe đưa chất bột và dung môi đến Sóc Trăng và Vĩnh Long giao cho các thuyền trưởng tàu Nhật Minh với mục đích pha vào xăng nhập lậu (xăng được nhập lậu sau 7 ngày chưa được tiêu thụ sẽ chuyển màu trắng).
Qua trưng cầu giám định mẫu xăng thu được, kết quả các mẫu vật giám định đều có chứa thành phần MTBE (Methyl Tert - Butyl Ether) hàm lượng trung bình 12,6%, vượt ngưỡng quy định của tiêu chuẩn Việt Nam. Chất này có khả năng làm giảm tuổi thọ động cơ và gây ô nhiễm môi trường.
TTO - Liên quan vụ pha chế, buôn bán gần 2,7 triệu lít xăng giả, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 74 bị can về tội buôn lậu và nhận hối lộ.
Xem thêm: mth.78113647180202202-oas-ar-aig-gnax-til-ueirt-7-2-ut-iol-aihc-yat-tab-murt-gno-cac/nv.ertiout