Những điều dưỡng cuối cùng của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vẫy chào trước khi rút quân - Ảnh: TỰ TRUNG
Họ là những điều dưỡng cuối cùng vừa kết thúc ca trực cuối cùng của Trung tâm Lam Sơn - trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (UCICC). Chiều nay 8-2, sau 191 ngày các y bác sĩ cùng bệnh nhân chiến đấu, UCICC chấm dứt hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ.
Bệnh nhân T.M.C. - vẫn đang thở nội khí quản - là bệnh nhân cuối cùng, được điều dưỡng Bích Phương đưa lên xe cấp cứu về Bệnh viện Đại học Y dược tiếp tục điều trị.
Điều dưỡng Thu Vân (bên trái) và Ngọc Bích chăm sóc bệnh nhân cuối cùng và rút ống thở máy chuyển sang bóp thở tay để chuyển viện - Ảnh: TỰ TRUNG
Từ 2-8-2021 đến 8-2-2022, 191 ngày, hơn một ngàn bệnh nhân đã được kéo ra khỏi bàn tay tử thần, được cười vui để trở về nhà từ đây.
UCICC đã trải qua hàng trăm ngày đêm giữa lằn ranh sinh tử - nhân viên y tế là những bóng trắng hối hả tới lui, bộ đồ bảo hộ ướt đẫm; tiếng monitor tít tít, tiếng máy thở, tiếng gọi oxy, cấp cứu gấp gáp trong bộ đàm.
Hy vọng - tuyệt vọng - rồi lại hy vọng nối theo nhau trong từng nhịp thở, trên từng sinh mệnh bệnh nhân.
Rồi Tết đến, các y bác sĩ trong kíp trực giao thừa đã có thể cùng nhau xắn tay nấu một bữa tiệc thịnh soạn, nóng sốt thay cho những hộp cơm nguội lạnh.
Rồi xuân sang, những bệnh nhân cuối cùng được hạ tầng, xuất viện.
Và chiều nay, bác sĩ Phan Văn Thuận, người trực ca cuối, thư thả ngồi đọc vài trang "Còn chút gì để nhớ" của Nguyễn Nhật Ánh, cuốn sách anh vừa tình cờ nhặt được trên một giường bệnh trống...
Bệnh nhân cuối cùng được các điều dưỡng bóp thở tay trên đường chuyển viện - Ảnh: TỰ TRUNG
"Những ngày ở đây sẽ là đoạn đời chúng tôi không bao giờ quên", bác sĩ Lê Minh Khôi, "chiến tướng" của Trung tâm Lam Sơn, cảm khái tâm sự.
TP.HCM đã trở lại thành vùng xanh, cuộc sống xã hội đã trở lại nhịp điệu bình thường, người làm ngành y vẫn âm thầm chuẩn bị cho ẩn họa đâu đó phía trước từ những con virus mới, những cơn dịch mới…
Điều không thể quên không chỉ là những mất mát - tổn thất, không chỉ là những nỗ lực - trưởng thành, không chỉ là tình đồng đội - tình yêu nghề, yêu người, mà còn là những kinh nghiệm - bài học sẽ còn phải ôn lại, nhắc lại, soi xét lại để những ngày tháng của tương lai sẽ sáng trong hơn.
Bác sĩ Phan Văn Thuận thư giãn đọc "Còn chút gì để nhớ" - cuốn sách của tác giả Nguyễn Nhật Ánh bên giường bệnh trống - Ảnh: TỰ TRUNG
Tình nguyện viên - kỹ thuật viên Trần Quốc Hưng dọn máy chụp X-quang - Ảnh: TỰ TRUNG
Các máy thở một thời cứu sống bệnh nhân COVID-19, giờ bị "thất nghiệp" - Ảnh: TỰ TRUNG
Điều dưỡng Minh Hiếu phơi nắng sát trùng hàng trăm bệnh án để đóng gói - Ảnh: TỰ TRUNG
Khu hồi sức tích cực Lâm Viên trống vắng - Ảnh: TỰ TRUNG
Bệnh nhân COVID-19 nặng cuối cùng được tháo bảng tên đầu giường - Ảnh: TỰ TRUNG
Phút nghỉ ngơi của các điều dưỡng - Ảnh: TỰ TRUNG
Những chiếc bơm tiêm điện được điều dưỡng Tuyết Phương sắp xếp vào kho - Ảnh: TỰ TRUNG
Điều dưỡng Bảo Châu thu gom thuốc chuyên dụng điều trị COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG
TTO - Trước thềm Tết Nguyên đán, nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 12 (TP.HCM) vẫn miệt mài làm việc, chăm sóc người nhập cảnh nhiễm COVID-19, trong đó có ca nhiễm Omicron. Tết này, họ phải xa gia đình vì ‘bệnh nhân cần chúng tôi’.