Được xây dựng và sở hữu bởi tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom, Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) là dự án cơ sở hạ tầng gây chia rẽ nhất châu Âu.
Cả Moscow lẫn Berlin đều nói rằng đây là dự án mang tính thương mại thuần túy và sẽ đảm bảo nguồn cung ứng khí tự nhiên cho Đức.
Tuy nhiên chính quyền Kiev, Washington và nhiều nước châu Âu khác cho rằng Nord Stream 2 sẽ cho phép Nga bỏ qua đường ống dẫn khí qua Ukraine, đồng thời tạo thêm đòn bẩy để Điện Kremlin sử dụng năng lượng làm vũ khí chống lại EU.
Với nguy cơ chiến tranh Nga-Ukraine nóng lên từng ngày, Nhà Trắng muốn Đức cam kết ngăn chặn đường ống này hoạt động để trừng phạt Moscow nếu cuộc tấn công thực sự diễn ra.
Trong buổi họp báo ngày 7/2, ông Biden nhấn mạnh: "Nếu Nga mang quân và xe tăng vượt qua biên giới Ukraine lần nữa, Nord Stream 2 sẽ biến mất. Chúng tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho đường ống dẫn khí đốt này".
Lý do Mỹ nhắm vào Nord Stream 2
Theo tờ Financial Times, hiếm có dự án nào tóm lược mối quan hệ phức tạp và sự phụ thuộc năng lượng của EU vào Nga hơn Nord Stream 2. Khi được hoạt động hoàn toàn, đường ống này sẽ chuyển 55 tỷ khối mét khí đốt sang Đức mỗi năm, tương đương khoảng 15% lượng khí đốt nhập khẩu hàng năm của EU .
Mỹ từ lâu đã phản đối đường ống dẫn khí trị giá 11 tỷ USD này. Cựu tổng thống Donald Trump trừng phạt những công ty tham gia vào quá trình xây dựng, tuyên bố châu Âu không thể nhờ Mỹ giúp đỡ răn đe Nga trong khi lại đang tài trợ cho Điện Kremlin thông qua việc nhập khẩu năng lượng.
Tổng thống Biden đã gỡ bỏ những lệnh trừng phạt đó vào tháng 5/2021, quyết định rằng duy trì mối quan hệ tốt với Berlin là việc quan trọng hơn.
Tuy nhiên tính toán trên của ông Biden đã đảo lộn khi Nga triển khai quân đến gần Ukraine. Nhà Trắng đang kêu gọi các nước châu Âu đồng lòng trong việc trừng phạt Moscow để buộc Tổng thống Putin suy nghĩ lại.
Nếu Mỹ có thể thuyết phục Đức cam kết hủy bỏ Nord Stream 2 thì đây sẽ là đòn giáng tới Gazprom và chiến lược xuất khẩu khí đốt của Điện Kremlin – làm giảm nguồn thu của Nga và thể hiện châu Âu có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng.
Động thái này cũng sẽ cho thấy sự đồng lòng của các nước phương Tây trong việc phản đối ý đồ động binh của Nga.
Suy tính của Nga và Đức
Lập trường của Mỹ chưa tạo ra được tác động mong muốn tại Đức. Ông Stefan Meister, chuyên gia về Nga và đông Âu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Đức cho biết: "Mỹ càng nói nhiều về trừng phạt hay chỉ trích dự án Nord Stream 2 thì nó càng được xã hội Đức ưa chuộng. Phần đông người Đức ủng hộ dự án, chỉ có vài bộ phận giới tinh hoa và truyền thông phản đối đường ống này".
Theo tờ Aljazeera, nhiều người cho rằng tình trạng thiếu hụt khí tự nhiên tại châu Âu là do suy giảm nguồn cung từ Nga. Giá năng lượng phi mã tác động nặng nề lên người lao động thu nhập thấp, bộ phận cử tri quan trọng đối với Đảng Dân chủ Xã hội Đức của Thủ tướng Olaf Scholz.
Ông Putin phản bác việc sử dụng năng lượng làm vũ khí đe dọa châu Âu, nhưng giữa cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực này thì tuyên bố rằng cách duy nhất để khắc phục là Đức phê chuẩn đường ống.
Nord Stream 2 đã được hoàn thành vào tháng 9 năm ngoái, nhưng cho đến nay chưa hề vận chuyển bất kỳ dòng khí đốt nào vì Berlin vẫn chưa phê duyệt dự án.
Đối với Nga, Nord Stream 2 quan trọng vì đường ống này loại bỏ rủi ro gắn với việc chuyển khí đốt qua các nước trung chuyển, cho phép Gazprom chuyển khí đốt trực tiếp đến khách hàng châu Âu quan trọng nhất của mình là Đức.
Đường ống này có thể cắt giảm 1 tỷ USD chi phí hoạt động thường niên của Gazprom, do phí vận chuyển qua Ukraine đặc biệt đắt đỏ.
Ông Ronald Smith, nhà phân tích dầu khí tại BCS Global Markets lý giải: "Đức đang chống cự áp lực từ Mỹ do nước này cực kỳ cần nguồn cung khí đốt đáng tin cậy từ Nga. Dù Mỹ là một trong những nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới, Mỹ không thể thay thế vai trò nhà cung cấp của Nga tại Đức".
Nhưng dù Nord Stream 2 thể hiện rạn nứt của các nước phương Tây, đường ống này cũng đồng thời trở thành biện pháp ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine và vừa là một lựa chọn trừng phạt Nga nếu trường hợp xấu xảy ra.
Xem thêm: mth.48492245180202202-ig-al-eniarku-gnoc-nat-agn-nac-nagn-ym-ed-tohc-uhc-iab-al/nv.zibmanteiv