Khương Lập Xuân sinh năm 1985 trong gia đình làm nông ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô. Tuy nhà không giàu có, Xuân vẫn được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ, dần hình thành tính khí bướng bỉnh, dễ cáu giận.
Năm 2006, Xuân đến Tô Châu tìm việc, gặp Trương Kim Phượng kém 3 tuổi tại một buổi tụ họp. Quen nhau không bao lâu, cả hai bắt đầu yêu và sống chung. Tháng 4/2007, Trương Kim Long, em trai của Phượng, cũng đến Tô Châu, vay chị gái và Xuân tổng cộng 3.000 NDT để mở cửa hàng. Mỗi tháng Long kiếm được hơn 1.000 NDT, nhưng cứ lần lữa không chịu trả tiền cho Xuân.
Đợi vài tháng không đòi được tiền, Xuân tức giận nghĩ cách trả thù. Là nhân viên bán bảo hiểm, Xuân nảy âm mưu hại chết Long để lấy tiền. Đầu tiên, anh ta dụ dỗ Long mua bảo hiểm tai nạn. Người thụ hưởng là Trương Toàn Trung, bố của Long. Nếu Long gặp bất trắc, ông Trung sẽ nhận được 550.000 NDT. Long không nghi ngờ gì. Sau đó, Xuân bí mật mở một thẻ ngân hàng mới bằng chứng minh thư của Long, trên hợp đồng bảo hiểm viết toàn bộ tiền bồi thường sẽ được chuyển vào thẻ ngân hàng này, số điện thoại di động trên đó cũng là của Xuân.
Vốn học sửa chữa điện gia dụng ở trường nghề, Xuân tìm hiểu rồi lén điều chỉnh đường dây của nồi cơm điện, khiến Long bị điện giật chết vào tháng 9/2007. Anh ta đứng nhìn Long ngã ra đất hơn 10 phút không thấy động tĩnh gì nữa mới rời đi. Người nhà Long đều nghĩ đó là tai nạn, không ai nghi ngờ Xuân.
Tuy nhiên, khi trả tiền bồi thường, Xuân không thể lén ăn chặn hết vì công ty bảo hiểm yêu cầu ông Trung ký nhận. Xuân bèn lừa ông Trung rằng bên bảo hiểm chỉ đồng ý trả 50.000 NDT, anh ta phải nhờ vả quan hệ thì mới được nhận 550.000 NDT, sau đó đòi chia 200.000 NDT. Ông Trung đồng ý.
Năm 2008, nghĩ đến bố mẹ đã lớn tuổi, Phượng trở về quê nhà Từ Châu, Xuân cũng đi theo bạn gái. Bố mẹ Phượng thấy hai người gắn bó đã lâu nên giục cưới. Tháng 4/2009, họ kết hôn và thuê nhà chung sống.
Sau khi tiêu xài hoang phí hết số tiền bảo hiểm từ cái chết của Long, Xuân bắt đầu nhắm đến người thân cận nhất bên mình. Ngày 6/5/2009, Xuân đưa vợ mới cưới đến công ty bảo hiểm để mua bảo hiểm tai nạn cá nhân với mức bồi thường 300.000 NDT. Để vợ yên tâm, anh ta cũng tự mua cho mình. Tuy nhiên, Xuân chỉ đồng ý điền tên đối phương vào mục người thụ hưởng. Như vậy, nếu vợ xảy ra bất trắc, anh ta sẽ được hưởng tiền bảo hiểm và ngược lại.
Sau khi mua bảo hiểm, tai nạn bắt đầu ập đến với Phượng.
Tối 4/6/2009, Xuân lái xe van chở vợ đang mang thai, cố ý đâm vào máy gặt cỡ lớn phía trước khiến vợ bị hất văng ra ngoài. Khi các nhân viên thẩm định kiểm tra chiếc xe gặp nạn, họ phát hiện ghế phụ của Phượng bị biến dạng hoàn toàn, còn ghế của Xuân gần như nguyên vẹn, đèn pha phía bên Phượng cũng bị hư hỏng nặng, còn bên Xuân không hề hấn gì.
Phượng sống sót nhưng bị sảy thai. Xuân nói dối mình bị thương ở chân nên bị liệt, tạm thời chỉ có thể nằm trên giường.
Khi cùng mẹ đến bệnh viện làm phẫu thuật nạo thai, Phượng nhờ em họ của Xuân đến chăm sóc anh ta vài ngày. Chính trong thời gian này, Xuân lập mưu giết vợ lần thứ hai.
Anh ta nhờ em họ làm một chiếc giá đốt nhang muỗi đơn giản, rồi đóng chiếc đinh dài 10 cm vào giá. Xuân định tạo hiện trường giả rằng vợ trượt chân ngã lên giá đốt nhang muỗi, bị đinh xuyên vào hộp sọ tử vong.
Chiều 14/6/2009, Phượng mệt mỏi trở về từ bệnh viện, Xuân lấy ít thuốc ngủ trộn với thuốc chống viêm cho vợ uống. Sau khi Phượng ngủ say, Xuân dùng búa và đinh sắt gây án, rồi lấy vỏ dưa hấu đã chuẩn bị trước chà xát vào đế giày của vợ, giả vờ như cô vô tình giẫm phải vỏ dưa hấu nên trượt ngã.
Thấy vợ nằm im, Xuân gọi cấp cứu và báo tin cho bố mẹ vợ.
Ở bệnh viện, bác sĩ chụp X-quang đầu nạn nhân, phát hiện chiếc đinh dài 10 cm. Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 tiếng, bác sĩ cứu sống Phượng, nhưng do não bị tổn thương nghiêm trọng, cô mất khả năng ngôn ngữ và bị liệt nửa người.
Tuy nhiên, bác sĩ nói với bố mẹ Phượng rằng đây không phải là tai nạn. Bởi hộp sọ là bộ phận cứng nhất trên cơ thể con người, đinh sẽ không thể đâm thẳng vào sâu trong hộp sọ chỉ với tác dụng của lực ngã. Hơn nữa, nếu một người bị ngã sẽ vô thức dùng cánh tay để chống đỡ, tránh bị đập đầu. Có hai lỗ đinh trên đầu nạn nhân, một sâu một nông, các lỗ có cùng kích thước, cho thấy lần thứ nhất thủ phạm không đâm vào được nên đã gây án lần thứ hai.
Khi cảnh sát đến nhà, Xuân nằm trên giường, nói vừa bị tai nạn liệt chân, có giấy chứng nhận. Anh ta nói giật mình tỉnh dậy khi nghe thấy tiếng động lớn và phát hiện vợ nằm trên sàn.
Em họ của Xuân, đang ở cùng nhà, có bằng chứng ngoại phạm. Khi sự việc xảy ra, cô đang ở quán Internet, hình ảnh trong camera tại quán chứng thực điều này.
Cảnh sát bắt đầu nghi ngờ Xuân sau khi bố mẹ Phượng cho biết nạn nhân đã mua bảo hiểm tai nạn. Nhân viên bán bảo hiểm sau đó tiết lộ Xuân đòi mua bảo hiểm cho hai vợ chồng với tên người thụ hưởng là đối phương. Khi cảnh sát đến tìm Xuân lần nữa, anh ta đã biến mất với lý do lên Bắc Kinh khám bệnh.
Tuy nhiên, cảnh sát điều tra được Xuân về quê ở Liên Vân Cảng. Khi tìm đến nơi, họ phát hiện anh ta rời khỏi một quán Internet cách đây 5 phút. Điều kỳ lạ là Xuân ngồi máy trên tầng hai, chân anh ta bị liệt thì sao có thể lên đó? Kiểm tra camera giám sát tại quán, cảnh sát bất ngờ thấy chân của Xuân hoàn toàn bình thường, chạy lên chạy xuống rất nhanh nhẹn.
Khi bị cảnh sát bắt ngày 14/7/2009, Xuân vẫn đang giả vờ ngồi xe lăn, khăng khăng bị liệt và vợ gặp tai nạn. Đến khi cảnh sát cho xem camera giám sát, anh ta mới không tiếp tục diễn kịch.
Cảnh sát liên kết vụ tai nạn xe, vụ đóng đinh vào đầu Phượng với hợp đồng bảo hiểm Xuân mua cho vợ trước đây, cả cái chết của Long và 200.000 NDT tiền bồi thường Xuân nhận được. Anh ta không thể biện minh được gì.
Sau một thời gian điều trị, Phượng đã có thể nói chuyện. Cô kể mình tỉnh giấc vì đau đớn khi bị chồng cắm đinh vào đầu. Đây chính là lý do đầu Phượng có một lỗ đinh nông khác. Sau đó cô bị hắn dùng búa đóng đinh rồi ngất đi.
Tháng 6/2010, Khương Lập Xuân bị tuyên án tử hình vì tội Cố ý giết người.
Tuệ Anh (Theo Toutiao, Chinanews)
Xem thêm: lmth.7974244-tat-nat-ov-aig-gnohc-ag-auc-ca-cod-hcaoh-ek/ten.sserpxenv