vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ 2 bị cáo im lặng tại tòa: 'Mong tòa công tâm, khách quan'

2022-02-09 07:17

Ngày 14-2, TAND tỉnh Sóc Trăng sẽ tuyên án sơ thẩm lần ba vụ Phạm Thị Mai và Võ Thanh Tùng (cùng ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bị buộc tội khi tháo dỡ tài sản đã mua mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh.

Trước đó tại tòa (ngày 7-2), đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị tòa phạt bị cáo Mai 7-9 năm tù, bị cáo Tùng 1-2 năm tù, cùng về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Phiên tòa sơ thẩm lần ba diễn ra vô cùng đặc biệt khi cả hai bị cáo đều sử dụng quyền im lặng trước tòa và tiếp tục kêu oan, vì “tất cả nội dung đã được các bị cáo trình bày trong các phiên tòa phúc thẩm lần một và lần hai rồi”.

Từ chủ nợ thành bị cáo

Theo hồ sơ, năm 2009, giữa bà Mai, ông Nguyễn Văn Liền với hai người Huỳnh Dù Táng, Khưu Trí Thức (chủ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Vạn Hưng, trụ sở tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có hợp đồng mua bán cá nguyên liệu. Phía DNTN Vạn Hưng còn nợ bà Mai hơn 1,6 tỉ đồng.

Vụ 2 bị cáo im lặng tại tòa: 'Mong tòa công tâm, khách quan' - ảnh 1
Hai bị cáo Phạm Thị Mai và Võ Thanh Tùng tại tòa ngày 7-2. Ảnh: HD

Hai bên thỏa thuận bà Mai sẽ chuyển phần tiền mua cá còn nợ thành tiền đặt cọc để mua nhà máy đông lạnh và tất cả máy móc, thiết bị của DNTN Vạn Hưng với giá 5,5 tỉ đồng. Đồng thời, hai bên giao kết đến ngày 18-2-2011, Thức và Táng không tự bán được nhà máy với giá cao hơn thì phải sang nhượng, bàn giao nhà máy và thiết bị cho bà Mai.

Đến thời hạn cam kết, Thức và Táng không thực hiện hợp đồng mua bán tài sản theo thỏa thuận. Do đó, từ ngày 22 đến 28-2-2011, bà Mai thuê người tháo dỡ một tủ đông lạnh, tủ gió đông lạnh, tủ máy thổi đông lạnh với tổng giá trị hơn 1,4 tỉ đồng.

Thấy bà Mai lấy tài sản được nên ông Tùng cũng cho người đến lấy tài sản trị giá gần 400 triệu đồng của DNTN Vạn Hưng còn nợ.

Đến ngày 21-7-2011, bà Mai bị Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản. Ông Tùng cũng bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản. Sau đó, ngày 9-2-2012, bà Mai bị bắt tạm giam, đến ngày 22-3-2013 thì bà được tại ngoại.

Đang giải quyết bồi thường oan thì phục hồi điều tra

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22-3-2013, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên phạt bà Mai bảy năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản và sáu tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Bà Mai kháng cáo kêu oan.

Xử phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Sau khi điều tra lại, VKSND tỉnh Sóc Trăng chỉ truy tố bà Mai tội cưỡng đoạt tài sản.

Xử sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Sóc Trăng vẫn tuyên phạt bà Mai bảy năm tù, ông Tùng một năm tù. Bà Mai tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Xử phúc thẩm lần hai vào tháng 8-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục hủy án do nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Trong đó, tòa có nhận định: Qua nhiều phiên tòa, bà Mai đều kêu oan. Theo hồ sơ vụ án, Thức có thực hiện hợp đồng bán DN cho bà Mai có chính quyền xác nhận. Tuy nhiên, hợp đồng không thực hiện được do Thức vi phạm, không bàn giao nhà máy như ký kết.

Hơn ba năm điều tra lại nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội nên ngày 24-3-2020, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Mai, ông Tùng. Đầu tháng 7-2021, TAND tỉnh Sóc Trăng đã quyết định cử người giải quyết việc bồi thường oan đối với hai người này.

Tuy nhiên, sau hơn bốn tháng đình chỉ bị can, Công an tỉnh Sóc Trăng bất ngờ phục hồi điều tra và thay đổi tội danh từ cưỡng đoạt tài sản sang tội công nhiên chiếm đoạt tài sản đối với bà Mai và ông Tùng. Kế đó, VKS truy tố và TAND tỉnh Sóc Trăng đưa ra xét xử như đã đề cập.

Nguy cơ làm oan lần hai

Luật sư Nguyễn Trường Thành (bào chữa cho hai bị cáo) cho rằng Cơ quan CSĐT và VKSND tỉnh Sóc Trăng khi phục hồi điều tra, thay đổi tội danh, phê chuẩn đã thực hiện không đúng quy định của BLTTHS.

Cụ thể, quyết định đình chỉ điều tra bị can thể hiện lý do đình chỉ là đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm, căn cứ Điều 230 BLTTHS 2015. Trong khi đó, quyết định phục hồi điều tra bị can không căn cứ Điều 230 mà căn cứ Điều 235 chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là sự nhập nhằng, mâu thuẫn và trái pháp luật.

Hơn nữa, đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì cũng chưa bị khởi tố trong suốt quá trình tố tụng, việc thay đổi tội danh khi hết thời hạn điều tra là trái quy định tại Điều 230 BLTTHS.

“Đó là chưa nói, trước đó Cơ quan CSĐT và VKS đã kết luận bà Mai, ông Tùng không phạm tội cưỡng đoạt tài sản nên đương nhiên cũng không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Bởi vì hai tội danh này có một điểm chung là cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được bà Mai, ông Tùng chiếm đoạt tài sản, mà việc này thì đã từng được xác định là không chứng minh được trong tội danh cưỡng đoạt tài sản” - luật sư Thành nói.

Mặt khác, theo luật sư Thành, việc chuyển nhượng tài sản giữa bà Mai với DNTN Vạn Hưng được UBND có thẩm quyền chứng thực là hợp pháp, nên không thể quy kết bà Mai công nhiên chiếm đoạt tài sản của chính mình.

Từ đó cho thấy việc phục hồi điều tra, thay đổi khởi tố bị can với bà Mai và ông Tùng để tiến hành điều tra tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và tiếp tục làm oan cho họ.

Tôi mong có bản án công tâm

Tôi rất uất ức khi cơ quan điều tra phục hồi điều tra, thay đổi tội danh này trong khi tòa đang làm thủ tục bồi thường oan cho tôi. Thật sự tôi không biết phải làm gì, chỉ biết kêu oan. Tôi mong rằng tòa sẽ có bản án công tâm, khách quan, trả lại sự trong sạch cho tôi trong hơn 10 năm qua.

Bị cáo PHẠM THỊ MAI 

Xem thêm: lmth.0542401-nauq-hcahk-mat-gnoc-aot-gnom-aot-iat-gnal-mi-oac-ib-2-uv/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ 2 bị cáo im lặng tại tòa: 'Mong tòa công tâm, khách quan'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools