Vào năm 2013, bộ phim "X-men Origins: Wolverine" được công chiếu mở đầu với cảnh nhân vật chính Logan- Wolverine (Người sói) bị giam giữ tại trại tù binh Nhật Bản ở thành phố Nagasaki và không may trúng bom nguyên tử của Mỹ. Nhờ khả năng đặc biệt của mình mà anh vẫn sống sót cho đến tận ngày nay.
Trên thực tế, Nhật Bản cũng có một "Wolverine" đời thực như vậy, thậm chí sống sót đến 2 lần sau 2 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Tên người đàn ông đó là Tsutomu Yamaguchi, một kỹ sư hàng hải bất hạnh trực tiếp "dính" cả 2 vụ bom nguyên tử ở 2 thành phố trên dù chúng cách xa nhau đến 420km.
Chấn động đầu đời
Sinh năm 1916 tại Nagasaki, ông Yamaguchi lớn lên trở thành một kỹ sư hàng hàng và làm việc tại tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi ở vị trí đóng tàu. Vào ngày 6/8/1945, ông Yamaguchi lúc đó được cử đi công tác tại Hiroshima và đang tới bến tàu để chia tay đồng nghiệp về nhà với vợ con sau 3 tháng xa gia đình.
Ông Yamaguchi thời trẻ
Suốt mùa hè trước đó, Yamaguchi và các đồng nghiệp đã làm việc miệt mài để thiết kế tàu chở dầu và đó là ngày cuối cùng anh phải ở lại Hiroshima. Trớ trêu thay đó cũng là ngày mà Mỹ thả quả bom nguyên tử mang tên "Little Boy" xuống thành phố này.
"Ngày hôm ấy là một ngày rất đẹp, trong xanh, chẳng có điều gì bất thường cả. Tôi lúc ấy đang trong tâm trạng vô cùng tốt. Nhưng khi đang đi bộ, tôi chợt nghe thấy tiếng động cơ máy bay, sau đó tôi nhìn lên bầu trời. Đó là một chiếc B-29, nó thả hai chiếc dù xuống, tôi vẫn đứng đấy ngó lên trời. Bất chợt, một quầng sáng lóe lên trên bầu trời và tôi bị thổi bay ngay lập tức.", trích hồi tưởng của ông Yamaguchi năm 2005.
Theo những dữ liệu lịch sử, quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima đã ngay lập tức giết chết 90.000 người và phá hủy 90% thành phố này. Liên tục sau đó là khoảng 50.000 người nữa chết vì bỏng hay nhiễm phóng xạ tính đến cuối năm 1945. Hàng năm vẫn có hàng trăm người chết vì những bệnh phóng xạ do ảnh hưởng từ vụ thả bom này.
Bản thân ông Yamaguchi chỉ có đủ thời gian để đầm mình xuống một mương nước trước khi sóng xung kích tràn đến. Dư chấn của vụ nổ đã hút Yamaguchi khỏi mặt đất, cuốn lên không trung và hất ra một bãi khoai tây 50m gần đó.
Xác nhận cho thấy ông Yamaguchi chỉ cách tâm điểm vụ nổ có 3km và tỉnh dậy trong tình trạng bỏng nặng, tóc tai cháy hết và bị điếc tạm thời do tiếng nổ quá lớn.
"Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi nghĩ mình đã ngất đi một lúc. Khi mở mắt ra, mọi thứ đều tối đen, tôi không thể nhìn thấy mấy. Giống như khoảnh khắc bắt đầu chiếu phim ở rạp, trước khi phim bắt đầu, chỉ có những khung hình nhấp nháy mà không có bất cứ âm thanh nào".
Ông Yamaguchi đã phải đi lang thang trong bóng tối hướng về phía xưởng đóng tàu Mitsubishi và gặp được 2 người đồng nghiệp Ankira Iwanaga và Kuniyoshi Sato. Khói bụi của vụ nổ che lấp hoàn toàn mặt trời khiến cả vùng tối đen như mùa đông u ám. Họ ngủ lại 1 đêm trong hầm trú ẩn vì sợ Mỹ sẽ tiếp tục ném bom. Người chết nằm lẫn lộn với người sống, cùng với đó là tiếng rên la thảm thiết của những người bị thương nặng. Sáng hôm sau cả 3 tiếp tục đi bộ đến khu ga tàu hỏa vì nghe nói nó vẫn còn hoạt động.
Chặng đường này được Yamaguchi miêu tả là ác mộng khi chứng kiến hàng loạt những thảm hoạ. Khắp nơi là cảnh tượng đổ nát, những đám cháy chưa dập tắt, thi thể tràn lan. Nhiều cây cầu tại Hiroshima đã biến thành đống sắt vụn và Yamaguchi đã phải bơi qua một ngã ba sông đầy xác chết. Khi đến được khu nhà ga, ông ngồi chết lặng trên chuyến tàu chở đầy hành khách bị bỏng, hoảng loạn để về quê Nagasaki.
Quả bom thứ 2
Sáng ngày 8/8, Yamaguchi về đến Nagasaki và tập tễnh đến bệnh viện khám. Vị bác sĩ ở đó là một người bạn học cũ nhưng những vết bỏng đen xì trên tay và mặt khiến chả ai nhận ra Yamaguchi. Thậm chí khi trở về, gia đình và mẹ của anh còn tưởng nhầm vị kỹ sư hàng hải này là một bóng ma.
Dù kiệt sức nhưng Yamaguchi vẫn cố lết khỏi giường ngày 9/8 để đến báo cáo tại văn phòng công ty Mitsubishi tại Nagasaki. Thế nhưng vị giám đốc nghe báo cáo lại tưởng anh bị điên vì không tin rằng có loại bom nào đủ sức xóa xổ cả thành phố thời điểm đó.
Trong khi Yamaguchi đang cố gắng giải thích thì quả bom thứ 2 mang tên "Fat Man" do Mỹ ném xuống phát nổ cách đó 3km, khiến ông ngã nhào xuống đất còn cửa kính thì vỡ toang bắn tung tóe khắp phòng. Quả bom lần này mạnh hơn lần trước nhưng may mắn thay Yamaguchi cũng chỉ bị bung lớp băng vết thương và không bị gì đáng kể.
Bất chấp thương tích, Yamaguchi vội vàng chạy khỏi văn phòng đổ nát đi tìm vợ. May mắn thay, vợ con ông đang đi mua thuốc cho chồng và đã kịp trốn xuống đường hầm. Trong khi đó, khoảng 74.000 người đã thiệt mạng sau khi quả bom phát nổ tại Nagasaki và hầu như mọi người quanh khu nhà Yamaguchi sống đều đã thiệt mạng.
Dù không bị thương nặng nhưng do phơi nhiễm lượng lớn phóng xạ từ 2 vụ nổ, Yamaguchi rụng hết tóc còn các vết bỏng liên tục rỉ nước, kèm với đó là triệu chứng nôn mửa liên tục.
"Tôi không có cảm giác gì về điều đó. Tôi không thấy buồn cũng chẳng vui. Tôi bị ốm nặng vì sốt, hầu như không ăn uống gì. Tôi nghĩ rằng tôi sắp qua thế giới bên kia", ông Yamaguchi nhớ lại khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Tưởng chừng như không qua khỏi nhưng thật bất ngờ, Yamaguchi lại dần hồi phục và trở lại cuộc sống đời thường. Ông làm phiên dịch cho hải quân Mỹ rồi làm giáo viên, sau đó trở lại nghề kỹ sư cho Mitsubishi.
Trong suốt quãng đời "hậu hạt nhân" ông Yamaguchi, người đàn ông này sống với một bên tai điếc, mắc phải các căn bệnh do phóng xạ gây ra như đục thủy tinh thể, bạch cầu cấp tính, nhưng may mắn là ông vẫn duy trì được sức khỏe ổn định gần như suốt cuộc đời.
Bất chấp điều đó, ông và vợ vẫn có thêm 2 người con gái vào thập niên 1950.
Vẫn sinh con, thọ 93 tuổi
Sau khi chịu nhiều đau khổ, Yamaguchi bắt đầu viết hồi ký cũng như có phát ngôn công khai chống vũ khí hạt nhân. Thậm chí vào năm 2006, ông được mời đến New York để phát biểu về giải trừ hạt nhân trước Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù có 165 người đã trải qua cả 2 cuộc thả bom của Mỹ nhưng Yamaguchi là người đàn ông duy nhất được chính phủ Nhật Bản chính thức công nhận là một "Nijyuu Hibakusha" (Người 2 lần trúng bom) nhờ vẫn sống tốt trong thời gian dài, đồng thời liên tục cố gắng đóng góp cho đất nước.
Ban đầu, Yamaguchi không muốn thu hút sự chú ý nhưng sau khi nhận ra trách nhiệm phải lên tiếng chống vũ khí hạt nhân, ông đã đăng ký và được chính phủ ghi nhận danh hiệu này vào năm 2009, tức chỉ 3 năm trước khi qua đời ở tuổi 93.
Sau khi mất vì ung thư dạ dày, vợ của ông cũng mất 5 năm sau vì ung thư thận. Hai người con đầu cũng mắc các bệnh liên quan đến phóng xạ và qua đời. Chỉ có người con gái út sinh năm 1948 là thoát khỏi.
http://tintuc.vdong.vn/02/1219397.htmHuyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị