Học sinh lớp 1 luôn bỡ ngỡ, nhiều em gặp khó khăn trong những ngày đầu đến trường nên rất cần sự hỗ trợ, khích lệ của cha mẹ, thầy cô. Trong ảnh: học sinh lớp 1 của một trường ở TP.HCM trong ngày đầu tiên đến trường năm học 2020-2021 - Ảnh: H.HG.
Câu chuyện trên không chỉ của riêng chị N.T.H.Ng., phụ huynh có con đang học lớp 3 ở quận 7, TP.HCM, mà cũng là nỗi niềm chung của nhiều cha mẹ có con học tiểu học, mầm non ở TP.HCM. Con em họ đã có nhiều tháng ròng rã học trực tuyến, quen với nếp ở nhà, tự do, ít chịu sự kiểm soát và chi phối của thầy cô, nhà trường.
Ở nhà sướng hơn?
Chị Ánh Mai, phụ huynh có con học lớp 2 ở quận Bình Thạnh, cho biết: "Trước đây, ngày nào con cũng hỏi: bao giờ thì con được đến trường? Con không muốn học online nữa đâu, chán lắm! Vậy mà bây giờ nói đến chuyện đi học lại thì cháu khăng khăng là không đi. Hỏi lý do thì cháu giải thích là học ở nhà sướng hơn, không bị cô giáo giám sát".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cô Trần Bé Hồng Hạnh, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1, chia sẻ: "Mấy đứa cháu của tôi cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Các cháu khóc lóc rồi cự ba mẹ mình tại sao lại cho con đi học, con muốn ở nhà học trực tuyến hơn.
Đây là hệ quả của việc trẻ phải ở trong nhà và học trực tuyến quá lâu. Đã hơn 9 tháng học sinh tiểu học không được đến trường nên mọi thói quen, nề nếp đã thay đổi. Trẻ học ở nhà thì có thể ngủ trễ và dậy muộn, việc học trực tuyến cũng thoải mái hơn, không bị gò vào khuôn khổ như học trực tiếp".
Ngoài ra, còn vô vàn lý do khác để trẻ thấy khó khăn khi trở lại trường. "Tôi gặng hỏi con một hồi thì con tôi thú nhận thích học với máy tính hơn vì bé được xem phim, chơi game thoải mái, rất là vui. Còn đi học trực tiếp thì bé không được chơi với máy tính.
Thì ra mấy tháng nay khi vợ chồng tôi đi làm, hai bạn nhỏ ở nhà học hành theo kiểu được chăng hay chớ, bé mở máy tính học hay chơi game thì bác giúp việc cũng không biết" - chị Ngân, một phụ huynh ở quận 3, kể.
Những "chiêu" dụ trẻ đi học
Theo cô Lâm Hồng Lãm Thúy, trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh đã ở nhà học trực tuyến quá lâu, bây giờ khi đi học lại thì giáo viên cần phối hợp với phụ huynh để chuẩn bị tâm thế cho trẻ.
"Trước hết chúng ta cần nói chuyện với trẻ về hoạt động của trường tiểu học, những lợi ích, những niềm vui khi đi học trực tiếp... Sau đó, cần từng bước trang bị cho trẻ kiến thức và kỹ năng phòng chống dịch bệnh. Tôi được biết một số phụ huynh khi nói chuyện với con em về COVID-19 đã dọa nạt trẻ, làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn khiến học sinh sợ hãi, lo lắng và không muốn đến trường" - cô Thúy nói.
Chia sẻ về những "chiêu" dụ học sinh đi học lại, cô Nguyễn Phạm Ngọc Hà, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, quận 5, cho hay: "Trong những giờ học trực tuyến, tôi thường nhắc đến việc các em sẽ đến trường học trực tiếp kèm theo lời hứa bạn nào đi học sẽ được cô lì xì. Dĩ nhiên giá trị của những bao lì xì chỉ mang tính tượng trưng, tạo cho học sinh cảm giác vui vẻ, gần gũi là chính.
Vậy là khi tôi hỏi bạn nào đi học thì bấm vào biểu tượng giơ tay và hầu hết các em đều giơ tay. Tại cuộc họp phụ huynh mới đây, tôi cũng đề nghị phụ huynh chuẩn bị cho con đi học lại, hướng dẫn con cách đeo khẩu trang, cách rửa tay đúng cách đồng thời chuẩn bị cho con một bình nước cá nhân, chai xịt khuẩn...
Tôi nhờ phụ huynh nhắc thêm các con là mùa dịch không uống, không ăn chung với bạn; đồ dùng cá nhân cũng không dùng chung, thường xuyên rửa tay... Những vấn đề này tôi cũng sẽ dặn dò học sinh của mình, tạo cho các em thói quen đúng đắn khi đi học trong mùa dịch".
Nói về việc trẻ không muốn đi học, cô Trần Bé Hồng Hạnh cũng thừa nhận: "Những ngày đầu mở cửa trường tiểu học, sẽ khó tránh khỏi cảnh học sinh khóc lóc, mè nheo. Nhất là học sinh lớp 1, các em đã quen với môi trường mầm non, sau nhiều tháng ở nhà thì giờ đi đến một ngôi trường mới, bạn bè mới...
Thế nên, trong buổi tập huấn giáo viên Trường Nguyễn Thái Học để chuẩn bị đón học sinh, tôi nhấn mạnh tuần đầu tiên là tuần dụ dỗ trẻ đến trường nên nhà trường phải luôn tạo niềm vui và sự thoải mái cho học sinh. Trường sẽ làm cổng chào bong bóng, các lớp cũng sẽ trang trí thật bắt mắt và rực rỡ để đón học sinh trở lại trường.
Mọi năm, sẽ có chương trình sinh hoạt tập thể dưới sân trường, học sinh sẽ được xem xiếc, biểu diễn văn nghệ, chơi với các chú rối... thì năm nay các em sẽ lên lớp sinh hoạt đầu năm với giáo viên chủ nhiệm. Các em đi học đã là điều đáng khen nên các lớp sẽ tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, vui tươi. Với những học sinh bị hổng kiến thức thì giáo viên cũng đừng nóng giận, nặng lời mà nhẹ nhàng giải thích cho các em nắm được bài".
Nhiều hoạt động cho học sinh lớp 1
Thời điểm này các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đều đã lên kế hoạch đón học sinh trở lại trường. Nhiều trường đã trang trí rất đẹp và bắt mắt, chuẩn bị quà tặng cho học sinh nhằm tạo niềm vui khi các em đến trường.
Riêng với học sinh lớp 1 thì để tạo sự thân thiện, nhiều trường đã bố trí một buổi riêng trước ngày 14-2 để đón học sinh lớp 1 đến trường làm quen với thầy cô, bạn bè, trường lớp. Trong ngày này, phụ huynh sẽ được vào trường cùng với con mình, đồng hành với con trong mọi hoạt động để tránh cho trẻ bỡ ngỡ, lo lắng khi vào ngôi trường mới.
Cô Lâm Hồng Lãm Thúy (trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)
Cần cha mẹ vào cuộc
Cô Trần Bé Hồng Hạnh đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của cha mẹ trong việc đưa con trở lại trường. "Giáo viên trường chúng tôi sẽ chuyển cho phụ huynh những nội dung cần thiết để họ nói chuyện với trẻ. Đó là những tác hại khi ở nhà học trực tuyến, những niềm vui khi đến trường.
Ngoài ra, những ngày này các bậc cha mẹ cũng cần bắt nhịp cho con em bằng cách rèn cho các em đi ngủ sớm và sáng dậy sớm, để đến ngày đi học chính thức không phải vất vả gọi con dậy" - cô Hạnh chia sẻ.
TTO - Theo tin từ Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, đến thời điểm này đã có hơn 80% phụ huynh đăng ký cho học sinh tiểu học (lớp 1, 2, 3, 4, 5) đi học lại từ ngày 14-2.
Xem thêm: mth.31092938090202202-oas-mal-iahp-hnit-yam-iov-coh-ahn-o-noum-noc/nv.ertiout