Đồ họa: TẤN ĐẠT
Đó là phát biểu của bà Rosemary A. DiCarlo, người Mỹ, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề chính trị và kiến tạo hòa bình (DPPA), tại phiên họp công khai của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 31-1 thảo luận cuộc khủng hoảng Ukraine, nơi các đại diện Mỹ và Nga công kích nhau kịch liệt.
Hoạt động ngoại giao diễn ra dồn dập. Không chỉ điện đàm, họp trực tuyến mà còn rất nhiều chuyến công du con thoi của tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của một loạt quốc gia. Những chặng dừng chân quan trọng nhất là Washington, Brussels, Matxcơva, Kiev... Hầu như ở đâu cũng nhấn mạnh giải pháp chính trị, song tình hình vẫn rất nóng, bởi các động thái điều quân, vận chuyển vũ khí tới những khu vực nhạy cảm đối đầu nhau không ngừng nghỉ.
Cùng với đó, truyền thông đôi khi "bật mí" các kịch bản xung đột càng đổ thêm dầu vào lửa.
Sẽ là sai lầm nếu cho rằng những hoạt động ngoại giao và quân sự đề cập ở trên đều xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thực tế Mỹ và các nước đồng minh đã đẩy "vấn đề Ukraine" thành tâm điểm quan hệ với Nga. Trong khi Nga cho rằng là những nước lớn có ảnh hưởng, Nga và Mỹ có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bảo đảm an ninh, ổn định ở châu Âu.
Việc Nga triển khai quân tại các khu vực giáp biên giới Ukraine, huy động lực lượng Quân khu miền Đông tới Belarus tham gia cuộc tập trận phối hợp giữa Nga và Belarus mang tên "Quyết tâm của liên minh - 2022" từ ngày 10 đến 20-2 là có thật. Nhưng Nga đã minh bạch trong chuyện này.
Ngày 18-11-2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng "phải căng ở mức độ nào đó" trước những động thái tăng cường sức mạnh quân sự của khối NATO trên lãnh thổ các nước thành viên gần biên giới phía tây của Nga. Ông Putin nhấn mạnh Nga đòi Mỹ và NATO cam kết bảo đảm an ninh của Nga bằng những điều ước quốc tế. Ba đòi hỏi cốt lõi của Nga là NATO không mở rộng sang phía đông, bao gồm không kết nạp Ukraine; không triển khai vũ khí tấn công tại các nước láng giềng Nga; rút lực lượng và hạ tầng quân sự NATO ra khỏi những nước thành viên được kết nạp sau năm 1997 - thời điểm Nga và NATO ký văn kiện khung xác lập nguyên tắc quan hệ hai bên.
Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra dự thảo Hiệp ước Nga - Mỹ và Hiệp định Nga - NATO về các biện pháp bảo đảm an ninh. Giữa Nga và phương Tây đã tiến hành ba cuộc đối thoại tại Geneva, Brussels và Vienna. Nhưng đối thoại không mang lại kết quả, Mỹ và NATO không nhượng bộ Nga.
Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố: Những đòi hỏi an ninh của Nga là chính đáng, nếu phương Tây không đáp ứng, Nga buộc phải thực hiện các biện pháp quân sự và kỹ thuật - quân sự.
Đối thoại giữa Nga và Mỹ, phương Tây sẽ tiếp tục, điều đó đã được hai bên khẳng định. Nhưng nhiều khả năng đối thoại sẽ kéo dài, chủ đề phía Nga mong muốn sẽ bị phương Tây làm "loãng" bằng cách hướng vào những vấn đề mà Nga cho là không trọng tâm, thứ yếu.
Và trong khi đối thoại Nga - phương Tây diễn biến thì Ukraine vẫn là một "bộ hồ sơ" phức tạp trong mối quan hệ căng thẳng, nhiều lúc lâm vào khủng hoảng, giữa Nga và Mỹ, NATO.
Khủng hoảng Ukraine - Nga: chưa có lối thoát ngoại giao
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung tại Matxcơva khuya 7-2, giờ địa phương - Ảnh: Reuters
Cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Nga Putin không nhiều đột phá trong khi các bên tiếp tục đưa ra cảnh báo và chỉ trích.
Ngày 8-2, ông Macron nói đã đạt được mục tiêu ngăn chặn leo thang căng thẳng, theo Đài BFM TV. Trước đó, một quan chức Pháp nói với Reuters là ông Putin đã đồng ý ngừng các hoạt động quân sự ở khu vực biên giới với Ukraine, hứa sẽ rút quân ở Belarus sau khi diễn tập xong và sẵn sàng đối thoại. Đây cũng là những đề xuất ông Macron đem đến Matxcơva.
Về phía Nga, Matxcơva chỉ nói sẽ cân nhắc một số đề nghị và ý tưởng của ông Macron. Ông Putin tiếp tục nhấn mạnh NATO và Mỹ đã phớt lờ lo ngại của Nga và nguy cơ Matxcơva bị kéo vào xung đột với phương Tây nếu NATO kết nạp Ukraine. "Liệu Pháp có muốn chiến tranh với Nga?", ông đặt câu hỏi.
Trong khi đó, tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Washington, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố sẽ "chấm dứt" dự án Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga đến châu Âu nếu Matxcơva đưa quân vượt biên giới Ukraine. Đây là tuyên bố mạnh nhất của Mỹ về dự án vốn gây chia rẽ lớn nhất giữa Washington và Berlin. Trong khi đó ông Scholz chỉ nói sẽ "đoàn kết" với Mỹ và cảnh báo Matxcơva sẽ trả giá đắt nếu "xâm chiếm" Ukraine.
Cùng ngày, Trung Quốc tiếp tục phát thông điệp ủng hộ Nga trong vấn đề NATO. "Ba mươi năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, NATO tiếp tục mở rộng về địa lý và phạm vi hoạt động, tham gia các hoạt động chính trị khối và đối đầu. Điều này không đóng góp vào an ninh và ổn định toàn cầu", Hãng tin Sputnik dẫn tuyên bố của phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu.
TRẦN PHƯƠNG
TTO - Ngày 8-2, các lãnh đạo châu Âu cam kết thống nhất đối với mục tiêu ngăn chặn chiến tranh trên châu lục này, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông thấy triển vọng xoa dịu căng thẳng Nga - Ukraine.
Xem thêm: mth.31123848090202202-eniarku-gnaoh-gnuhk-couc-al-ihc-gnohk/nv.ertiout