Đạo luật Chip Châu Âu sẽ cung ứng tối thiểu 42 tỷ Euro (48 tỷ USD) đến năm 2030 dưới dạng vốn đầu tư công và tư, nhằm hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng chip bán dẫn của toàn khối và biến EU trở thành khu vực sản xuất 20% lượng chip của toàn thế giới. Ở thời điểm hiện tại, EU sản xuất 10% nguồn cung chip của thế giới, với lượng chip ở cấp độ tiên tiến nhất tương đối ít ỏi.
Mục tiêu của đạo luật mới là nhằm khiến EU ít phụ thuộc hơn về chip vào các quốc gia khác, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng thiếu chip toàn cầu hiện nay.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Đại dịch đã phơi bày những điểm yếu của hệ thống chuỗi cung ứng nói chung và chuỗi cung ứng chip nói riêng. Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đã thực sự làm chậm lại quá trình hồi phục [của châu Âu]. Chúng ta đã thấy nhiều dây chuyền sản xuất, chẳng hạn như tại các nhà máy ô tô, gần như dừng hoạt động hoàn toàn.”
Chìa khóa trong kế hoạch này là việc mời gọi các công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới đầu tư vào châu Âu và tăng cường năng lực sản xuất của khu vực này - một nhiệm vụ không hề đơn giản khi chi phí sản xuất chip tại phương Tây được ước tính cao gấp 2 đến 3 lần so với Trung Quốc và các địa điểm sản xuất khác ở châu Á.
Để thu hút các công ty chip hàng đầu, Brussels đã nới lỏng quy định của EU về hỗ trợ chính phủ - có nghĩa là các quốc gia thành viên EU có thể bơm vốn đầu tư công vào việc xây mới hoặc cải tạo các cơ sở sản xuất chip cũ, với một số điều kiện nhất định.
Margrethe Vestager, Ủy viên về Cạnh tranh của Ủy ban Châu Âu, cho biết EU đang đàm phán với TSMC - một trong những tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới. Bà Vestager nói: “Tôi biết rằng một số cuộc thảo luận có bao gồm TSMC từ Đài Loan; hãy chờ xem các dự án như vậy có trở thành hiện thực hay không. Châu Âu mở cửa đón chào các doanh nghiệp, trong đó có TSMC.”
Kế hoạch tăng cường ngành công nghiệp chip của EU đã nhận được sự hưởng ứng và hoan nghênh từ các doanh nghiệp. Hiệp hội Các ngành công nghiệp Đức (BDI) tuyên bố rằng tự chủ về chip là “một phần thiết yếu của chính sách công nghiệp hướng đến tăng cường sức chống chịu cho châu Âu”. Ông Iris Plöger, một lãnh đạo cấp cao của BDI cho biết: “Cạnh tranh công nghệ đang gia tăng cùng với căng thẳng địa chính trị và mức hỗ trợ cao từ chính phủ cho ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn tại các quốc gia như Trung Quốc và Mỹ. Chiến lược chip của châu Âu và tính đến những diễn biến này và nhu cầu của các ngành công nghiệp tại châu lục.”
Tuy nhiên, các quan chức EU cũng cảnh báo rằng chỉ riêng kế hoạch này sẽ không đủ để làm châu Âu tự chủ về chip. Theo bà Vestager, tự chủ hoàn toàn về chip sẽ tiêu tốn châu Âu khoảng 240-320 tỷ Euro. Bên cạnh đó, khoản hỗ trợ trong chính sách của châu Âu vẫn còn tương đối khiêm tốn so với các quốc gia khác.
Mỹ đã dành ra 52 tỷ USD đến năm 2026 cho chương trình phát triển sản xuất chip bán dẫn của mình. Trung Quốc thì đã đầu tư khoảng 150 tỷ USD cho các sáng kiến như Made In China 2025. Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ đổ 450 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn cho đến năm 2030, thông qua ưu đãi thuế, đầu tư công và tư.
Tùng Phong (Theo SCMP)