An Giang – Việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long ký liên kết tạo vùng nguyên liệu lúa với An Giang, Kiên Giang được kỳ vọng như nền tảng phát triển bền vững.
Dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ NNPTNT, tại TP. Long Xuyên (An Giang) Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long và 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang ký liên kết tạo vùng nguyên liệu lúa với diện tích 60.000ha. Việc đưa nhiều nhóm nội dung thiết thực vào bản ghi nhớ được nhiều người kỳ vọng đây là viên gạch nền cho sự phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Tại buổi lễ ký kết, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long cho biết, trong bản thoả thuận, hai bên thống nhất nhiều nhóm nội dung cơ bản về liên kết. Theo đó, bên cạnh xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, còn cùng nhau xây dựng thương hiệu gạo quốc gia và tham gia thị trường lúa gạo thế giới.
Cụ thể, xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo hướng liên kết chuỗi giá trị, vừa giúp nông dân gia tăng lợi nhuận từ việc trồng lúa nhờ giảm chi phí đầu vào khi canh tác trên cánh đồng lớn, có giống tốt, tăng năng suất, vừa giúp doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Về phía mình, Tập đoàn Tân Long đã đầu tư Nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô lớn nhất Châu Á và ứng dụng công nghệ 4.0 vào canh tác lúa nhằm tạo ra cánh đồng thông minh.
Và quan trọng hơn là đảm bảo đầu ra cho người trồng lúa bằng chính sách bao tiêu theo cơ chế “đặt hàng” và định hướng thị trường của doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên sản xuất theo hướng an toàn với các giống chất lượng cao trong nước để xây dựng và thực hiện truy suất nguồn gốc và số hoá cơ sở dữ liệu đồng ruộng.
Chính những hoạch định cụ thể này đã tạo cho nhiều người kỳ vọng về sự phát triển bền vững cho ngành hàng lúa Việt trong tương lai không xa.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bày tỏ: "Thông qua việc quy hoạch lại vùng sản xuất lúa tập trung và hình thành các Hợp tác xã nông nghiệp hiện đại theo nhu cầu của doanh nghiệp... không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nhằm góp phần đưa nền sản xuất lúa gạo tỉnh nhà phát triển theo hướng bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu - nước biển dâng”.
Cùng niềm tin đó, phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam kỳ vọng đây sẽ là mô hình mẫu và sớm nhân rộng ra các tỉnh vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung để tạp ra sản phẩm lúa gạo Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thời hiện đại.