Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Trong một tuần nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần (từ 29-1 đến 4-2), toàn tỉnh Hải Dương ghi nhận 2.219 ca COVID-19, số ca mắc tương đương với số mắc của 2 tuần trước đó. Đặc biệt, trong 3 ngày từ 5 đến 7-2, toàn tỉnh có 1.892 ca, riêng ngày 8-2 có 1.245 ca mắc mới, tăng vọt so với cả trong và trước Tết.
Ngày 9-2, Chủ tịch tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát việc phòng chống dịch trong hoạt động lễ hội đầu năm. Các địa điểm không đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch không được tổ chức lễ hội và các hoạt động tập trung đông người, khuyến khích người dân tự xét nghiệm COVID-19, nhất là các trường hợp có lịch trình di chuyển dịp Tết nhiều, tiếp xúc với nhiều người.
Tăng cường truyền thông để người dân tự giác khai báo các trường hợp có biểu hiện bệnh được xét nghiệm kịp thời như: triệu chứng cúm, mệt mỏi, sốt, ho, khó thở, mất khứu giác… Những trường hợp không khai báo làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm.
Tại Điện Biên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng, tỉnh đã tổ chức triển khai mô hình Trạm y tế lưu động tại địa bàn cơ sở, nhất là tại các xã có số lượng F0 tăng nhanh, phân loại tổ chức điều trị F0 không triệu chứng tại cộng đồng, ưu tiên điều trị các trường hợp F0 đối với người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin tại các cơ sở y tế.
Tại Hà Nội, ngày 9-2, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã đến kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Trường THPT Phạm Hồng Thái (phường Cống Vị) và Trường THCS Giảng Võ (phường Giảng Võ) đều thuộc quận Ba Đình.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Bộ Y tế cho biết, trong ngày 9-2 có gần 70.000 ca COVID-19 khỏi bệnh, cao hơn 16 lần so với con số khỏi bệnh ngày 8-2 là gần 4.400 ca, và đây là số khỏi cao nhất trong khoảng nửa tháng qua (ngày 25-1 là gần 63.000 ca).
Đến nay, tổng số bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh lên gần 2,2 triệu ca. Hiện số ca COVID-19 nặng ở nước ta đang điều trị gần 2.800 người.
Tuy vậy, những ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca nhiễm mới trong nước tăng vọt, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức thấp. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.
Phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng. Bên cạnh đó triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khu phong tỏa.
Tiêm vắc xin Pfizer mũi 3 cho người dân ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sở Y tế TP.HCM chấn chỉnh giá khám hậu COVID-19
Ngày 9-2, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng ký văn bản gửi đến các cơ sở y tế chấn chỉnh việc tổ chức khám sức khỏe hậu COVID-19.
Theo đó, các đơn vị không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khỏe cho người bệnh hậu COVID-19 trong trường hợp không cần thiết, không hạn chế quyền lợi của người bệnh khi đến khám chữa bệnh đối với các bệnh liên quan đến hậu COVID-19 bằng việc gợi ý, ép buộc người bệnh tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe hậu COVID-19 với giá khám theo yêu cầu.
Cụ thể, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh các bệnh lý thuộc danh mục và phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, các đơn vị thu theo giá thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5-7-2019 của Bộ Y tế.
Người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế, các đơn vị thu theo giá thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5-7-2019 của Bộ Y tế.
Còn người bệnh lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, các đơn vị thu giá khám chữa bệnh theo yêu cầu đã kê khai với sở y tế và công khai giá để người dân lựa chọn.
Test nhanh COVID-19 ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Cả nước có 48 tỉnh, thành là 'vùng xanh'
Theo kết quả đánh giá độ dịch của Bộ Y tế đến 12h ngày 9-2, số tỉnh, thành đạt cấp độ 1 dịch COVID-19 là 48 địa phương; 15 địa phương còn lại đạt cấp độ 2.
Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào là 'vùng cam' và 'vùng đỏ'. Như vậy so với cập nhật cách đây 4 ngày, có 7 địa phương tăng lên 'vùng xanh' và số địa phương 'vùng vàng' giảm xuống là 7.
Trước đó, ngày 27-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký quyết định ban hành hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch mới, thay thế quyết định số 4800 ngày 12-10-2021.
So với hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế thì hướng dẫn mới thay thế có điểm khác biệt là bổ sung tỉ lệ bệnh nhân tử vong, diễn biến nặng.
Cách đánh giá mới vẫn đếm số ca mới nhưng chặt chẽ và cụ thể hơn và kèm theo các tiêu chí liên quan. Với cách tính mới, gần như cả nước trở thành "vùng xanh".
Tình nguyện viên Trạm y tế lưu động phường Ô Chợ Dừa cấp phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà - Ảnh: HÀ QUÂN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội ngày 9-2 ghi nhận 2.949 ca bệnh mới. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (118); Đông Anh (106); Long Biên (98); Chương Mỹ (96), Nam Từ Liêm (93). Từ ngày 29-4-2021 đến nay ghi nhận 160.022 ca. Tính tới hết ngày 8-2, Hà Nội đang có 54.148 F0 đang điều trị - tăng hơn 3.000 ca so với ngày trước đó.
Tới ngày 8-2, các bệnh viện tại Hà Nội (trung ương và Hà Nội) có 606 ca nặng, nguy kịch (giảm 4,4% so với trung bình 7 ngày trước). Số bệnh nhân cần các biện pháp can thiệp điều trị bệnh nặng, nguy kịch cũng giảm. Cụ thể: Có 511 ca phải thở oxy mặt nạ, gọng kính (giảm 2,2%); 27 ca thở oxy dòng cao (HFNC) - giảm 13,3%; 41 ca thở máy xâm lấn - giảm 17,1%...
Bệnh viện Hữu Nghị chính thức tiếp nhận thăm khám, tư vấn và điều trị cho người bệnh giai đoạn hậu COVID-19. Các nhóm đối tượng sẽ được tiếp nhận là: F0 đã ra viện hoặc đã hết thời gian cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế và đã qua thời gian 7 ngày tự theo dõi sức khỏe tại nhà; người bệnh có kết quả test nhanh kháng nguyên 2 lần âm tính bằng 2 loại test khác nhau hoặc có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR với chỉ số Ct > 30.
- Từ 6h ngày 8-2 đến 6h ngày 9-2, Quảng Bình ghi nhận thêm 469 ca COVID-19, trong đó có tới 404 ca cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 1.792 ca đang điều trị tại nhà. Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 8.476 ca; tổng số ca khỏi là 6.334; số đang điều trị tại bệnh viện là 255 ca; có 11 trường hợp tử vong.
Hiện 98,01% người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1; mũi 2 là 93,38%; tỉ lệ người trên 18 tuổi tiêm đủ 3 mũi là 20,92%; tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12-17 tuổi là 96,94%; tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi là 76,64%.
- Hà Tĩnh ngày 9-2, toàn tỉnh có 50 giáo viên và 331 học sinh là F0; trong ngày 8-2, Hà Tĩnh có 498 ca mắc mới, trong đó 354 ca cộng đồng, 78 ca đã cách ly và 66 ca trong khu vực phong tỏa. Tổng số ca bệnh COVID-19 đến nay là 2.658 người.
TTO - Khảo sát tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi do Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện với hơn 415.000 phụ huynh cho kết quả: 60,6% đồng ý; 7,6% đồng ý nếu bắt buộc; 29,1% cân nhắc và 1,9% không đồng ý.