" Bắt vợ " là hành động biến tướng, sai bản chất
Sáng 10/2, trao đổi với PV, bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin vụ việc "bắt vợ" lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua xảy ra tại địa bàn xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc).
Tuy nhiên, theo bà Tình, qua xác minh tìm hiểu thì đây chỉ là một hành động tự phát, thiếu hiểu biết của một thiếu niên mới lớn.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cũng nêu rõ, "kéo vợ" vốn là một phong tục xa xưa và độc đáo của người H'Mông nhưng đã bị biến tấu đi nhiều theo thời gian thành "bắt vợ" như các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội.
Về phong tục "kéo vợ", lãnh đạo Sở cho hay, đây là một phong tục đẹp từ xa xưa của đồng bào dân tộc H'Mông, thể hiện lên tình yêu đôi lứa rất mãnh liệt của các chàng trai, cô gái muốn bỏ qua các thủ tục rườm rà, thách cưới tốn kém để đến với nhau.
Ảnh cắt từ clip vụ việc cô gái bị 'bắt vợ' ở Hà Giang.
Việc kéo vợ chỉ được diễn ra khi hai người đã quen biết từ trước và có sự thỏa thuận, đồng ý của cả hai bên.
Sau khi chàng trai đã kéo được cô gái về nhà thì sau một vài ngày, người nhà chàng trai sẽ có lời và mang lễ sang nhà cô gái để xin cưới.
Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Giang cũng khẳng định, tục "kéo vợ" hiện đã không còn phổ biến tại Hà Giang.
Tuy nhiên, tại một số nơi, một số thời điểm vẫn còn diễn ra những sự việc mang tính chất tự phát, biến tướng thành "bắt vợ" với những hành động không đúng, sai bản chất, vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân là do một số giới trẻ người dân tộc chưa có sự hiểu biết, nhận thức đầy đủ hoặc chưa được giáo dục, truyền dạy về phong tục ý nghĩa này.
"Phong tục mang tính chất truyền thống dân tộc ý nghĩa, tốt đẹp phải duy trì, lan tỏa nhưng hủ tục lạc hậu như tảo hôn, bắt vợ với các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật... thì phải bài trừ, xóa bỏ", bà Tình nói.
Đại diện Sở VH,TT&DL Hà Giang cũng nêu rõ, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang làm rất tốt việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới và Luật Hôn nhân gia đình.
Tuy nhiên, do đặc thù ở một số địa phương chủ yếu là dân tộc thiểu số nên không thể một chốc, một lát có thể xóa bỏ hết 'hủ tục' mà cần phải tăng cường việc tuyên truyền, vận động.
Cũng theo thông tin từ bà Tình, ngay trong ngày hôm qua, Sở đã có văn bản gửi tới các địa phương đề nghị thực hiện nghiêm túc việc cưới, việc tang và Luật Hôn nhân gia đình, đặc biệt trong dịp đầu năm, thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, phong tục của đồng bào dân tộc.
Còn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - TS Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, trước đây, theo phong tục của người dân tộc khi chàng trai đi "kéo vợ hay bắt vợ" thì cả hai đã yêu nhau rồi.
Cụ thể, chàng trai làm một động tác "bắt vợ" như diễn kịch, mang tính biểu trưng. Còn bây giờ, tập tục này đang bị biến tướng đi rất nhiều, với những hành vi không đúng, thậm chí vi phạm pháp luật.
"Xã hội tiến lên thì tối thượng vẫn là pháp luật. Những gì vi phạm pháp luật như tục bắt vợ biến tướng hiện nay phải sửa chữa dần dần và ngăn cấm. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm", TS Vĩ nêu rõ.
Có thể bị xử lý hình sự
Về góc độ pháp luật, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP Luật Chính Pháp - Hà Nội) cho rằng, "bắt vợ" từ một nét truyền thống, văn hóa đẹp của người H'Mông đang có xu hướng bị biến tướng trở thành hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú của công dân.
Luật sư Cường nêu rõ, pháp luật Việt Nam tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo, tập quán, văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy nhiên với những phong tục tập quán không còn phù hợp với truyền thống văn hóa đạo đức, không phù hợp với pháp luật thì cần phải bị loại bỏ để phù hợp với đời sống văn hóa xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.
LS Đặng Văn Cường.
Đối với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng phong tục tập quán để thực hiện hành vi trái pháp luật, lợi dụng tục bắt vợ để xâm phạm đến quyền tự do thân thể của người khác thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với việc thực hiện "bắt vợ" là tảo hôn hoặc người đã thành niên với người chưa đủ 16 tuổi thì đó là những hành vi vi phạm pháp luật.
Những hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Bắt giữ người trái pháp luật, Tội Tổ chức tảo hôn, thậm chí có thể bị xử lý về Tội Giao cấu với người chưa đủ 16 tuổi hoặc Tội Hiếp dâm..., tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Luật sư đề nghị, chính quyền địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng cao cần phải có kế hoạch để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kiên quyết loại trừ những thủ tục lạc hậu, giữ gìn phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc.
Những tập tục không phù hợp với quy định của pháp luật cần phải loại bỏ để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền và lễ hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện ra những trường hợp có dấu hiệu lợi dụng phong tục tập quán để xâm phạm đến quyền tự do, thân thể của công dân thì cần phải có biện pháp can thiệp, ngăn chặn kịp thời, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Trước đó, sau vụ việc nam thiếu niên sống tại địa bàn bắt bé gái H'Mông về làm vợ, trong ngày 8/2, chính quyền xã Giàng Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã mời bố mẹ Giàng Mí C. và cả C. lên trụ sở để làm việc.
Tại trụ sở UBND xã, C. trình bày, trong lúc đi chơi xuân do nhìn bé gái thấy thích nên đã lao vào lôi, kéo bé gái này về làm vợ.
C. năm nay mới học lớp 10 tại một trường nghề ở tỉnh Thái Nguyên. Hiện chính quyền địa phương đã giáo dục và tuyên truyền cho C. cùng gia đình cần bỏ ngay những hành vi trên, đặc biệt là hủ tục bắt vợ.
https://soha.vn/vu-bat-be-gai-hmong-ve-lam-vo-can-loai-bo-ngay-hanh-vi-xam-pham-quyen-tu-do-than-the-20220210104848916.htmTheo Hoàng Đan
Doanh nghiệp và Tiếp thị