Bức tranh ngành dệt may Campuchia
Ngành dệt may của Campuchia đã sử dụng hơn 750.000 lao động và tạo ra hơn 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước này. Tuy nhiên, ngành dệt may Campuchia vẫn phải đối mặt với vấn đề nan giải là ngành này chủ yếu sử dụng lao động có trình độ thấp và chi phí rẻ.
Nếu không đầu tư vào sản xuất hàng dệt trong nước, Campuchia sẽ buộc phải chịu những cú sốc từ chuỗi cung ứng. Nước này cũng sẽ phải tuân thủ các điều kiện thương mại mới nếu nước này thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển nhất (LDC) do Liên hợp quốc đánh giá vào năm 2024.
Lu, phó giáo sư tại khoa thời trang và may mặc của Đại học Delaware (Mỹ), cho biết: "Nếu Campuchia mất trạng thái LDC, hàng may mặc xuất khẩu của nước này phải có tỉ lệ hàng dệt may trong nước hơn trước khi được hưởng quyền tiếp cận thị trường miễn thuế vào các thị trường chính như EU, Nhật Bản và Canada".
Bức ảnh các công nhân may mặc đứng trên xe tải để đi làm bên ngoài thủ đô Phnom Penh. Theo khảo sát của UNESCO, có khoảng 40% dân cư Campuchia chưa tốt nghiệp cấp 2. Campuchia gặp nhiều khó khăn về chất lượng lao động do trình độ học vấn chưa cao và dẫn tới đa số người lao động chỉ có thu nhập thấp. Trong khi đó, những người có học vấn tốt chưa mấy "mặn mà" với ngành dệt may. Những vị trí cao cấp trong ngành dệt lại là người nước ngoài, chủ yếu từ Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc. Ảnh: AP
"Nói cách khác, nếu Campuchia không tăng cường năng lực sản xuất hàng dệt may địa phương hoặc tăng cường chuỗi giá trị, điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của hàng may mặc xuất khẩu nước này về lâu dài."
Nhà phân tích Imogen Page-Jarrett của Economist Intelligence Unit cho rằng, khi chi phí sản xuất tăng lên ở Trung Quốc và Việt Nam, quốc gia này sẽ trở thành "điểm đến ngày càng phổ biến" cho các ngành sản xuất chi phí thấp, sử dụng nhiều lao động, chẳng hạn như chuỗi nguồn cung cấp lắp ráp thiết bị điện tử cấp thấp hơn.
Tuy nhiên, trong trung hạn, Campuchia sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cao chuỗi giá trị do thiếu lao động có kỹ năng.
Page-Jarrett nói: "Đầu tư bổ sung vào đào tạo và giáo dục, và thậm chí sau đó có thể mất một thập kỷ hoặc lâu hơn để tạo ra lực lượng lao động cần thiết".
Nhà nước tăng cường đầu tư
Bộ trưởng Bộ Lao động Campuchia năm ngoái đã cam kết chi 500 triệu USD cho giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET) trong 5 năm tới.
Người phát ngôn Bộ Lao động Heng Sour cho biết: "TVET là phương thức tích lũy kỹ năng nhanh chóng trong nước. Gần đây, chính phủ đã tăng gấp đôi kinh phí để nâng cấp các cơ sở TVET công lập ở Phnom Penh, Kandal và tỉnh Kampong Speu".
Ước tính tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cấp 2 ở các nước trong khu vực, Campuchia ở vị trí thấp nhất. Nguồn: UNESCO (số liệu vượt 100% là do phương pháp tính toán, thống kê)
Khu vực này, bao gồm 38 trường TVET do nhà nước quản lý và hơn 100 trung tâm tư nhân, là trọng tâm trong chương trình của Ngân hàng Phát triển Châu Á kéo dài một thập kỷ nhằm cải thiện lực lượng lao động của Campuchia.
Ngân hàng, vốn đã chi 45 triệu USD, đã phải đối mặt với những thách thức lớn. Theo báo cáo năm 2018 của ADB, các trung tâm TVET thiếu giáo viên có trình độ, sử dụng thiết bị lạc hậu, dẫn đến tình trạng số lượng tuyển sinh được thấp và các vấn đề về dai dẳng về hình ảnh tiêu cực về các trung tâm.
"Những người trẻ vẫn xem TVET như một lựa chọn thứ hai, hoặc là giáo dục dành cho người nghèo, các nhóm yếu thế, hoặc học sinh bỏ học", bài báo viết.
Chất lượng chung của giáo dục tiểu học và trung học cơ sở là một yếu tố hạn chế khác.
Trong khi Campuchia đã cải thiện tỷ lệ nhập học và tăng lương cho giáo viên trong những năm gần đây, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2020 cho thấy nước này cho đến nay vẫn chưa tạo ra được sự cải thiện đáng kể trong việc học tập. Sinh viên của trường có thành tích thấp hơn mức trung bình của ASEAN trong các ngành như đọc, toán và khoa học.
Báo cáo nêu rõ: "Có một sự thật nghiệt ngã là trách nhiệm giải trình kém trong các trường công lập làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập nhiều năm ở Campuchia".
Công nhân may quần áo ở Phnom Penh vào năm 2020. Ảnh: EPA / Jiji
Người lao động Campuchia ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong vị trí giám sát và quản lí cấp thấp, nhưng phần lớn đã không thể thâm nhập vào các công việc hàng đầu, vốn vẫn do người nước ngoài đảm nhiệm, chủ yếu đến từ những nơi như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.
Một phần của vấn đề nằm ở nhận thức là những người tìm việc không biết rằng lĩnh vực này mang lại mức lương trên mức trung bình cho các vị trí quản lý. Theo thông tin tuyển dụng, một số sinh viên tốt nghiệp gần đây đã kiếm được 600 USD mỗi tháng. Trong khi đó, mức lương trung bình cho một hộ gia đình ở Campuchia là khoảng 400 USD một tháng, theo Khảo sát Kinh tế Xã hội Campuchia 2019/20.
"Chúng tôi trả lương cao, nhiều người không nhận ra", một đại diện nói, "Chúng tôi đang nhắm mục tiêu vào các trường trung học, chúng tôi muốn thay đổi suy nghĩ của họ".
https://soha.vn/buc-anh-he-lo-chuong-ngai-vat-cuc-lon-voi-nganh-hai-ra-tien-nhat-cua-campuchia-20220208151907032.htm