Toàn cảnh hội thảo với chủ đề: Phát triển mô hình "Lúa thơm - Tôm sạch" vùng Mekong - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tham dự hội thảo có ông Lê Minh Hoan - bộ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Trần Thanh Nam - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Lữ Văn Hùng - bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo các tổng cục, cục, vụ của Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, tham tán thương mại tại các nước EU, Hàn Quốc, Saudi Arabia… Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố ở khu vực ĐBSCL, cùng 150 khách mời là các hợp tác xã, nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp… trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về phía báo Tuổi Trẻ có sự tham dự của nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.
Tuổi Trẻ muốn xây dựng hình ảnh một 'khu vườn của thế giới'
Phát biểu mở đầu hội thảo, nhà báo Lê Thế Chữ nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp/lúa gạo dẫn tới tính dễ bị tổn thương của 17,3 triệu nông dân, chủ yếu là nông hộ nhỏ và người nghèo.
ĐBSCL hiện là 1 trong 4 đồng bằng trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nếu không thích ứng sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, đời sống người dân không chỉ trong vùng mà còn trên phạm vi cả nước.
Nhưng trong khó khăn vẫn tồn tại những cơ hội. Và trong những ngày đầu năm mới này, chúng ta có mặt tại đây để cùng tìm hiểu, chia sẻ và bàn cách phát triển một mô hình thích ứng rất tốt và rất tiềm năng đối với biến đổi khí hậu, đó là mô hình lúa - tôm. Đây không chỉ là mô hình giúp nông dân tiếp tục gắn bó với mảnh đất Mekong, miền Tây, ĐBSCL mà còn có điều kiện để xây dựng những thương hiệu nông sản đặc sản của vùng đất này trong tương lai.
Theo nhà báo Lê Thế Chữ, với hình thức canh tác thuận tự nhiên, ít sử dụng hóa chất trong canh tác, với các giống tôm, giống lúa chất lượng cao sẽ tạo ra các sản phẩm lúa tôm cao cấp theo định hướng "lúa thơm - tôm sạch". Đó là tiền đề để các sản phẩm này tiếp cận với các thị trường cao cấp, qua đó nâng cao giá trị nông sản.
Các tỉnh ven biển bán đảo Cà Mau có lợi thế trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhờ hệ sinh thái tôm - lúa, tôm - rừng, lúa - cá... Theo Cục Trồng trọt, nếu có hệ thống thủy lợi tốt có thể tăng thêm 100.000ha luân canh tôm - lúa và củng cố diện tích tôm - lúa hiện có khoảng 150.000ha. Sản phẩm gạo ở vùng này có thể đi vào phân khúc thị trường gạo đặc sản có giá cao nhất trên thị trường thế giới hiện nay.
Nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, phát triển sản xuất nông nghiệp vùng ven biển vẫn đang đứng trước nhiều thách thức cần nắm bắt và có giải pháp ứng phó hiệu quả. Đầu tư cho thủy lợi phải nói là then chốt cho các tỉnh ven biển bán đảo Cà Mau để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững.
Giống lúa cho vùng tôm - lúa và giống tôm cho nuôi tôm cần đặc biệt quan tâm. Các giống lúa phù hợp cho canh tác hữu cơ trong mô hình tôm - lúa cần được quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp lý về bản quyền giống, về hệ thống sản xuất và cung ứng giống 3 cấp.
Sản xuất lúa tôm không chỉ là một mô hình thích ứng tuyệt vời với những thách thức và đe dọa của biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế của nông dân trong vùng mà còn là một cơ hội rất lớn để xây dựng thương hiệu cho con tôm, cho hạt gạo miền Tây.
"Tôi mong muốn sau sự kiện hôm nay, những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, của các bộ ngành, của nông dân, của doanh nghiệp, của các tham tán thương mại… góp phần hoàn thiện mô hình canh tác lúa tôm, sẽ có những cam kết từ các địa phương trong liên kết và phát triển thương hiệu lúa tôm cho cả vùng và sẽ có sự sát cánh và bảo trợ mạnh mẽ từ Bộ NN&PTNT để sớm đưa thương hiệu "lúa thơm - tôm sạch" ra thị trường trong nước và ra thế giới!" - nhà báo Lê Thế Chữ nhấn mạnh.
Theo tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, sự kiện hội thảo lúa tôm hôm nay là một hoạt động quan trọng trong chương trình Mekong Xanh mà Tuổi Trẻ đang tiến hành và sẽ kéo dài xuyên suốt nhiều năm sắp tới. Mekong Xanh, với mong muốn trở thành một diễn đàn về đổi mới và thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL, sẽ gồm nhiều chương trình về xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, hỗ trợ quảng bá xây dựng thương hiệu địa phương, nơi các sáng kiến và ý tưởng liên kết và phát triển vùng được thảo luận và triển khai trong thực tiễn.
"Chúng tôi chọn tên gọi này bởi Mekong là một thuật ngữ quen thuộc và mang tầm quốc tế, là mục tiêu mà Tuổi Trẻ mong muốn đóng góp để đưa hình ảnh của vùng đất miền Tây, các sản phẩm tươi ngon, chất lượng cao của khu vực này ra quốc tế. Từ đó xây dựng hình ảnh của một Mekong Xanh, một 'khu vườn của thế giới' được quốc tế biết đến và thừa nhận trong tương lai" - nhà báo Lê Thế Chữ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tham quan mô hình lúa tôm tại HTX Dịch vụ nông nghiệp An Khang tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu sáng 10-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xem thêm: mth.30182823101202202-hcas-mot-moht-aul-hnih-om-mat-gnan-hcac-nab/nv.ertiout