EC, cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU), dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2022, thấp hơn mức 4,3% được đưa ra trong dự báo cách đây ba tháng. Trong khi đó, lạm phát được cho là sẽ tăng mạnh hơn mức dự báo 3,5% trong năm 2022.
Ủy viên kinh tế EU Paolo Gentiloni nhận định mùa Đông năm nay, kinh tế Eurozone vấp phải nhiều trở ngại, với đợt bùng phát dịch mới do biến thể Omicron lây lan nhanh và lạm phát tiếp tục tăng do giá năng lượng tăng và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài. Ông cho rằng giá cả sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến mùa Hè sau khi lạm phát dự kiến giảm nhờ các yếu tố về giá năng lượng và chuỗi cung ứng được cải thiện.
Tuy nhiên, ông Gentiloni cũng lưu ý các yếu tố bất ổn và nguy cơ vẫn ở mức cao, trong đó EU cảnh báo căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu càng làm gia tăng nguy cơ tiềm ẩn với nền kinh tế khu vực.
Phát biểu trong video gửi tới một hội nghị kinh doanh ở Brussels, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng nền kinh tế khu vực dễ chịu tác động khi giá cả tăng do phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu. EC dự báo kinh tế Eurozone sẽ trở về mức tương đương trước đại dịch vào năm 2023, khi lạm phát trong khu vực còn 1,7%, thấp hơn mức 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khuyến nghị. Khi đó, kinh tế khu vực có thể sẽ tăng trưởng 2,7%, khá mạnh so với các xu hướng trước khi đại dịch xảy ra.
Hiện ECB cũng đang chịu nhiều áp lực do lạm phát tăng khiến ngày càng có nhiều lời kêu gọi ngân hàng này thu hẹp quy mô chương trình kích thích tiền tệ và chính sách lãi suất 0%, vốn được đưa ra để hỗ trợ kinh tế vượt khó khăn trong đại dịch.
Tuy nhiên, việc thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất sẽ gây áp lực với một số nước châu Âu đang ghi nhận nợ công tăng như Italy (I-ta-li-a), Hy Lạp, Tây Ban Nha và Pháp. ECB nhận định hiện chưa phải lúc điều chỉnh chính sách tiền tệ và lãi suất.
Xem thêm: mth.71890911201202202-yan-man-gnort-4-gnoux-enozorue-auc-gnourt-gnat-oab-ud-ah-ue/nv.zibmanteiv