Bộ Y tế cho biết để chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành khảo sát trực tuyến đối với các phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Khảo sát với sự tham gia của hơn 415.000 phụ huynh cho kết quả như sau: 60,6% đồng ý tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý; tỉ lệ không biết có nên tiêm hay không là 0,7%.
Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết đến nay, có rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã thực hiện tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Các đánh giá đều cho thấy vắc xin an toàn và không làm tăng các biến cố bất lợi sau tiêm chủng ở nhóm tuổi này.
Tiêm vắc xin cho người dân tại TP.HCM. Ảnh minh hoạ.
Thạc sĩ Minh cho biết việc tiêm vắc xin hiện nay tại nhiều quốc gia vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện, cha mẹ cần cân nhắc các yếu tố nguy cơ – lợi ích khi đồng ý tiêm vắc xin cho con. Mục tiêu khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là để tăng cường tỷ lệ bao phủ vắc xin, đồng thời ngăn ngừa việc trẻ em mắc bệnh và lây nhiễm cho những người khác trong gia đình.
Hệ miễn dịch của trẻ em khoẻ mạnh, có khả năng đối phó với biến chủng Omicron tốt hơn người lớn. Tuy nhiên, tiêm chủng sẽ giúp giảm những hậu quả nghiêm trọng của Covid-19 ở trẻ có hệ miễn dịch suy yếu, nhất là trẻ có những bệnh lý nghiêm trọng (tim bẩm sinh, ung thư, suy thận mãn...), đồng thời ngăn chặn nguy cơ mắc các di chứng kéo dài hậu Covid-19 ở trẻ em.
Theo thạc sĩ Minh, tiêm vắc xin cho trẻ em sẽ giúp ngăn chặn việc lây truyền bệnh và bảo vệ các thành viên dễ bị tổn thương do Covid-19 trong gia đình (người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính...) trong trường hợp trẻ mắc bệnh. Đến nay vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vắc xin Covid-19 có ảnh hưởng tới giai đoạn tuổi dậy thì và khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai.
Hiện nay, vắc xin được sử dụng cho nhóm tuổi này là vắc xin của Pfizer, với liều lượng kháng nguyên chỉ bằng một phần ba so với những người trên 12 tuổi. Hai mũi tiêm sẽ cách nhau 3 tuần – 8 tuần (tuỳ quốc gia). Chưa có khuyến cáo về tiêm mũi 3 cho nhóm tuổi này.
BS Trương Hữu Khanh – nguyên trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng cho biết việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 tới 11 tuổi dựa trên tinh thần tự nguyện.
Ở trẻ nhỏ, BS Khanh cho biết khi mắc Covid-19 đa phần đều có triệu chứng nhẹ và sẽ tự khỏi. nhưng đáng lo hơn cả là nhóm trẻ nguy cơ cao như béo phì, có bệnh lý nền, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch. Việc theo dõi sau tiêm ở trẻ nhỏ cũng tương đối dễ dàng vì các phản ứng sau tiêm của trẻ đa phần nhẹ và sẽ tự hết.
Nhiều phụ huynh lo lắng về phản ứng viêm cơ tim ở trẻ khi tiêm vắc xin. BS Khanh cho biết những ghi nhận trẻ bị viêm cơ tim sau khi tiêm là do phản ứng viêm quá mạnh. Nguyên nhân gây viêm cơ tim chủ yếu là do virus gây ra chứ không phải do vắc xin.
Ngoài ra, viêm cơ tim cũng có thể liên quan tới kích ứng miễn dịch. Không phải chỉ mỗi vắc xin gây kích ứng miễn dịch mà virus cũng có thể gây ra.
BS Khanh cho rằng nguyên nhân viêm cơ tim có thể là do liều thuốc, vì vắc xin Covid-19 của Pfizer đóng liều 30 microgram cho người lớn và trẻ từ 12-17 tuổi. Khi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, liều thuốc chỉ còn 10 microgram. Do vậy, BS Khanh dự đoán trẻ 5-11 tuổi sẽ ít bị viêm cơ tim hơn vì liều ít hơn. Ngoài ra, trẻ từ 5 tới 11 tuổi đang trong thời kỳ phát triển ổn định nên các phản ứng đều không đáng lo – BS Khanh cho biết.
https://soha.vn/tiem-vac-xin-covid-19-cho-tre-5-11-tuoi-chuyen-gia-noi-lieu-thap-nen-khong-dang-ngai-20220209193829511.htmTheo Ngọc Anh
Doanh nghiệp và Tiếp thị