Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 3,05 tỷ USD, tăng 83% so với dịp Tết năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 1,47 tỷ USD, cao gấp 2 lần, chiếm 48% tổng trị giá xuất nhập khẩu, còn nhập khẩu hàng hóa đạt 1,58 tỷ USD, chiếm 52% tổng trị giá xuất nhập khẩu, tăng 68%.
Các cục hải quan tỉnh, thành phố đã đảm bảo làm thủ tục thông quan hàng hóa cho 2.462 doanh nghiệp Việt Nam, cao 2,56 lần so với dịp Tết Tân Sửu năm 2021. Cụ thể, có 2.462 doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký 20,46 nghìn tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa (cao gần 2 lần so với dịp Tết năm 2021) tại 142 chi cục hải quan và tương đương (tăng 16 chi cục) thuộc 34 cục hải quan tỉnh, thành phố.
Dịp Tết vừa qua, hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang 109 nước, vùng lãnh thổ (trong dịp Tết Tân Sửu năm 2021 hàng hóa Việt Nam chỉ có mặt ở 80 nước, vùng lãnh thổ). Trong đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc với trị giá 400 triệu USD, chiếm 27,3% tổng trị giá xuất khẩu; Hoa Kỳ với 347,6 triệu USD (chiếm 23,7%); Hàn Quốc với 86 triệu USD (chiếm 5,9%); Hồng Kông với 59 triệu USD (chiếm 4%); Nhật Bản với 41,8 triệu USD (chiếm 2,8%)...
Tuy nhiên theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 6/2/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sơ bộ đạt 61,85 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng thời gian năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá gần 31,26 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng thời gian năm 2021 và nhập khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá 30,59 tỷ USD, giảm 8,2%. Nguyên nhân do cả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu từ đầu năm đến hết ngày 6/2/2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021 là Tết Âm lịch Tân Sửu 2021 không rơi vào thời gian này cùng kỳ năm 2021.
Theo thông tin đăng tải trên Báo Tin tức, tính từ đầu năm đến hết ngày 6/2/2022, Việt Nam có thặng dư cán cân thương mại hàng hóa trị giá 0,68 tỷ USD. Trong đó, điện thoại, linh kiện điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện được xuất nhập khẩu lớn nhất. Trong dịp Tết, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trị giá 631,3 triệu USD, chiếm 43%; tiếp theo là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 398,6 triệu USD, chiếm 27,1%, mặt hàng máy móc, thiết bị đạt 87,7 triệu USD, chiếm gần 6%…Như vậy, tổng trị giá xuất khẩu của 3 nhóm mặt hàng lớn nhất này chiếm 76,1% tổng trị giá xuất khẩu.
Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá 799,4 triệu USD, chiếm 1/2 tổng trị giá nhập khẩu. Tiếp theo nhóm mặt hàng điện thoại, linh kiện điện thoại trị giá 242,9 triệu USD, chiếm 15,4%, nhóm mặt hàng máy móc thiết bị các loại trị giá 111,4 triệu USD, chiếm 7,1%…Ba nhóm mặt hàng lớn nhất này đã chiếm 72,5% tổng trị giá nhập khẩu trong dịp Tết Âm lịch năm nay.
Năm 2022, xuất nhập khẩu dự báo đạt 740 - 750 tỷ USD
Theo ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại (Tổng cục Thống kê), năng lực sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam có rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2022.
Cách thức tiếp cận trong phòng, chống dịch của Việt Nam đã có sự thay đổi, nên việc thích ứng dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng không bị ảnh hưởng nhiều trong năm 2022.
Trao đổi với báo điện tử VTV News, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực dự báo, xuất khẩu năm 2022 sẽ đạt 372 - 380 tỷ USD, tăng 13 - 15%; nhập khẩu đạt 366 - 372 tỷ USD, tăng 11 - 13% so với năm 2021. Vì vậy, năm 2022, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục dương 4 - 8 tỷ USD.
"Dịch bệnh dự báo sẽ được kiểm soát tốt hơn, cùng với việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới cho thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam. Theo đó, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu được dự báo tăng 13 - 15%, đạt 740 - 750 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình xuất nhập khẩu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của các biến chủng Covid-19 mới, khiến thương mại toàn cầu sụt giảm", ông Lực nhấn mạnh.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp chế biến, chế tạo vừa được Tổng cục Thống kê thực hiện cũng đã cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, khi có tới 83,3% số doanh nghiệp cho biết, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng hoặc giữ nguyên như quý IV/2021.
Dự báo, năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng tốc. Được biết, năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch đạt gần 669 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước đó.
Hương Anh (tổng hợp)