Khách đông nhưng doanh nghiệp lữ hành ế khách
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong chín ngày tết (từ ngày 29/1 đến 6/2), các địa phương trọng điểm về du lịch đón 6 triệu lượt khách du lịch nội địa và khoảng 500 khách du lịch quốc tế theo chương trình thí điểm hộ chiếu vắc-xin. Trong đó, các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Kiên Giang, TPHCM đón hàng trăm ngàn lượt du khách, công suất phòng khách sạn, nhà nghỉ… đạt trung bình 60 - 80% trở lên. Các trọng điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Vũng Tàu, Phú Quốc… rơi vào tình trạng quá tải, giao thông ùn tắc, khách sạn kín chỗ, dịch vụ ăn uống, vui chơi “chen chân không lọt”.
Theo đại diện một số doanh nghiệp (DN) du lịch, số khách thực tế có thể cao hơn rất nhiều so với số được thống kê, công bố bởi rất nhiều khách du xuân mà không có kế hoạch từ trước. Nhiều người dự định về quê nhưng phải đến sát tết, một số địa phương mới thông báo dỡ bỏ quy định cách ly nên họ chọn tự đi du lịch, bằng xe cá nhân. Điều này khiến các cơ sở lưu trú, tham quan bị động, quá tải. Trong khi đó, các DN lữ hành gần như không có doanh thu trong dịp tết vừa qua bởi phần lớn khách đi chơi tết theo dạng free and easy (chỉ mua dịch vụ combo phòng, vé máy bay) hoặc đi tự túc.
Khách du lịch trên đỉnh núi Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) trong dịp tết Nhâm Dần |
Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Khách nội địa, Công ty Vacation Travel - cho biết, lễ, tết là dịp để DN du lịch, lữ hành, lưu trú bán tour và dịch vụ. Nhưng trong mùa tết vừa rồi, đơn vị ông chỉ bán được tour cho một nhóm khách, phần doanh thu còn lại đến từ việc khách mua dịch vụ combo vé máy bay và phòng khách sạn. Thông thường, để giữ chỗ với các điểm lưu trú (khách sạn, resort), công ty phải đặt cọc (từ 60 - 70% giá trị dịch vụ) giữ chỗ từ 2-3 tháng trước tết nhưng năm nay, do dịch bệnh phức tạp và nhu cầu thị trường chưa ổn định, DN không dự đoán được sức mua nên không đặt chỗ trước. Không chủ động về phòng ốc nên DN không dám bán tour. Thêm vào đó, rút kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, du khách cũng e ngại việc đặt phòng trước.
Anh Quang Sỹ - chủ dịch vụ ca nô đưa khách tham quan các đảo nhỏ tại P.An Thới, TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - cho biết, lượng khách lẻ đặt thuê ca nô tăng đột biến trong những ngày tết: “Dịp tết vừa qua, hầu hết khách đi theo nhóm nhỏ, liên hệ trực tiếp và chấp nhận trả giá dịch vụ cao gấp 2-3 lần so với ngày thường nhưng chúng tôi không thể đáp ứng được hết do lượng khách quá đông. Khách thường đi đảo buổi sáng nhưng do kín lịch nên nhiều nhóm sẵn sàng đi vào buổi chiều, tối”.
Theo đại diện một DN lữ hành tại TPHCM, một trong những lý do thúc đẩy xu hướng du lịch tự túc là chính sách hủy dịch vụ chưa đảm bảo quyền lợi cho du khách. Khi đã đặt tour hay dịch vụ, khách phải trả tiền trước hoặc đặt cọc nhưng khi không đi được do phải giãn cách xã hội thì không được hoàn tiền hoặc thời gian hoàn tiền kéo dài. Ông cảnh báo: “Nếu các DN hàng không, lưu trú, lữ hành không điều chỉnh chính sách này, du khách sẽ không chuẩn bị đi du lịch sớm và trong đợt lễ 30/4 - 1/5, cao điểm hè sắp tới, sẽ tái diễn nạn ùn tắc giao thông, “cháy” phòng, chặt chém do du khách đi tự túc, trong khi DN lại thất thu”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa - Phó Trưởng khoa Quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cho rằng, người dân đang có tâm lý lo sợ dịch bệnh nên cận ngày đi mới chọn điểm đến - những nơi có chính sách cởi mở với khách du lịch. “Không thể phủ nhận nỗ lực của các đơn vị lữ hành trong thời gian qua, như đưa ra các tour, tuyến mới, sản phẩm du lịch đa dạng, nhiều ưu đãi để kích cầu. Tuy nhiên, thực tế, số tour bán được rất ít do người dân lo bị hủy tour khi dịch diễn biến phức tạp và mất tiền cọc. Đối mặt với nhiều rủi ro nên họ chấp nhận bỏ nhiều tiền hơn để tự đặt phòng, tự mua vé máy bay cận ngày đi du lịch thay vì thông qua DN lữ hành”, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa nói.
Cũng theo bà Thu Hòa, thu nhập của người dân trong năm 2021 có xu hướng giảm khiến nhiều người không thể lo nổi chi phí về quê (mua vé tàu, xe, quà cáp) nên quyết định ở lại thành phố lớn và đi du lịch tiết kiệm, tự túc. Điều này dẫn đến tình trạng tăng đột biến lượng du khách. Cũng do vấn đề chi phí nên họ chọn đi bằng xe riêng theo kiểu ngẫu hứng, không có kế hoạch và thường chọn các điểm du lịch gần các thành phố lớn. Việc du lịch tự túc dẫn đến tình trạng quá tải về dịch vụ, sản phẩm tại các điểm du lịch, cụ thể là điểm lưu trú, nhà hàng, quán ăn.
Cần thay đổi dịch vụ đặt trước
Ông Lại Minh Duy - Tổng Giám đốc Công ty TST Tourist - cho rằng, ngành du lịch nên tính toán, thay đổi các chính sách hủy, phạt đối với khách đặt dịch vụ từ trước. Nếu không được đảm bảo quyền lợi, người dân sẽ không dám đăng ký tour du lịch sớm và sẽ chọn cách du lịch tự túc. Bên cạnh đó, cần tập trung các giải pháp truyền thông hướng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ địa phương như vận chuyển, lưu trú, ăn uống để chủ DN, hộ kinh doanh sẵn sàng cùng khách hàng hoãn chuyến đi khi dịch bùng phát và đưa khách trở lại khi tình hình ổn định.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa, cần có chính sách chống dịch nhất quán, đồng bộ từ Chính phủ đến các địa phương để người dân yên tâm lựa chọn dịch vụ tour. Ông Lại Minh Duy cũng mong Chính phủ quyết liệt hơn trong việc công bố mở cửa đón khách quốc tế, đưa khách Việt Nam đi nước ngoài và mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch nội địa. Thực tế, trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, các DN lữ hành gần như phải tự “bơi” và gặp vô vàn khó khăn trong việc tồn tại.
“Nếu Chính phủ, các bộ, các địa phương lần lữa, chưa nhất trí cách thức, kế hoạch đón khách quốc tế, cách ly… thì DN rất khó bán tour cho khách. Ngoài việc chủ động công bố sớm chủ trương và có kế hoạch đi kèm sát thực tế để DN dựa vào đó mà xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình” - ông Lại Minh Duy nói.
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.8596541a-iogn-nel-cut-ut-hcil-ud-ihk-iat-auq-ned-meid-cac/nv.moc.enilnounuhp.www