Nhà sáng lập và CEO của Xiaomi Lôi Quân cho biết trong một bài viết đăng trên Weibo: “[Chúng tôi nhắm đến mục tiêu] cạnh cạnh tranh ngang hàng với Apple về mặt sản phẩm và kinh nghiệm, và trở thành thương hiệu điện thoại cao cấp lớn nhất Trung Quốc trong vòng ba năm tới”. Ông đồng thời cũng lặp lại mục tiêu chiến lược của Xiaomi - trở thành nhà cung ứng smartphone lớn nhất thế giới trong cùng giai đoạn ba năm nói trên.
Được đăng tải cùng ngày với buổi họp chiến lược đầu tiên sau Tết Nguyên đán của lãnh đạo Xiaomi, bài viết của ông Lôi mô tả tình thế cạnh tranh trong thị trường smartphone cao cấp là “cuộc chiến sinh tử” mà Xiaomi phải vượt qua nếu muốn tiếp tục phát triển. CEO Lôi Quân cũng nhắc lại cam kết đầu tư 100 tỷ NDT (15,71 tỷ USD) của Xiaomi vào hoạt động nghiên cứu và phát triển trong vòng năm năm tới để đạt được tham vọng của mình.
Mục tiêu cạnh tranh với Apple của Xiaomi đã trở nên thách thức hơn sau khi Apple vượt qua Samsung để trở thành công ty smartphone đứng đầu thế giới vào quý 4/2021, với 22% thị phần toàn cầu nhờ nhu cầu cao đối với iPhone 13, theo báo cáo của công ty phân tích Canalys. Cũng theo báo cáo này, Xiaomi, Oppo và Vivo đứng sau Apple và Samsung trong top 5 công ty smartphone toàn cầu vào giai đoạn đó.
Dữ liệu từ Canalys cho thấy Xiaomi đã lần đầu tiên trở thành công ty smartphone đứng thứ 2 thế giới vào quý 2/2021 khi vượt qua Apple và đứng sau Samsung, với thị phần 17% nhờ lượng hàng bán ra tại Nam Mỹ, châu Phi và Tây Âu tăng trưởng. Tuy nhiên, sang quý 3, khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu và nhu cầu suy giảm tại Trung Quốc đã làm tăng trưởng của Xiaomi chậm lại.
Trong một cuộc hội thảo với các nhà phân tích vào tháng 11, Chủ tịch Xiaomi Vương Tường cho biết vấn đề từ phía nguồn cung, cụ thể là việc nguồn cung linh kiện bất ổn, đang lớn hơn vấn đề nhu cầu và tạo ra nhiều thử thách cho hoạt động sản xuất của Xiaomi.
Bên cạnh chuỗi cung ứng bất ổn, theo nhà nghiên cứu Will Wong, Xiaomi còn đang gặp khó trong việc tạo ra bản sắc riêng so với các hãng điện thoại Android khác tại Trung Quốc và thu hút thêm khách hàng. Ông Wong nói: “Nếu muốn đạt được mục tiêu này, tập trung vào trải nghiệm người dùng là hướng đi đúng dành cho Xiaomi. Tuy nhiên, sẽ rất thú vị để xem liệu Xiaomi có đạt được tham vọng của mình không chỉ bằng sản phẩm, mà còn qua các kênh online và offline hay không.”
Vào tháng 11/2021, Xiaomi đã công bố kế hoạch hạ tầng bán lẻ đầy tham vọng với mục tiêu mở 20.000 cửa hàng bán lẻ mới trong vòng ba năm tới tại các vùng nông thôn của Trung Quốc - nơi chiếm khoảng 70% thị trường smartphone trong nước. Hiện Xiaomi đang vận hành mạng lưới hơn 10.000 cửa hàng trải khắp Trung Quốc.
Dù vậy, với việc Apple chiếm 23% thị phần smartphone tại Trung Quốc đại lục vào quý 4/2021, thử thách đối với Xiaomi, Oppo và Vivo vẫn là rất lớn. Đó là chưa kể việc Huawei đang hướng trở lại thị trường Trung Quốc sau khi phải vật lộn với lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến cạnh tranh trên thị trường này càng trở nên khốc liệt hơn.
Tùng Phong (Theo SCMP)