Một bé gái 5 tuổi ngồi cùng mẹ sau khi được tiêm mũi vắc xin Pfizer đầu tiên - Ảnh chụp màn hình NYT
Thông báo ngày 11-2 (giờ Mỹ) của FDA được ví như một sự đảo ngược có thể làm thất vọng Hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech có trụ sở tại Đức, theo báo New York Times. Theo lịch dự kiến ban đầu, việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi theo phác đồ 3 mũi sẽ bắt đầu vào ngày 21-2 tới.
Sau khi xem xét các dữ liệu do Pfizer/BioNTech cung cấp, FDA quyết định hoãn kế hoạch tiêm để chờ hai hãng này cung cấp thêm các dữ liệu về mức độ hiệu quả.
Cơ quan này cũng trấn an các bậc phụ huynh, nhấn mạnh họ hiểu sự sốt ruột của họ và nhấn mạnh đang làm hết sức để bảo đảm vắc xin cho khoảng 18 triệu trẻ em an toàn, đúng chuẩn.
"Nếu có điều gì đó không đáp ứng tiêu chuẩn đó, chúng tôi không thể để mọi thứ cứ như vậy được", ông Peter Marks, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá sinh học của FDA, giãi bày.
Pfizer/BioNTech khẳng định sẽ tiếp tục thử nghiệm tiêm ba mũi cho tất cả trẻ em và dự kiến sẽ có dữ liệu vào tháng 4 này. Hai hãng dược quyết định tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi theo phác đồ 3 mũi sau khi có dữ liệu cho thấy tiêm 2 mũi liều thấp không tạo ra phản ứng miễn dịch đáng kể.
Theo báo New York Times, có thể ngầm hiểu vắc xin của Pfizer/BioNTech đáp ứng các yêu cầu về mức độ an toàn cho trẻ dưới 5 tuổi. Vấn đề hiện nay là mức độ hiệu quả của loại vắc xin này, bao gồm tiêm bao nhiêu mũi thì tạo ra độ bảo vệ cao và thời gian giữa các mũi là bao nhiêu.
Do số lượng trẻ dưới 5 tuổi tham gia thử nghiệm không nhiều, các hãng dược chuyển sang đánh giá mức độ hiệu quả dựa trên mức độ kháng thể tạo ra và so sánh với các nhóm tuổi lớn hơn được tiêm cùng loại.
Mỹ: Hiệu quả mũi 3 giảm sau 4 tháng
Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 11-2 cho thấy mũi 3 (bao gồm mũi tăng cường) có thể suy giảm mức độ bảo vệ và hiệu quả sau 4 tháng. Điều này làm dấy lên câu hỏi về sự cần thiết của mũi thứ tư cho những người có nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19.
Trong nghiên cứu mới, một nhóm các nhà nghiên cứu được CDC tài trợ đã xem xét dữ liệu được thu thập từ 10 bang trong khoảng thời gian từ ngày 26-8-2021 đến ngày 22-1-2022. Dữ liệu bao gồm các khoảng thời gian mà biến thể Delta và Omicron chiếm hơn 50% các trường hợp trong cả nước.
“Có thể cần thêm một liều nữa - liều thứ tư cho một cá nhân đã tiêm vắc xin mRNA. Điều này có thể dựa trên tuổi tác, cũng như các tình trạng cơ bản của người đó,” ông Anthony S. Fauci, cố vấn COVID-19 hàng đầu của chính quyền Biden, nêu vấn đề.
Bản đồ tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 trên toàn thế giới theo thống kê của New York Times tính đến ngày 11-2 - Ảnh chụp màn hình NYT
Các tin khác về COVID-19:
Ngày 11-2, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc vào năm nay, nếu khoảng 70% dân số thế giới được tiêm chủng "vào khoảng tháng 6, tháng 7".
Châu Âu nới lỏng một số biện pháp chống dịch trong bối cảnh dịch đang dần lên đỉnh điểm ở một số nước.
Tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết số ca mắc mới sắp đạt đỉnh nên không loại trừ nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể sớm giảm bớt các hạn chế cá nhân và xã hội.
Quốc gia láng giềng Pháp thì thông báo người dân không bị buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi hiện nay đang có yêu cầu này kể từ ngày 28-2 do tình hình dịch đã cải thiện. Ý, nơi từng là điểm nóng, cũng dỡ bỏ lệnh bắt đeo khẩu trang ở nơi công cộng do số ca đã giảm.
Bỉ sẽ mở cửa trở lại các câu lạc bộ đêm và cho phép các quán bar mở cửa sau nửa đêm trong thời gian một tuần. Tuy nhiên các yêu cầu chỉ tiếp người có giấy chứng nhận tiêm vắc xin vẫn tiếp tục có hiệu lực, Thủ tướng Alexander de Croo cho biết.
TTO - Một nam bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối ở Anh đã may mắn khỏi bệnh sau khi... mắc COVID-19. Trường hợp này đã trở thành đề tài nghiên cứu cho giới y khoa.
Xem thêm: mth.30495606021202202-iout-5-ioud-ert-ohc-rezifp-meit-naoh-ym-2-21-yagn-ioig-eht-91-divoc/nv.ertiout