Ngày 11-2, các nhà ngoại giao hàng đầu của nhóm Bộ tứ đã có cuộc gặp mặt tại Úc nhằm tái khẳng định cam kết đối với một "trật tự dựa trên quy tắc tự do, cởi mở và bao trùm" ở Thái Bình Dương mà không nhắc tên Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.
Bộ tứ là liên minh quân sự không chính thức, gồm bốn nước: Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc.
"Chúng tôi phản đối các chính sách và thực tiễn kinh tế mang tính cưỡng chế đi ngược lại trật tự dựa trên luật lệ và sẽ hợp tác để thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu trước những hành động như vậy" - theo tuyên bố chung từ các ngoại trưởng Úc, Ấn Độ, Nhật và Mỹ.
Ngày 11-2, ngoại trưởng của bốn nước thuộc nhóm Bộ tứ đã có cuộc gặp trực tiếp tại Úc. Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông và biển Hoa Đông" - theo tuyên bố chung.
Hiện quan hệ của các nước thuộc nhóm Bộ tứ và Bắc Kinh đang xấu đi trong nhiều vấn đề, bao gồm tranh chấp lãnh thổ, nhân quyền và nguồn gốc đại dịch COVID-19.
Mặc dù có rất ít điểm mới trong tuyên bố, nhưng cuộc họp dường như được thiết kế để nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh, thể hiện và đạt được tiến bộ trong "xoay trục" sang châu Á, ngay cả khi đối mặt với các sự kiện cấp bách trên toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp diễn ra trong bối cảnh Washington vẫn đang bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng giữa Ukraine và Nga, với việc các quan chức Mỹ cảnh báo rằng Moscow có thể đang chuẩn bị tấn công nước láng giềng.
Tại cuộc họp, Washington cũng nhấn mạnh rằng khối này không tồn tại chỉ đơn giản là đối trọng với Trung Quốc, mà là một nhóm các nền dân chủ liên kết với nhau để giải quyết các vấn đề ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo ông Blinken, "phần lớn thế kỷ này sẽ được định hình từ những gì xảy ra ở đây trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Thay đổi khí hậu, tội phạm mạng, khủng bố và phân phối vaccine COVID-19 cũng là những ưu tiên của nhóm, tuyên bố cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia Manjari Chatterjee Miller - thành viên cấp cao chuyên về Ấn Độ, Pakistan và Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, "chắc chắn là không đúng hoặc không thực tế" khi nói rằng Bộ tứ không hoàn toàn nhắm vào Trung Quốc.
"Điều đó không đúng bởi vì ngay cả khái niệm về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở - trọng tâm của Bộ tứ, cũng hàm chưa rất nhiều về sự mở rộng và các ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Điều đó không thực tế bởi vì Trung Quốc nhận thức rất rõ về điều này" - theo chuyên gia Miller.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden coi nhóm Bộ tứ là nền tảng trong nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của quân đội Trung Quốc, hoạt động xây dựng đảo ở Biển Đông, các chiến thuật gần đây nhằm vào Đài Loan và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ràng buộc các nước láng giềng thông qua các thỏa thuận thương mại và cơ sở hạ tầng.