Ngót 40 năm gắn với “đêm tối”, ông Dũng vẫn có thể làm việc nuôi vợ con êm ấm - Ảnh: C.CÔNG
Nghe thì nghe nhưng cũng nửa tin nửa ngờ, chúng tôi quyết định chạy xe băng qua mấy lối ruộng đồng nhỏ xíu để đến nhà ông Hồ Văn Dũng (ở ấp 9, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, Kiên Giang).
Để mục sở thị khả năng kỳ lạ của người đàn ông khiếm thị hoàn toàn này, chúng tôi lựa chọn đi sau quan sát thật sự ông có nhanh nhẹn, rành đường đi như lời đồn đại hay không.
Đặt trúm lươn bá phát
Ông Dũng nói gần cả đời người ông chẳng bao giờ mang dép. Thích đi chân không nên mỗi bước đi của ông đều vững chắc nhanh nhẹn chẳng thua một ai sáng mắt. Chúng tôi hỏi: "Chú khiếm thị thế này lâu chưa và do nguyên nhân gì?".
Ông Dũng đáp lời gọn lỏn: "Hồi nhỏ tui bị bệnh nên chẳng may bị mù từ thuở lên 3. Mà hồi đó cha mẹ tui đông con rồi nghèo dữ lắm, uống thuốc nam hông nên tui hổng hết. Tui mà chết luôn thì sẽ không có Dũng mù đặt lươn, mần ruộng, lặn đất... đâu à nghen".
Đặt lươn đâu phải ai cũng rành rẽ làm được nhưng ông Dũng nói "cũng chẳng có bí quyết gì đâu". Mùa nước khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch, ông đi đặt lươn ở mấy cánh đồng lúa chét (gọi là lúa tái sinh được mọc ra từ gốc những cây lúa sau khi đã thu hoạch) quanh nhà.
Nước rút, ruộng nào ruộng nấy cũng được người dân gieo sạ xanh um, ông đi vô vườn, vô mương lớn cặp ruộng mà đặt.
"Mù có cách đặt của người mù. Tui đi chừng 10 bước chân thì tui đặt. Cũng ống trúm, cũng mồi ốc, cũng mồi cua nhưng hổng hiểu trời thương hay sao mà tui đặt trúm lươn ở đâu cũng đều nhạy dính lươn. Hổng có bữa nào tui dìa tay không hết" - ông Dũng khoe rồi nhanh chân đi ra sau nhà lấy can nhựa lội ra đồng mò ốc để chuẩn bị cho chuyến đi đặt lươn chiều nay.
Đồng lúa ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc những ngày này phủ màu xanh bạt ngàn của mạ non. Lúa xanh, người dân sắc nước (rút nước) cạn cho cây nở bụi nên muốn có ốc ông Dũng mù buộc lòng phải đi xa.
"Không thấy đường, nên hồi đó mò mẫm trong đêm tối mất thăng bằng lắm nên lúc đầu tui đi cũng bị té ngã hoài. Ốc, cây, miểng chai bể cứa chân tui tứa máu tuôn tuôn chứ giỡn đâu" - ông Dũng nói.
Giờ đã quen rồi nên ra đồng ông bước đi nhanh nhẹn trên bờ mẫu nhỏ xíu, lồi lõm đất cỏ mà không hề té ngã. Đi thêm một đoạn ngắn nữa, con mương ống đầy nước khuất sau màu xanh của lúa cũng dần hiện ra trước mắt chúng tôi.
Y như đã biết trước, ông Dũng chính xác đặt chân lội ngay xuống mương, một tay cầm cây, một tay còn lại ông mò lần theo đường nước để bắt ốc. Thoáng chốc, can ốc ông bắt cũng gần đầy.
Số ốc này đủ để ông Dũng làm mồi đặt 30 ống trúm lươn chiều nay. Hôm qua ông đặt 30 ống chạy cũng được cả ký lươn đồng vàng cháy.
Ở ruộng, lươn nhỏ nhưng nhờ nó có giá 80.000 - 120.000 đồng/kg (tùy loại) nên ông khoe: "Mai tui dính thêm ký lươn nữa thôi, vợ tui mang ra chợ bán sống được".
Mù từ nhỏ nhưng ông Dũng mần ruộng, đặt trúm lươn bá phát chẳng thua ai
Hai mảnh đời khuyết thương nhau
Ngọn lửa trong bếp lò cháy bập bùng, lửa càng cháy mùi thơm của món rau muống đồng cháy tỏi càng hòa quyện vào mùi tàu hủ chiên sả thơm lừng do bà Ánh (vợ ông Dũng mù) nấu đã khiến cho căn nhà vách lá đơn sơ trở nên ấm áp.
"Vợ tui làm bữa ăn trưa cho cả gia đình ngon dữ lắm à nghen" - ngồi lể ốc khéo léo như người sáng mắt, ông Dũng khoe.
Bà Ánh năm nay hơn 40 tuổi, dáng người nhỏ, có làn da bánh mật và nhanh nhẹn, thương chồng, thương con hết mực. Rót ly nước dừa đãi khách, bà Ánh kể năm 2000, qua lời mai mối của người chú bà đã quen biết được ông Dũng.
Hai người lúc đó như hai mảnh đời khuyết gặp nhau: bà Ánh khiếm khuyết ở môi (hở hàm ếch), ông Dũng bị mù nhưng giỏi giang đồng áng.
"Chắc do duyên phận quá, gặp ảnh là tui thương trong bụng liền hà" - bà Ánh khúc khích cười. "Tui nghĩ mình không thấy đường nên ai mà thương. Ai ngờ, bà nhà thấy tui sao hổng biết rồi thương, rồi về làm vợ tui luôn" - ngồi kế bên, ông Dũng góp lời rồi gật gù cười tươi.
Cưới nhau rồi vợ chồng ông Dũng ra giêng vào năm 2006. Của hồi môn là một công đất, mỗi vụ ông Dũng mần dữ lắm cũng kiếm được khoảng 15 bao lúa (mỗi bao 45 - 50kg lúa tươi). Sau khi trừ đi phân thuốc, ông cũng dư lại ít lúa để lo cái ăn cho cả gia đình.
"Gia cảnh nghèo nên vợ chồng tui heo hút có nhau. Tui đi mần thì bà nhà tui cũng mần cỏ mướn để kiếm tiền hoặc ở nhà lo cơm nước cho con. Cuộc sống đơn giản mà tui cảm thấy hạnh phúc, hài lòng" - ông Dũng chia sẻ thêm.
Năm nay, ngoài đặt lươn, xịt thuốc lúa, lặn đất kiếm ngày 100.000 - 200.000 đồng mỗi ngày thì hai vợ chồng ông Dũng còn nuôi được ít con heo. Số heo này ông bà nuôi lớn lên rồi bán lấy tiền cho con ăn học.
Bởi vì ông Dũng nghĩ: "Tui hổng biết chữ nhưng con tui phải đi học. Hai đứa lớn thấy cảnh cha mẹ nghèo nên nghỉ sớm đi mần công nhân phụ gia đình. Giờ còn đứa gái út, giá nào tui cũng để con đi học đàng hoàng".
Ở kế bên nhà ông Dũng, anh Trần Văn Triệu cho biết việc xịt thuốc, đặt lươn, lặn đất, đi theo máy suốt... công việc gì ông Dũng làm cũng giỏi. Người dân ở đây thích kêu ông Dũng mần vì làm kỹ, đẹp, siêng nữa.
Người ta sáng mắt làm tới đâu ông Dũng làm tới đó, chẳng kém cạnh một ai hết. Việc lặn đất rất vất vả là ngụp lặn dưới sông để moi đất đắp bờ, lên liếp làm lúa, vậy mà ông cũng mần hổng dưới sức ai.
"Vùng này có lươn hay không ảnh đều biết hết. Tui nể ảnh thiệt. Tui sáng mắt mà đặt không lại ảnh. Còn cho máy suốt ăn lúa là máy chạy bao êm nên chủ thùng suốt người ta thích kêu ảnh làm lắm. Ở kế bên nên tôi thấy vợ chồng ảnh sống đầm ấm và hạnh phúc lắm" - anh Triệu bộc bạch.
Lươn đồng ngon lành mà ông Dũng bắt được
Thầy đờn góp vui
Trải tấm bạt dưới gốc dừa, ngồi quây quần bên nhau, ông Dũng trổ tài đờn và hát mấy câu vọng cổ Lan và Điệp mùi mẫn, ai nghe cũng mê.
Chúng tôi chẳng ngờ rằng qua đôi bàn tay thô kệch và những ngón tay chai sần của ông đã làm cho dây đàn rung lên những thanh âm trong trẻo và cao vút.
Ông Dũng khoe đờn này ông tự học. Nghe người ta chỉ rồi về ông tự mày mò bấm nốt nhạc và tự đờn. Riết thành quen, đờn giỏi lúc nào ông cũng không biết.
Chưa có loa kẹo kéo, hồi đó ông Dũng mù chạy đờn hát đám cưới cho người ta cũng kiếm 200.000 - 500.000 đồng/đêm... Giờ ông để cây đờn làm kỷ niệm và hát giải trí chơi.
Cảm nhận gió thổi, nắng nóng và chim hót để đoán giờ
Đôi mắt không còn thấy đường nhưng các giác quan khác của ông Dũng như xúc giác, thính giác... rất nhạy. Ông Dũng cho biết chỉ cần nghe tiếng chim kêu hay đưa tay ra cảm nhận làn gió thổi, nắng rọi thì ông đều đoán được giờ (dù có sai lệch cũng lệch không quá 30 phút).
"Buổi sáng thường chim kêu rộn ràng, gió thổi mạnh là mình biết đã gần trưa. Nắng sáng êm dịu, nắng trưa nóng lắm. Nhờ cách đoán giờ này mà tui có thể đi đặt lươn, thăm đồng hay làm những công việc lặt vặt trong nhà" - ông Dũng nói.
TTO - Từ một người khiếm thị, chàng trai trẻ này đã vươn lên giành học bổng toàn phần ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học quốc tế ở TP.HCM và sáng lập nên các cộng đồng hỗ trợ người khiếm thị.
Xem thêm: mth.55192850121202202-noul-tab-gnour-nam-um-gno/nv.ertiout