Ngành coaching, hay còn gọi là hoạt động huấn luyện cho các cá nhân, tổ chức các kỹ năng mềm hoặc các chuyên môn quản trị có mặt tại Việt Nam đã lâu và sôi động rõ nét trong khoảng 5 năm trở lại đây. Một trong những động lực cho ngành này phát triển chính là Covid-19.
"Kể từ đợt Covid hồi tháng 4/2020 đến nay, cường độ làm việc của tôi đã tăng 200%. Các buổi webinar chia sẻ được tổ chức hàng tuần, thay vì một tháng một lần", ông Trần Tiến Công, Nhà sáng lập Vietnam Coaching Institute (VCI) kể.
Theo ông Công, nhu cầu đăng ký các khóa học tăng cao do mong muốn giải tỏa tinh thần và kết nối với xã hội, một phần vì "không học thì cũng không biết làm gì trong thời gian ở nhà". Ngoài ra, dịch cũng là dịp để cuộc sống hối hả trước đây có dịp chậm lại, từ đó mọi người nhìn lại cuộc sống để kịp điều chỉnh và thay đổi.
Một phần khác là ngày càng nhiều người đăng ký tham dự các khóa huấn luyện vì muốn kiếm thu nhập bằng nghề chuyên gia coaching, được xem là một công việc tự do, linh hoạt và có thể làm online. "Đó là lý do lịch giảng dạy của tôi trở nên bận rộn hơn bao giờ hết", ông Công nói.
Từng là trưởng phòng đào tạo của một công ty chứng khoán, bà Thái Thị Ngoan, Trưởng ban Tài chính của Câu lạc bộ Coach Hà Nội (HCC), Chuyên gia huấn luyện về "Bình an Tài chính" cho biết, sau đợt giãn cách kéo dài suốt quý III năm ngoái, số học viên tìm đến tăng khoảng 30% so với trước đó.
"Sau đợt giãn cách, nhiều người sẽ gặp những khó khăn điển hình như tâm lý lo lắng/hoang mang, công việc không ổn định, tài chính gặp khó khăn... Điều đó khiến họ phải tìm đến những chuyên gia tâm lý/tư vấn/coach để giúp gỡ rồi, tìm được cách cân bằng lại cuộc sống và có giải pháp cho vấn đề của họ", bà Ngoan lý giải.
Bà Ngoan cung cấp các chương trình giúp mọi người cảm thấy bình an hơn về tài chính và trang bị kiến thức, công cụ vượt qua khó khăn hiện tại, xác định được ước mơ trong tương lai và có kế hoạch để từng bước tiến tới mục tiêu đó. Các chương trình tổ chức online, qua Zoom là chính, bên cạnh các ứng dụng trực tuyến như Menti, Kahoot, Quizzi, Jamboard... để kết nối và tăng tương tác với học viên.
Ông Trần Tiến Công cũng vậy, những chương trình từ 30 người đến 500 người đang giảng dạy 100% online thông qua Zoom. "Học trực tiếp qua Zoom theo tôi còn hiệu quả hơn tại lớp vì mọi người được học tại nhà của họ (nơi quen thuộc), không phải tốn thời gian mệt mỏi di chuyển. Điểm lợi ích thứ hai là mọi người kết nối với nhau trong chương trình để thực hành một cách dễ dàng hơn vì không phụ thuộc vào vị trí địa lý", ông nói.
Hay như Dale Carnegie Việt Nam - tổ chức chuyên tư vấn và phát triển năng lực, cũng đã chuyển đổi sang mô hình Đào tạo Tích hợp giữa Trực tiếp và Trực tuyến (blended learning solutions), trong đó lấy Huấn luyện Trực tiếp Trực tuyến (LOL) trở thành giải pháp trọng điểm trong giai đoạn 2020-2021.
"Chúng tôi đã rất thành công trong tiếp cận hệ thống LOL của mình từ tháng 09/2021, sau 6 tháng thử nghiệm, đánh giá và hoàn thiện", đại diện đơn vị này cho biết.
Từ sau đợt giãn cách, thị trường ở TP HCM đã chủ động và nhanh chóng chuyển đổi, sẵn sàng đón nhận giải pháp LOL để đảm bảo được chiến lược và kế hoạch học tập đã xây dựng cho đội ngũ nội bộ. Tần suất lớp học cũng đã đầy được khoảng 70% so với trước đây.
Theo quan sát và kinh nghiệm của Dale Carnegie trên toàn cầu, các hoạt động đào tạo và phát triển năng lực đội ngũ và tổ chức không bị gián đoạn nhiều. Nó được chuyển đổi hình thức sang trực tuyến nhằm đảm bảo chiến lược và các kế hoạch học tập được diễn ra đúng như dự định mà vẫn giữ được sự an toàn cho đội ngũ trong bối cảnh dịch bệnh.
"Thống kê của chúng tôi cho thấy, với những công ty không bị tác động quá lớn bởi đại dịch, còn chủ động và mạnh mẽ hơn trong các chương trình đào tạo, huấn luyện nhằm giữ vững được văn hóa làm việc, tinh thần lạc quan tích cực và sự gắn kết của đội ngũ – nền tảng cho sự phát triển bứt phá và bền vững trong tương lai", đại điện công ty cho biết.
Vậy nhiều cá nhân, doanh nghiệp đang đổ xô đăng ký học những gì? Nhiều chuyên gia và tổ chức đánh giá, đại dịch đã gây ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của lao động. Tác động thậm chí còn cao hơn với các nhà lãnh đạo, khi họ phải xem xét lại định hướng chiến lược và tầm nhìn trong "bình thường mới".
Theo hãng tư vấn PwC, có 5 vấn đề ưu tiên về lao động đang xuất hiện với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tất cả đều có thành phần con người, cụ thể gồm: bảo vệ con người, giao tiếp hiệu quả, duy trì tính liên tục của công việc, đánh giá chi phí nhân công và chuẩn bị cho sự phục hồi.
Theo DC Việt Nam ghi nhận, trong hai năm vừa qua, các nội dung được nhiều người quan tâm xoay quanh các kỹ năng làm việc, hợp tác, phân tích và ra quyết định từ xa hiệu quả. Cùng với đó, các khóa học về bán hàng và dịch vụ khách hàng online, đào tạo giảng viên trực tuyến cũng được nhiều quan tâm.
Còn với ông Trần Tiến Công, chủ đề doanh nghiệp đang quan tâm là coaching cho lãnh đạo - tức là làm thế nào người lãnh đạo có thể thân thiện giúp nhân viên chủ động, tự sáng tạo tìm ra giải pháp và tự gắn kết, có cảm hứng với công việc mà người lãnh đạo không cần phải đi phía sau để giám sát.
Dự báo sắp tới, ông Công cho rằng thị trường coaching ở Việt Nam sẽ vẫn giữ đà tăng trưởng về số lượng. Chất lượng và tiêu chuẩn "coach" cũng ngày càng nâng cao. "Trước đây, các coach chỉ tốt nghiệp chương trình quốc tế được chứng nhận 60 giờ của ICF và có ACC thì nay đều đã nhắm để nâng cấp lên PCC (Professional Certified Coach). Khi thị trường đông lên, các coach sẽ muốn nâng cấp bản thân về mặt chuyên môn và uy tín để có thể bền vững với nghề", ông nói.
DC Việt Nam dự đoán đào tạo tích hợp trực tiếp và trực tuyến cũng đang và sẽ trở thành xu hướng mạnh mẽ trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, khi nền kinh tế và cuộc sống được dự đoán sẽ cần ít nhất một năm nữa để trở lại bình thường.
Viễn Thông