Học sinh Đà Nẵng trong ngày đi học trở lại - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Trong khảo sát do Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện từ tháng 1 đến 6-2 và vừa công bố cho biết 60,6% cha mẹ đồng ý cho con tiêm, số còn lại còn chần chừ, nếu bắt buộc thì tiêm, chỉ 1,9% từ chối.
Tuy nhiên nhiều khảo sát khác (do cơ quan báo chí hoặc khảo sát bỏ túi) cho biết tỉ lệ cha mẹ đồng ý tiêm có thấp hơn khảo sát này.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Chính phủ đã có nghị quyết mua 21,9 triệu liều vắc xin tiêm cho khoảng 10 triệu trẻ 5 đến dưới 12 tuổi.
Hiện Bộ Y tế đang trong các bước chuẩn bị để triển khai như làm việc với nhà cung cấp Pfizer để đặt mua vắc xin, tiến tới tập huấn lại cho cán bộ y tế các tuyến, xây dựng hướng dẫn bổ sung về theo dõi sau tiêm do trẻ em ở lứa tuổi này có những đặc thù riêng...
Về số lượng vắc xin đặt mua, có ý kiến cho biết chỉ nên đặt mua trước 60% số lượng vắc xin, do đây là vắc xin 10mcg chỉ sử dụng cho lứa tuổi 5 đến dưới 12, do tiêm chủng là tự nguyện và mua theo tỉ lệ cha mẹ đồng ý tiêm chủng theo khảo sát, bởi nếu dư vắc xin thì không thể sử dụng cho lứa tuổi khác.
Hơn nữa, hạn dùng vắc xin này (vắc xin mới) lại ngắn hơn so với vắc xin bình thường, khi về đến Việt Nam và thực hiện xong các thủ tục, hạn dùng có thể chỉ còn 3-4 tháng.
Sau khi tiêm mũi 1, nếu tỉ lệ sử dụng vắc xin cao, Việt Nam có thể đặt mua tiếp vì khả năng cung ứng vắc xin hiện nay là dồi dào.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
44 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tiêm/có kế hoạch tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi
Theo thống kê, so với tỉ lệ tử vong chung của bệnh nhân COVID-19 (1,6%), tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 tử vong hoặc có biến chứng nặng thấp hơn nhiều lần.
Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Phan Trọng Lân cho biết trẻ mắc COVID-19 cũng có thể gặp các biến chứng hậu COVID-19.
Ông Lân cho biết thực tế trẻ từ 5 - 12 tuổi mắc COVID-19 cũng ít triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn so với bệnh nhân là người trưởng thành.
"Tuy nhiên khi mắc COVID-19 ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể gặp các biểu hiện "hậu COVID-19". Người ta gọi đây là các di chứng cấp tính sau mắc COVID-19, ở trẻ em có thể là chứng viêm đa hệ (viêm da, viêm khớp), giảm mức độ tập trung...", ông Lân nói.
Hiện số quốc gia, vùng lãnh thổ đã triển khai hoặc có kế hoạch tiêm chủng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi tăng lên hằng ngày, nhưng con số thống kê gần nhất là 44 quốc gia/vùng lãnh thổ đã tiêm hoặc có kế hoạch tiêm. Có nơi tiêm chủng cho toàn bộ trẻ em, có nơi tiêm cho trẻ nguy cơ cao.
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi vẫn như các vắc xin trước đây, nghĩa là triển khai theo hình thức tự nguyện, vắc xin và dịch vụ tiêm chủng vẫn được cung cấp miễn phí.
Tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho học sinh khối lớp 10, 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM: Họp phụ huynh chuẩn bị cho học sinh tiểu học đến trường
Trong ngày 12 và ngày 13-2, các trường tiểu học tại TP.HCM tổ chức họp phụ huynh để chuẩn bị cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp sau hơn một học kỳ học trực tuyến tại nhà.
Trong buổi họp ngày 12-2, nhiều trường thông báo sẽ tổ chức học bán trú ngay khi học sinh quay trở lại trường học vào ngày 14-2. Thông tin này được nhiều bậc phụ huynh hưởng ứng. Tuy nhiên, cũng có một số trường thông báo chỉ tổ chức học một buổi cho đến hết tháng 2.
Tại buổi họp phụ huynh, nhiều phụ huynh lo lắng, đặt câu hỏi về việc nếu trong lớp có một học sinh bị mắc COVID-19 thì quy trình xử lý F0 của nhà trường như thế nào? Các em còn lại có được đi học tiếp hay cách ly ở nhà tiếp tục học trực tuyến?…
Test COVID-19 ở sân bay - Ảnh: NAM TRẦN
Hỗ trợ bác sĩ và điều dưỡng từ 30 đến 60 triệu đồng
Sở Y tế TP.HCM cũng vừa có dự thảo tờ trình nghị quyết về các cơ chế chính sách đặc thù gửi UBND TP.HCM nhằm củng cố, nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo tờ trình này, bác sĩ và điều dưỡng chưa có chứng chỉ hành nghề khi đăng ký tham gia chương trình thí điểm thực hành bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế sẽ có được mức hỗ trợ 30 - 60 triệu đồng.
Dự thảo áp dụng cho 4 nhóm đối tượng, bao gồm bác sĩ - điều dưỡng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, viên chức ngành y tế nghỉ hưu, nhân viên vệ sinh - bảo vệ và viên chức làm việc tại trạm y tế hoặc luân phiên... khi tham gia chương trình thí điểm thực hành tại các trạm y tế.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc thu hút và tuyển dụng nhân sự cho trạm y tế hiện nay rất khó khăn do khối lượng công việc nhiều, chế độ chính sách chưa thu hút và giữ chân được nhân lực có chuyên môn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
Trong năm 2021, số lượng nhân viên y tế làm việc tại trung tâm y tế nghỉ việc rất nhiều, với 120 viên chức, trong đó tại trạm y tế 58 viên chức.
Nhất là từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên y tế tại trạm y tế tăng lên gấp nhiều lần.
Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Ngày 12-2, Hà Nội ghi nhận thêm 2.981 ca mới với 808 ca cộng đồng, có 1.817 ca COVID-19 mức độ trung bình, tăng 25% so với trung bình 7 ngày trước. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (208); Chương Mỹ (197); Nam Từ Liêm (157); Gia Lâm (143); Hoài Đức (139).
Đến nay Hà Nội phát hiện 168.798 ca COVID-19. Tới hết ngày 11-2, tại Hà Nội có hơn 94% bệnh nhân điều trị tại nhà; có 1.817 ca mức độ trung bình, tăng 25% so với trung bình 7 ngày trước; ca nặng và nguy kịch lại giảm còn 605 ca, trong đó số ca phải thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy không xâm lấn hay thở máy xâm lấn đều giảm; chỉ có số ca phải thở oxy gọng kính, mặt nạ tăng nhẹ lên 517 ca.
- Ngày 12-2, Quảng Bình ghi nhận thêm 498 ca COVID-19, trong đó có tới 422 ca cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 2.743 ca đang điều trị tại nhà. Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 10.040 ca; tổng số ca khỏi là 6.874; số đang điều trị tại bệnh viện là 329 ca; có 13 người tử vong.
Hiện 98,20% người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1; mũi 2 là 93,85%; Có 96,79% người trên 50 tuổi tại Quảng Bình tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19; tỉ lệ người trên 18 tuổi tiêm đủ 3 mũi là 25,58%.
- Sơn La đã ghi nhận thêm 383 ca COVID-19. Trong đó, TP Sơn La 93 ca; Mộc Châu 94 ca; Phù Yên 43 ca; Quỳnh Nhai 40 ca, Thuận Châu 35 ca; các huyện còn lại từ 2 đến 22 ca. Từ 1-1 đến 12-2, toàn tỉnh Sơn La phát hiện 5.236 ca COVID-19; trong đó có 3.142 ca khỏi bệnh, 3 ca tử vong tại huyện Mộc Châu, Sông Mã do tuổi cao và có bệnh lý nền.
Tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 mũi 1 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên đạt 98,6%; mũi 2 là 91,2%; mũi 3 đạt 14,4%. Trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi mũi 1 đạt 98,9%; mũi 2 là 91,3%.
TTO - Báo cáo của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho biết hiện còn hơn 303.000 F0 đang theo dõi, điều trị, trong số này có trên 135.300 ca điều trị tại các bệnh viện, bao gồm 2.594 ca nặng.