Kết quả của một cuộc thí nghiệm tâm lý trên sinh viên ở Đại học Cornell (Mỹ) vào năm 2018 cho thấy, bộ não của phần đông người tham gia tập trung vào việc kiếm tiền hơn giữ tiền. Điều đó đã được "lập trình" sẵn trong não người. Những cuộc nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự.
Theo Lê Hồng Bội - nhà đầu tư có kinh nghiệm gần 20 năm trên thị trường chứng khoán và quỹ đầu tư - chú ý vào việc kiếm tiền là điều tốt, nhưng chú ý quá đến mức quên giữ tiền, dễ dẫn đến nhiều hệ lụy.
"Việc quên giữ tiền sẽ đưa đến hậu quả rất xấu, nhưng hậu quả rất xấu đó thường xảy ra rất trễ, khiến ít người sớm phát hiện. Đó là cuộc sống thiếu thốn khi về già, lúc mà người ta không thể kiếm tiền được", ông Bội nêu rõ.
Dân Mỹ thường nhắc nhau con số một triệu USD cần có khi bắt đầu về hưu. Họ tính ra con số một triệu USD theo công thức: một triệu USD sinh lợi trung bình 4% sẽ cho ra 40.000 USD mỗi năm. 40.000 USD là mức chi tiêu trung bình một năm của hai vợ chồng già. Nếu có thêm lương hưu vài nghìn USD mỗi tháng, họ dư dả để đi du lịch.
Tuy nhiên, trên góc nhìn của ông Bội, cách tính trên đã bỏ qua mức trượt giá, dù trượt giá ở Mỹ thấp nhưng nó sẽ làm chi tiêu thay đổi đáng kể sau vài chục năm. Gần đây, người Mỹ đã phải nghĩ đến con số hai triệu USD.
Theo kinh nghiệm của mình, ông Bội lập ra một bài toán như sau. Giả sử một người 25 tuổi, chi tiêu trung bình mỗi năm khoảng 100 triệu đồng cho các nhu cầu cá nhân, gồm có ăn, mặc, ở, đi lại, giải trí, mua sắm đồ điện tử. Nếu nghỉ hưu đúng tuổi, người này sẽ rời lực lượng lao đồng vào năm 61 tuổi, tức 36 năm nữa. Giả sử trong thời gian này, mức trượt giá trung bình mỗi năm là 4%.
Tính theo công thức, 100 triệu đồng nhân 1,04 lũy thừa 36, người này sẽ tiêu 410 triệu đồng vào năm đầu nghỉ hưu. Số tiền đó tăng đều theo mức trượt giá giả định 4% mỗi năm, tạo thành một dãy tăng theo cấp số nhân. Đến năm 85 tuổi, người này sẽ cần 1,05 tỷ đồng để tiêu xài trong một năm. Cộng tất cả các khoản chi từ năm 61 tuổi đến năm 85 tuổi, "núi tiền" cần có trong 25 năm cuối đời sẽ vào khoảng gần 18 tỷ đồng.
Nếu chia 18 tỷ đồng cho 35 năm kiếm tiền từ 25 tuổi đến 60 tuổi, mỗi người phải trích ra hơn 500 triệu đồng một năm. Nhưng theo ông Bội, nếu biết cách giữ tiền sao cho sinh lợi tốt, con số thực tế thấp hơn nhiều. "Nhờ đầu tư mà trong vài chục năm, một món tiền nhỏ sẽ lớn gấp nhiều lần", ông nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư trong kế hoạch hưu trí.
Theo ông Bội, mỗi người cần xác định số tiền chính xác cho tuổi xế chiều. Sở dĩ như thế vì một số ít người quan tâm đến việc giữ tiền cho tuổi già có thể rơi vào trường hợp: để dành nhiều hơn mức cần thiết. Điều này không có hại, nhưng gây ra sự bất tiện khi chi tiêu thấp hơn mức xứng đáng. Bản thân ông cũng rơi vào trường hợp trên. Vì thế, ông Bội tự lập ra bảng tính số tiền cần thiết khi về già, dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
>> Bảng tính số tiền cần có khi về hưu của ông Lê Hồng Bội <<
Khái quát hóa vấn đề, ông Trần Lê Minh - Giám đốc Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) chi nhánh Hà Nội cho rằng, mỗi người cần có một kế hoạch riêng để chuẩn bị cho việc nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc xác định rõ số tiền cần có cho tuổi xế chiều không phải là bài toán đơn giản, phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trước tiên, cần xác định rõ thời điểm về hưu. Đây là điều rất quan trọng, ảnh hưởng đến việc quản lý chi tiêu thu nhập để tiết kiệm và đầu tư sớm. Ông Minh nêu ví dụ có hai nhà đầu tư A và B với giả thiết lãi suất của các quỹ hưu trí hai nhà đầu tư tham gia là như nhau và hai người cùng nghỉ hưu vào năm 62 tuổi.
Nhà đầu tư A bắt đầu tích lũy vào quỹ hưu trí từ năm 22 tuổi với số tiền đầu tư hàng tháng là một triệu đồng. Trong khi đó, nhà đầu tư B rót 4 triệu đồng mỗi tháng vào quỹ hưu trí nhưng thời điểm tham gia muộn hơn, từ năm 40 tuổi.
Biểu đồ minh họa trên chỉ rõ, tuy số tiền nhà đầu tư B đóng góp hàng tháng gấp 4 lần nhà đầu tư A, tài khoản của nhà đầu tư B đến khi nghỉ hưu vẫn đạt mức thấp hơn. Qua đó cho thấy, việc xác định mục tiêu tích lũy cho tuổi già từ sớm rất quan trọng.
"Không phải số tiền đầu tư mà sự kỷ luật và thời gian đầu tư lâu dài mới là yếu tố tất yếu để giúp mỗi người hoạch định một kế hoạch tài chính vững vàng hơn trong tương lại", ông Minh nhấn mạnh.
Về câu hỏi "cần bao nhiêu tiền để nghỉ hưu" an nhàn, theo các chuyên gia từ Dragon Capital, để duy trì cuộc sống tương đương mức trước khi nghỉ hưu, mỗi người cần có lương hưu trí khoảng 70-75% mức lương bình quân trong 5 năm gần nhất. Ví dụ, nếu bạn có thu nhập trong vòng 5 năm gần nhất là 150 triệu đồng mỗi năm, bạn cần ít nhất khoảng 112,5 triệu đồng một năm để đảm bảo cuộc sống hưu trí được thoải mái và an vui hằng năm.
Con số trên được đưa ra dựa theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Mức này sẽ khác nhau dựa trên thu nhập trước khi về hưu của mỗi người, tình hình lạm phát và lãi suất thị trường. Ngoài ra, trần trả lương hưu trí và việc có kết hợp với thu nhập của vợ hoặc chồng hay không, cũng ảnh hưởng đến con số thực tế.
Theo các chuyên gia từ Dragon Capital, chi trả hưu trí từ Bảo hiểm xã hội hiện khó đạt 70-75% mức lương bình quân trong 5 năm gần nhất. Để duy trì mức sống như trước khi nghỉ hưu, cần có nguồn khác để bù đắp. Ngoài trích một khoản ngân sách sinh hoạt hưu trí thông thường hay tham gia Bảo hiểm xã hội, mỗi người nên có thêm các nguồn thu nhập thụ động thông qua khoản đầu tư.
Tại nhiều nước phát triển, phong trào FIRE (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) đang gợi ý mục tiêu tiết kiệm và đầu tư 70% thu nhập để tạo nguồn thu nhập thụ động, giúp bạn nghỉ hưu sớm. Ngoài ra, việc tham gia quỹ lương hưu tự nguyện cũng là một cách thức giúp bạn đảm bảo có nguồn thu nhập ổn định khi về hưu.
Tất Đạt