Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chụp ảnh cùng các văn nghệ sĩ thành phố trong cuộc gặp gỡ sáng 12-2 - Ảnh: LINH ĐOAN
Đến dự có các lãnh đạo và gần 90 văn nghệ sĩ đại diện cho các hội văn học nghệ thuật TP.HCM như nghệ sĩ Mạnh Dung, Tạ Minh Tâm, Hải Phượng, Trọng Hữu, Thanh Ngân, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, Quỳnh Hoa, Quốc Đại, Quý Bình, Lê Tứ, Hà Như, hoa hậu H’Hen Niê...
Lãnh đạo TP.HCM: Tri ân văn nghệ sĩ xung phong vào tâm dịch
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói: "Chúng tôi bày tỏ lòng tri ân văn nghệ sĩ cả nước, đặc biệt văn nghệ sĩ TP.HCM bằng trái tim đa cảm, giàu lòng trắc ẩn đã âm thầm, lặng lẽ, bất chấp hiểm nguy xung phong vào tâm dịch như những chiến binh dũng cảm".
Ông nhìn nhận mỗi văn nghệ sĩ đã đóng góp theo những cách khác nhau. Người sáng tác cổ vũ tuyến đầu, kêu gọi người dân chấp hành quy định.
Người mang lời ca tiếng hát đến bệnh viện dã chiến. Người tham gia các hoạt động thiện nguyện chăm lo người dân ở khu cách ly, phong tỏa... Ông cũng bày tỏ thích thú với bài hát Thành phố gì kỳ của thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương.
Chia sẻ về tình hình văn học nghệ thuật thành phố, ông nói dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng đâu đó vẫn còn câu hỏi vì sao văn học nghệ thuật TP.HCM đang có độ lùi nhất định.
Dường như văn học nghệ thuật còn nhiều khó khăn vướng mắc, có lúc có nơi chưa thể tự mình vượt qua được. Ông cho rằng chúng ta cần cố gắng tìm ra lời giải cho chiến lược phát triển văn hóa nghệ thuật.
Ông cũng lưu ý đến việc phát triển công nghiệp văn hóa, làm gì để quảng bá các tác phẩm hay sâu rộng đến quần chúng; nâng cao chất lượng quản lý văn hóa nghệ thuật, đào tạo chuyên môn văn nghệ sĩ; nâng cao cơ sở vật chất biểu diễn, phần nào là ngân sách, phần nào đẩy mạnh xã hội hóa cần có quy định rõ ràng, có lằn ranh pháp lý; nâng cao chất lượng hiệu quả các trại sáng tác, đổi mới nâng cao chất lượng các giải thưởng văn học nghệ thuật, phát huy sự sáng tạo của văn nghệ sĩ...
Ông mong rằng văn nghệ sĩ cố gắng bám sát thực tiễn, hơi thở cuộc sống để viết, sáng tạo ra tác phẩm hay phục vụ công chúng.
Văn nghệ sĩ: Băn khoăn từ đờn ca tài tử đến sân khấu xã hội hóa
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng - trưởng khoa âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM - chia sẻ điều mình suy ngẫm:
"Cận Tết vừa rồi tôi có tham gia biểu diễn chương trình xuân Trên bến dưới thuyền. Lúc đó tôi có hỏi các bạn bên Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM xem năm nay tuyển được bao nhiêu học sinh học nhạc cụ.
Họ cho biết trường đã không đào tạo ngành này. Thông tin đó khiến tôi hụt hẫng. Một vở cải lương không thể chỉ có nghệ sĩ hát mà phải có nhạc công đờn. Tại sao đờn lại đang thiếu người học? Tôi nghĩ năm nay chúng ta phải nghiên cứu và giải quyết vấn đề này".
"Chúng ta giới thiệu với nước ngoài đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng đờn ca tài tử giờ chỉ còn người ca thôi, không có đờn thì còn gì là đờn ca tài tử" - Hải Phượng nhấn mạnh.
NSƯT Mỹ Uyên tâm sự sau mùa dịch nhiều nghệ sĩ bị stress, nhất là những nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp. Chị nói thế hệ kế thừa vẫn còn, họ vẫn yêu, đam mê sân khấu nhưng khán giả thì ít đi vì bị phân tán cho giải trí số.
Chị mong có nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ sân khấu xã hội hóa được biểu diễn ở các quận, huyện, vùng sâu, vùng xa. "Chúng tôi không nề hà bê những tác phẩm có nội dung, tư tưởng tốt đi diễn phục vụ, tiếp cận để có thêm người xem" - Mỹ Uyên bày tỏ.
MC Quỳnh Hoa phát biểu ngoài các nghệ sĩ ở các nhà hát công lập, từ các hiệp hội chúng ta có rất nhiều nghệ sĩ tự do, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Chị mong các cấp lãnh đạo quan tâm lực lượng trẻ này để họ được phát huy khả năng, đóng góp cho thành phố.
TTO - Tối 19-1, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM và đội tình nguyện viên nghệ sĩ tổ chức chương trình Gắn kết yêu thương mang Tết sớm đến cho 500 trẻ em kém may mắn.
Xem thêm: mth.8064018031202202-noh-mat-nauq-coud-ert-is-ehgn-cac-gnom/nv.ertiout